Bình Dương không chỉ có các khu công nghiệp mà còn là nơi có nhiều điểm tham quan, vui chơi đẹp ít người biết. – Du lịch
Bình Dương là cửa ngõ TP HCM, đường đi thuận tiện, với thủ phủ là thành phố Thủ Dầu Một. Nơi đây là vùng đất chiến trường xưa với những địa danh lịch sử như Phú Lợi, Bàu Bàng, Bến Súc, Lai Khê, đặc biệt là chiến khu Đ, nổi tiếng với làng sơn mài Tương Bình Hiệp, nghề gốm sứ hay những vườn cây trĩu quả.
Hành trình 48 giờ khám phá Bình Dương theo gợi ý của anh Đoàn Cường, chuyên viên Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh và nhóm khách TP HCM. Chương trình phù hợp với du khách khởi hành từ TP HCM, có 1-2 ngày rảnh rỗi kết hợp công việc và vui chơi tại TP HCM.
Ngày 1
Buổi sáng
Ăn sáng và uống cà phê tại thành phố Thủ Dầu Một. Một số món ăn sáng gợi ý phổ biến tại đây là Cháo lòng Cây Me, bún riêu Mộc, phở Dạ. Các món ăn có giá từ 30.000 đồng đến 60.000 đồng.
Sau bữa sáng, khởi hành đi Làng Tre Phú An (còn gọi là Bảo tàng Sinh thái tre và Bảo tồn thực vật Phú An) nằm ở thị xã Bến Cát, cách thành phố Thủ Dầu Một gần 20 km. Đây là khu bảo tồn hệ sinh thái tre đầu tiên tại Việt Nam, là điểm đến quen thuộc của những người thích phong cảnh thôn quê. Nơi đây lưu giữ khoảng 1.500 bụi tre với 300 mẫu tre, trúc, nứa thuộc 17 giống (chiếm 90% giống tre của Việt Nam). Trong đó, có nhiều giống tre quý hiếm như mai ống, vàng sọc, ngà, lồ ô vàng, mạnh tông.
Năm 2010, Phú An đã được giải thưởng Xích Đạo của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) về bảo vệ đa dạng sinh học, phục vụ phát triển cộng đồng và ứng phó biến đổi khí hậu. Năm 2016, nơi này còn được công nhận là thành viên Hiệp hội các Vườn thực vật thuộc khu vực nói tiếng Pháp trên thế giới. Đây cũng là nơi chụp ảnh đẹp và nghỉ ngơi thư giãn.
Một trong những điểm đến không nên bỏ qua ở Bình Dương là làng gốm cổ 150 năm tuổi Đại Hưng và làng sơn mài Tương Bình Hiệp (cách trung tâm Thủ Dầu Một khoảng 3 km). Đây là nơi sản xuất và bảo tồn nghề gốm cổ nhất Bình Dương. Tại đây, bạn sẽ có cơ hội khám phá về quy trình sản xuất gốm thủ công, các bước như nặn bằng tay, lấy củi đốt, pha màu theo phong cách cổ điển, khai thác nguyên liệu tại mỏ.
Lò gốm Đại Hưng lưu giữ và bảo tồn ngành nghề truyền thống, góp phần tạo dựng, phát triển kinh tế với các sản phẩm đặc trưng. “Đến Bình Dương mà không tham quan và trải nghiệm làm gốm là mất đi giá trị của chuyến đi”, anh Cường chia sẻ. Mỗi ngày, lò lu nổi tiếng này xuất hàng tiêu thụ khắp Việt Nam , với các chủng loại như lu, khạp, vại có thiết kế truyền thống.
Sau khi tham quan, tìm hiểu quy trình sản xuất gốm thủ công và làng sơn mài, du khách dùng bữa trưa tại các nhà hàng ở trung tâm Thủ Dầu Một. Cháo môn lươn – gỏi gà măng cụt và bánh bèo bì là gợi ý. Đây là ba món ăn của Bình Dương được Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam vinh danh trong hành trình tìm kiếm giá trị văn hóa Việt Nam. Các địa chỉ tham khảo: Vườn Xưa quán, Chiều Nay quán, Vườn Măng quán, Vườn Măng Bình Nhâm.
Buổi chiều
Tham quan nhà cổ Trần Văn Hổ (phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một), di tích kiến trúc nghệ thuật được công nhận cấp quốc gia năm 1993.
Ngôi nhà được xây dựng tháng 2/1890 theo kiểu ba gian, hai chái, gồm 36 cột tròn, 6 hàng cột tròn từ trước ra sau, mỗi hàng 6 cột được kê toàn bộ trên đá tảng, nền lát gạch tàu. Mặt chính diện ngôi nhà quay về hướng tây nam (sông Sài Gòn). Đây là một trong những hướng tốt về mặt phong thủy mà người dân Nam Bộ xưa thường chọn để xây nhà, đặc biệt là những gia đình giàu có.
Chùa Hội Khánh là ngôi chùa cổ ở thành phố Thủ Dầu Một, được xây dựng năm 1741. Nơi đây có bức tượng được tổ chức Kỷ lục Châu Á công nhận là tượng Phật nằm dài nhất châu Á. Nét nổi bật của cổ tự này là giá trị về mặt lịch sử văn hoá, nghệ thuật kiến trúc, đặc biệt phần lớn những di tích, cổ vật hàng mấy trăm năm được bảo tồn lưu giữ. Hội Khánh còn được xem là ngôi chùa tiêu biểu cho đặc điểm chung của các chùa cổ Bình Dương.
Theo chia sẻ của anh Cường, chùa Hội Khánh còn gắn với hoạt động của cụ Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh). Năm 1923 đến 1926, cụ Sắc cùng cụ Tú Cúc (Phan Đình Viện) và Hòa thượng Từ Văn đã sáng lập Hội Danh Dự tại đây.
Quay về Thủ Dầu Một, nghỉ đêm tại một trong những khách sạn Bcons, Becamex, The Mira, Long Bảo Châu với mức giá từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng mỗi đêm.
Buổi tối
Du khách có thể tham quan chợ đêm và phố đi bộ Bạch Đằng, hoạt động từ 17h đến 23h30 hàng ngày, với nhiều gian hàng kinh doanh mặt hàng lưu niệm, đồ ăn uống, đặc sản vùng miền, món ăn đường phố. Ngoài ra, chợ cũng có khu trò chơi giải trí cho thiếu nhi.
Ngày 2
Buổi sáng và trưa
Sáng ngày thứ hai, du khách lựa chọn các món ăn khác để điểm tâm như bún bò Huế bà Hường, bún măng vịt Dì Út, canh bún Hà Phát, bún canh chả cá, bún mắm Mười Thanh với mức giá từ 25.000 đồng đến 40.000 đồng.
Hành trình tiếp theo bắt đầu với điểm đến là di tích Chiến khu Vĩnh Lợi (thị xã Tân Uyên), cách Thủ Dầu Một khoảng 15 km. “Nơi đây năm xưa là tiền đồn xuyên suốt của chiến khu Đ, được xem là một trong những địa chỉ đỏ cho hoạt động du lịch về nguồn”, anh Cường nói.
Chiến khu Vĩnh Lợi được hình thành năm 1946, là một vùng đất nằm giữa ba khu rừng lớn của xã Vĩnh Tân (rừng Cây Bông, rừng Sở Tiểu và rừng Thầy Cai) rộng hơn 300 ha, được bao bọc bởi hai con suối là suối Cái (suối cầu Thợ Ụt) và suối Vĩnh Lợi ở hướng đông nam. Hướng đông và tây có hai trục giao thông chạy về hướng bắc tạo sự liên thông với chiến khu Đ, chiến khu Thuận An Hòa. Tại đây du khách có thể tham quan tượng đài chiến thắng, hội trường, khu đền tưởng niệm.
Ăn trưa tại một trong những nhà hàng ở TP Tân Uyên như Tân Phước Khánh, Bếp Nhà 2, Bạch Đằng, nhà hàng hải sản Lê Tuấn, ẩm thực Xưa. Đặc biệt, bạn nên thưởng thức cá duồng và tôm sông là những món ăn đặc sản ở Tân Uyên.
Buổi chiều và tối
Gần khu di tích là Cù lao bưởi Bạch Đằng với 5 loại bưởi (bưởi đường núm, bưởi đường lá cam, bưởi ổi, bưởi thanh và bưởi da xanh). Bưởi Bạch Đằng nổi tiếng ngon, trong đó giống bưởi đường lá cam là phổ biến nhất, hầu như nhà nào ở Bạch Đằng cũng trồng. Giống bưởi này có trái chừng 1-1,3 kg, vỏ xanh bóng và mỏng, vị ngọt thanh.
Quay lại trung tâm, du khách nên tới thăm chợ Thủ Dầu Một. Nơi đây vốn có tên là chợ Phú Cường, gần 100 năm tuổi, hiện vẫn là chợ có quy mô nhất Bình Dương. Chợ có kiến trúc Pháp với tháp đồng hồ tương tự chợ Bến Thành. Các hoạt động mua bán còn diễn ra ở các tuyến phố xung quanh chợ. Bạn có thể tham quan, hoặc mua các sản vật địa phương.
Nếu không thích dạo chợ, hãy ghé một trong những quán cà phê nổi tiếng nhất Thủ Dầu Một – Gió và Nước. Đây là quán cà phê sân vườn được xây dựng bằng tre từ hơn 15 năm trước, từng giành được nhiều giải thưởng kiến trúc lớn trong và ngoài nước. Quán có không gian rộng và thoáng, lấy gió trời tự nhiên và nước làm chủ đạo, vật liệu xây dựng đa phần từ cây tầm vông, không có cột xi măng. Quán mở cửa từ 7h đến 22h, giá đồ uống dao động từ 25.000 đến 55.000 đồng.
Buổi tôi, thưởng thức các món ngon vùng miền tại các nhà hàng ở khu dân cư Chánh Nghĩa như Kill’s Grill, phố nướng Tokyo Bình Dương, Chu SuKi, Sesan, The Palma, Hương Việt. Ngoài ra, còn có một số món ăn vặt như bánh xèo, hủ tiếu, mỳ cay, tàu hủ, bánh bèo, ốc với mức giá chỉ khoảng vài chục nghìn đồng.
Một số địa điểm thay thế: Chùa Tây Tạng, nhà thờ Chánh tòa Phú Cường, TTTM Minh Sáng Plaza, Bảo tàng Dược cổ truyền, Khu du lịch sinh thái Thủy Châu, cắm trại ở hồ Dầu Tiếng. Nếu đi các khu du lịch và cắm trại, du khách nên dành ít nhất một ngày. Khu Thủy Châu cách Thủ Dầu Một khoảng 20 km (thường chỉ mở cửa cuối tuần), còn hồ Dầu Tiếng cách khoảng 65 km.
Nguyễn Nam