Gia Lai có thác K50, Biển Hồ, hàng thông trăm tuổi và nhiều món ăn ngon, thích hợp trải nghiệm vào tháng 10 và 11 khi hoa dã quỳ bắt đầu nở. – Du lịch
Gia Lai là tỉnh vùng cao nằm ở phía bắc Tây Nguyên với thủ phủ là thành phố Pleiku. Đây là nơi có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, thác K50 hùng vĩ, Biển Hồ, hàng thông trăm tuổi và nhiều món ăn ngon. Hành trình 48 giờ khám phá Gia Lai theo gợi ý của chị Ngọc Diệp, Trưởng phòng Quản lý Du lịch thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh và nhóm du khách đến từ TP HCM.
Ngày 1
Buổi sáng
Ăn sáng trong thành phố Pleiku với món phở khô Gia Lai (còn gọi là phở hai tô) với giá từ 30.000 đồng đến 55.000 đồng. Đây được xem là một trong những món ăn đặc trưng của phố núi. Phở khô Hồng và phở Ngọc Sơn là hai chuỗi phở hai tô nổi tiếng nhất ở Pleiku, với nhiều cửa hàng trong thành phố.
Pleiku cũng nổi tiếng về cà phê không kém gì Buôn Ma Thuột. Vì thế, hãy thưởng thức cà phê sau bữa sáng. Các quán cà phê trong thành phố đều rộng và đẹp. Bạn có thể chọn Omely, Maya, Cuội Acoustic, Java Coffee, quán cổ Pleiku, V7 Coffee.
Sau bữa sáng, khởi hành đi Kon Chư Răng (huyện K’Bang, cách trung tâm TP Pleiku khoảng 150 km về phía đông) để khám phá thác K50. Vài năm gần đây, K50 nổi lên là con thác “phải chinh phục”. Nơi đây được ví như “nàng công chúa” nằm ẩn mình giữa núi rừng Tây Nguyên bởi vẻ đẹp thuần khiết.
“Đến với Gia Lai mà chưa đi thác K50 xem như hành trình chưa trọn vẹn”, chị Diệp nói và cho biết thêm trước đây đường đến thác K50 rất khó đi vì phải băng rừng. Nay đã có đường bê tông, xe máy có thể vào gần thác nên việc đi lại dễ dàng hơn, nhưng vẫn chủ yếu là đường rừng. Thác K50 nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng nên du khách cần thông qua ban quản lý.
Cũng theo chị Diệp, độ cao của thác là 50 m nên có tên gọi thác K50. Ngoài ra, thác còn có tên là Én vì đằng sau dòng nước là hang mà nhiều chim én sinh sống. Thác K50 như một dải lụa bạc lấp lánh giữa màu xanh của rừng núi đại ngàn. Du khách đi bộ trên đường đất khoảng 15 phút sẽ tới chân thác. Vì di chuyển đường rừng nên cần trang bị quần áo dài tay, tất cao cổ và gậy dò đường để tránh côn trùng, rắn rết.
Sau khi check-in, khám phá thác K50, du khách dùng bữa trưa trong rừng với thực phẩm đã được ban quản lý khu bảo tồn chuẩn bị trước hoặc tự mang theo.
Buổi chiều tối
Trên đường quay về thành phố, du khách sẽ đi qua làng kháng chiến Stơr và làng Mơ Hra, những ngôi làng đặc trưng và có ý nghĩa với người dân Tây Nguyên.
Làng kháng chiến cách TP Pleiku khoảng 70 km, là nơi anh hùng Núp được sinh ra và lớn lên. Tại đây anh Núp đã phát động và lãnh đạo người dân đứng lên đánh Pháp. Làng Stơr và anh hùng Núp đã trở thành biểu tượng của “Đất nước đứng lên”.
Làng Mơ Hra mang những nét văn hóa đậm bản sắc của người Ba Na. Nơi đây giờ là mô hình du lịch cộng đồng thu hút nhiều khách du lịch. Du khách ăn tối và thưởng thức văn nghệ cồng chiêng, đàn T’rưng bên ánh lửa. Các món ăn dân dã, quen thuộc của dân làng gồm cơm lam, cà đắng lá mì, cá suối nướng, gà nướng.
Nghỉ đêm tại khách sạn 3 sao Tre Xanh ngay trung tâm thành phố, với giá 650.000 đồng một đêm. Ở Pleiku có khách sạn 4 sao Hoàng Anh Gia Lai với giá phòng dao động từ hơn 1 triệu đồng một đêm và nhiều nhà nghỉ, homestay với giá bình dân.
Ngày 2
Buổi sáng và trưa
Bữa sáng ngày thứ hai, du khách có thể chọn các món như bún bò, bún cua. Bún cua thối (bún mắm cua) là một đặc sản khác của Gia Lai bên cạnh phở hai tô. Món ăn như tên gọi có nguyên liệu chính là cua. Sở dĩ bún cua dậy mùi là do quá trình ủ nước cua để lên men. Bát bún đậm đà, chất lượng, khi ăn không còn cảm giác mùi nồng nặc như khi thực khách bước vào quán.
Những điểm đến đẹp và nổi tiếng trong thành phố như khu du lịch Biển Hồ (hồ Tơ Nưng), hàng thông trăm tuổi, đồi chè (Biển Hồ Chè), chùa Bửu Minh sẽ là hành trình tiếp theo của ngày thứ hai ở Pleiku. Các điểm đến này tương đối gần nhau nên du khách có thể đi liền trong buổi sáng.
“Biển Hồ chè” rộng hơn 1.000 ha. Đồi chè ở đây có từ những năm 1920 khi người Pháp bắt đầu khai khẩn vùng đất cao nguyên để trồng chè vì nơi đây có khí hậu mát mẻ. Đây cũng là đồi chè đầu tiên của Tây Nguyên.
Hàng thông trăm tuổi kế bên đồi chè dài khoảng 1 km, được trồng từ năm 1917 với 101 gốc. Đây là nơi lúc nào cũng đông khách du lịch và giới trẻ tới chụp ảnh. “Lưu ý đừng đến đây muộn vào giữa trưa, vì khi đó ánh sáng chiếu đỉnh đầu, không còn đẹp, những bức ảnh của bạn sẽ kém phần lung linh, không có những tia nắng xiên”, anh Minh, du khách từ TP HCM, chia sẻ kinh nghiệm.
Dọc hàng thông là một vài quán cà phê di động trên những chiếc ôtô cũ được trang trí lại, tạo thành một khung cảnh khá thư giãn cho du khách nghỉ ngơi.
Một lựa chọn khác cho những người thích vận động là leo lên miệng núi lửa Chư Đăng Ya thuộc địa phận xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh, cách trung tâm Pleiku khoảng 30 km. Từ Biển Hồ, đi thêm khoảng 20 km nữa sẽ tới. Nếu bạn đi vào mùa từ tháng 10 đến tháng 11 sẽ gặp hoa dã quỳ vàng rực nở rộ dọc đường lên núi. Lưu ý chuẩn bị nước uống, đi giầy đế bằng vì khá nắng nóng và không có bóng mát. Có nhiều xe ôm bên dưới, nên du khách chỉ phải đi bộ một đoạn ngắn lên đỉnh.
Ăn trưa tại gà nướng Plei Têng, khu Tân Sơn. Du khách ngồi ăn trong các nhà sàn mát mẻ, có âm nhạc Tây Nguyên, với những con gà nướng nóng giòn, vàng ươm, chắc thịt, cùng cơm lam, chấm muối vừng. Bữa ăn no chưa đến 200.000 đồng một người.
Buổi chiều tối
Về lại TP Pleiku, thăm quảng trường Đại Đoàn Kết hay còn gọi là quảng trường lớn, với khuôn viên rộng 12 ha. Trung tâm quảng trường là tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh được làm bằng đồng tấm. Tượng có chiều cao 10,8 m, nặng 16 tấn, đứng trên bệ bê tông ốp đá xanh cao 4,5 m. Đây là địa điểm được nhiều người dân địa phương và du khách tới check-in khi đến phố núi Pleiku. Khuôn viên quảng trường rộng rãi, thông thoáng nhưng do thiếu bóng mát nên chỉ thích hợp nếu đến sau 17h.
Buổi tối du khách có thể thưởng thức ẩm thực địa phương hoặc các món ngon vùng miền tại các nhà hàng như Hoàng Gia Garden, làng ẩm thực Hưu Sao, nhà hàng Ngọc Lâm, nhà hàng Phố Biển, quán Nhà Tôi. Ngoài ra, còn có một số món ăn vặt như bún thịt nướng, bánh xèo tôm, bánh bèo, xôi chiên, chè chuối nướng, sữa chua nếp cẩm với mức giá chỉ khoảng vài chục nghìn.
Nguyễn Nam