4 quán đường phố Việt hút khách ở nước ngoài

Người Việt ở nước ngoài giới thiệu đến du khách thế giới những món ăn bình dân như bún đậu mắm tôm, bánh mì và được đón nhận nhiệt tình. – Du lịch

Ẩm thực Việt ngày càng có chỗ đứng trên bản đồ ẩm thực thế giới với nhiều món ăn được biết đến bên cạnh những cái tên quen thuộc như phở hay bánh mì. Những quán ăn do người Việt mở ở các nước trên thế giới được biết đến rộng rãi. Dưới đây là 4 địa chỉ ẩm thực do người Việt ở nước ngoài mở, thu hút khách, từng xuất hiện trong các bài viết do Du lịch giới thiệu và thu hút người quan tâm trên một số nền tảng mạng xã hội.

Bún đậu mắm tôm ở New York, Mỹ

Mắm NYC là quán bún đậu mắm tôm do chị Nhung Đào và chồng là đầu bếp Mỹ Jerald Head mở từ năm 2020 ở khu Chinatown, quận Manhattan. Từ cửa hàng nhỏ theo mô hình pop-up (cửa hàng thời vụ), vợ chồng chị Nhung đã gây dựng “đứa con tinh thần” thành nhà hàng nhỏ luôn kín khách nơi sầm uất bậc nhất nước Mỹ.

Năm 2023, Mắm NYC được NY Times xếp hạng 26 trong danh sách 100 nhà hàng ngon nhất thành phố New York.

Mẹt bún đậu mắm tôm trên đất Mỹ. Ảnh: mắm.nyc

Mẹt bún đậu mắm tôm trên đất Mỹ. Ảnh: Mắm.nyc

Nhà hàng có khu vực ngồi trong nhà và dãy bàn ở vỉa hè với bàn ghế nhựa màu xanh giống các quán ăn bình dân ở Việt Nam. Bún đậu được bày biện trên chiếc mẹt đan tre, bên dưới lót lá chuối. Mỗi suất đặc biệt có giá 32 USD, gồm bún, đậu rán, chả cốm, lòng nướng, dồi luộc, thịt lợn và mắm tôm kèm nhiều loại rau thơm. Mắm tôm được pha với đường, nước cốt chanh và ớt Thái.

Ông chủ Jerald cho hay quán có quy mô nhỏ, lượng khách đông nên luôn trong tình trạng quá tải, nhiều khi khách phải ra về vì hết đồ. Khách thường phải đặt trước và xếp hàng chờ bên ngoài tối thiểu 30 phút. Hiện, nhà hàng bán trung bình khoảng 100 suất bún thập cẩm, 30 kg đậu phụ tươi mỗi ngày.

Nhiều người Mỹ tới Mắm NYC để ăn thử món độc đáo này. Đối với những khách hàng lần đầu trải nghiệm, chủ nhà hàng đều giới thiệu mắm tôm “nặng mùi và khó ăn nhưng là hồn cốt của món bún đậu”.

Xe nước mía ở Cheongju, Hàn Quốc

Địa điểm này từng gây chú ý mạng xã hội nhờ một đoạn video người dân xếp hàng chờ mua nước mía ở Hàn Quốc đăng tải trên TikTok, thu hút gần ba triệu lượt xem. Người chia sẻ là chủ quán Huỳnh Chơn Phương, 33 tuổi, quê ở Cà Mau, đang sinh sống tại thành phố Cheongju, tỉnh Chungcheongbuk-do, Hàn Quốc.

Chia sẻ với Du lịch, chị Phương cho hay đoạn video gây sốt mạng xã hội do chị đăng tải từ năm 2023. Xe nước mía là công việc kinh doanh thêm nhưng “không ngờ nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ mọi người”, chị Phương nói.

Chị cho biết mỗi ly nước mía có giá 5.000 won (khoảng 90.000 đồng). Do điều kiện khí hậu, ở Hàn Quốc khó trồng mía, chị Phương phải nhập từ Việt Nam với phí khoảng 40.000 đồng mỗi kg.

Quán hiện ép mỗi ngày hơn 400 kg mía, lúc cao điểm lên đến hơn 600 kg. Thức uống bình dân này thu hút cả người Hàn và người Việt ghé mua.

Xe cà phê muối ở Phần Lan

Na Uy, 17 tuổi và hai người bạn Phùng Gia Phút và Phạm Minh Quân, đều là du học sinh tại Phần Lan, chung tay mở một xe cà phê muối di động nơi xứ người từ cuối tháng 10 năm 2023.

Na Uy cho biết sau khi ở Phần Lan vài tháng, cậu nhận ra người địa phương chuộng uống cà phê nhưng chỉ có loại đóng chai hoặc pha máy, vị rất nhạt và gần như không có hương, nếu có thể “phổ cập” cà phê Việt chắc chắn sẽ thành công.

Mẹt bún đậu mắm tôm trên đất Mỹ. Ảnh: mắm.nyc

Người dân Phần Lan đứng chờ mua cà phê muối của Na Uy và nhóm bạn, tháng 11/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Với ba chiếc phin mang từ Việt Nam sang, cà phê Việt mua ở chợ châu Á, bàn ghế cũ lấy từ nhà kho, vẽ thêm biển hiệu bằng tiếng Phần Lan, tiếng Anh, tiếng Việt, ba chàng trai Uy, Phát và Quân có ngày bán hàng đầu tiên trước cửa siêu thị cách nhà 500 m. Những ngày đầu mở cửa, xe cà phê lác đác 6-7 khách. Sau hai tuần, quán đã có khách quen, xe cà phê của ba chàng Việt xuất hiện nhiều trên các nền tảng mạng xã hội, bán được 30 cốc mỗi ngày.

Hiện, xe cà phê phục vụ khoảng 40 cốc vào ngày cao điểm, vượt mong đợi so với dự tính ban đầu của Uy, Phát và Quân. Xe cà phê chỉ phục vụ từ 11h đến 15h vì đây là khung giờ mọi người ra đường nhiều. Mỗi cốc cà phê muối giá 2 euro (53.000 đồng), cà phê sữa 1,8 euro (47.000 đồng) và cà phê đen 1,5 euro (39 nghìn đồng).

Xe bánh mì ở Nhật

Anh Nguyễn Huy Phước, 35 tuổi, quê Đà Nẵng, bắt đầu khởi nghiệp với những chiếc bánh mì Việt đầu tiên ở ngoại ô Tokyo từ năm 2018. Sau 6 năm, vợ chồng anh đã mở rộng xe bán bánh mì lưu động tại 8 tỉnh thành ở xứ Mặt Trời mọc. Trong một bài phỏng vấn với Du lịch vào tháng 8 năm 2023, anh Phước chia sẻ thời mới bán hàng, khách đến nhìn rồi bỏ đi, vợ chồng Phước phải ăn bánh mì trừ bữa nhưng 5 năm sau, có ngày họ bán được 1.000 chiếc.

Vợ chồng anh Phước quyết định bán bánh mì kẹp thịt kiểu Việt bởi tính tiện lợi, khách thuận tiện mua mang đi. Với số vốn ban đầu 100 man (khoảng 215 triệu đồng), anh tìm nơi thiết kế cải tạo ôtô tải cũ thành xe bán hàng cũng như tìm điểm đứng bán. Anh Phước cho biết ở Nhật mỗi thành phố có những quy định riêng về giấy phép kinh doanh, an toàn thực phẩm, cũng như quy cách về xe lưu động nên vợ chồng mất vài tháng chuẩn bị.

Mẹt bún đậu mắm tôm trên đất Mỹ. Ảnh: mắm.nyc

Khách xếp hàng trước xe bán bánh mì lưu động của anh Phước, chị Giang tại Tokyo, Nhật Bản, tháng 6/2023. Ảnh: Nguyễn Huy Phước

Anh Phước cho hay các ngoài các nguyên liệu tươi như thịt gà, thịt lợn, gan làm pate, hầu hết gia vị khác đều phải nhập từ Việt Nam. Việc tìm nơi sản xuất bánh mì Việt trên đất Nhật cũng không dễ dàng. Người Nhật quen ăn bánh mì vỏ cứng ruột đặc, không giống bánh mì Việt vỏ mỏng giòn, ruột xốp. Hương vị nhân bánh mì cũng được điều chỉnh phù hợp với sở thích ăn ngọt, mùi vị thanh nhẹ của người Nhật.

Những ngày đầu, xe bánh mì của anh Phước bán trung bình 20-30 bánh, hiện tăng lên 50-60 bánh mỗi ngày. Mỗi xe lưu động chỉ bán ba tiếng ăn trưa, từ 11h đến 14h, thực đơn thêm cơm với topping tương tự bánh mì.

Bích Phương


Bài viết được đề xuất