5 điểm đến linh thiêng ở châu Á ‘đáng sợ’ hơn Halloween

Một ngôi chùa ở Doi Suthep lên đèn vào buổi đêm. Ảnh: Getty

Câu chuyện về linh hồn, quái vật ở một số điểm du lịch tại Châu Á được nhận xét đáng sợ hơn những trò hù dọa ngày Halloween. – Du lịch

Halloween dần trở thành một lễ hội hào nhoáng và ít nỗi sợ. Nhắc đến ngày lễ cuối tháng 10, mọi người thường nghĩ ngay đến những bữa tiệc hóa trang, trò “trick or treat”, ma quỷ dường như chỉ là “nhân vật phụ”.

Ở châu Á, có những địa điểm bị đồn “ma ám”, khiến du khách lạnh sống lưng ngay khi bước tới. Câu chuyện về những địa điểm này đáng sợ hơn nhiều so với lễ hội Halloween dần mang nặng tính hù dọa giải trí. Dưới đây là 5 điểm đến do trang báo Hong Kong SCMP liệt kê.

Doi Suthep, Chiang Mai, Thailand

Đồi Doi Suthep nổi tiếng Chiang Mai, phía bắc Thái Lan, là điểm hút khách du lịch, sở hữu những con đường mòn đi bộ đường dài, khu vườn xanh mướt và những ngôi đền mạ vàng. Nơi đây được người địa phương coi là chốn linh thiêng.

Một ngôi chùa ở Doi Suthep lên đèn vào buổi đêm. Ảnh: Getty

Một ngôi chùa ở Doi Suthep lên đèn vào buổi đêm. Ảnh: Getty

Theo truyền thuyết của người dân tộc Lawa, miền Bắc Thái Lan, một cặp đôi trong vùng đã lén theo dõi Đức Phật và có ý định ăn thịt ngài. Sau đó, hai kẻ gian đã bị phù phép và biến thành những hồn ma lang thang mãi mãi trên ngọn đồi Doi Suthep này.

Khu vực đồi này còn có ngôi đền giữ những nghi lễ trừ tà kinh dị. Người làm lễ phải thực hiện nghi thức uống rượu, uống máu trâu và nói ngôn ngữ cổ. Theo người dân địa phương, nghi lễ này thường diễn ra vào tháng 6, xoa dịu linh hồn của hai quái vật khổng lồ, tương truyền từng ăn thịt người. Nghi lễ này được cho là bắt nguồn từ những người Lawa sinh sống ở Chiang Mai 1.500 năm trước.

Pháo đài Feroz Shah Kotla, New Delhi, Ấn Độ

Truyền thuyết địa phương kể rằng pháo đài Feroz Shah Kotla có từ thế kỷ XIV là nơi sinh sống của những linh hồn có thể thay đổi hình dạng được gọi là jinn.

Trong truyền thuyết Arab, jinn được cho là nguyền rủa người Hồi giáo. Những sinh vật siêu nhiên này có thể mang hình dạng con người, động vật hoặc vô hình. Năm 1350, pháo đài Feroz Shah Kotla được xây dựng cho một vị vua Hồi giáo, kể từ đó nơi này bị Jinn “ám”.

Ngày nay, nhiều du khách đến thăm khu phức hợp này để chiêm ngưỡng kiến trúc đổ nát còn sót lại, một số người lại đến để cầu nguyện thần Jinn bằng cách viết những lá thư hoặc lá bùa.

Vườn tượng Phật, Vientiane, Lào

Khu vườn linh thiêng này nằm ở vùng ngoại ô phía nam yên tĩnh của Vientiane. Truyền thuyết kể rằng khu vườn Xiêng Khuông chứa những gợi ý giải thích triết lý kỳ lạ của nhà điêu khắc Bunleua Sulilat (1932-1996), người sáng tạo nên khu vườn tượng Phật. Khi khu vườn hoàn thành được đặt tên là “thành phố của những linh hồn”. Chủ nhân của những bức tượng Phật tại đây không chỉ là “phù thủy điêu khắc”, Bunleua Sulilat từng thành lập tôn giáo của riêng mình bằng cách kết hợp Phật giáo, Ấn Độ giáo và pháp sư, thu hút một lượng lớn người gia nhập vào những năm 1970.

Tượng Phật tại khu vườn Xiêng Khuông. Ảnh: Tripavisor

Tượng Phật tại khu vườn Xiêng Khuông. Ảnh: Tripavisor

Khu vườn kỳ bí vì không có chánh điện thờ Phật, nhưng lại có hơn 200 bức tượng chủ đề Phật giáo với nhiều phong cách khác nhau, khác với những bức tượng đặt trong ngôi chùa Phật giáo thường thấy.

Khuôn viên địa điểm kỳ bí này còn có một công trình ba tầng tương ứng “thiên đường”, “trần gian” và “địa ngục”. Những bức tượng ở tầng địa ngục toát lên vẻ rùng rợn, mô tả cảnh tượng tra tấn, trừng phạt.

Đền thờ Oiwa Inari Tamiya Jinja, Nhật Bản

Ngôi đền Shinto (Thần đạo) này được cho là nhà của một trong những hồn ma nổi tiếng nhất Nhật Bản, nàng Oiwa. Câu chuyện xoay quanh cái chết của người phụ nữ này khiến nhiều du khách tò mò.

Oiwa là nhân vật trong truyện dân gian cổ tên Yotsuya Kaidan. Truyện kể Oiwa chịu cái chết oan ức, người chồng đã sát hại cô để cưới một phụ nữ khác. Oiwa trở thành hồn ma vất vưởng trong căn nhà, để ám người chồng cũ và nguyền rủa cả gia đình anh. Ngôi đền này được xây dựng để xoa dịu linh hồn báo thù của Oiwa.

Câu chuyện được chuyển thể thành phim truyện, phim truyền hình và hoạt hình phủ sóng khắp Nhật Bản. Hình ảnh Oiwa từng là cảm hứng để tạo nhân vật ma nữ tóc dài trong phim điện ảnh “The Ring” (Mỹ) nổi tiếng toàn cầu.

Đền Goa Lawah, Bali, Indonesia

Khi đến gần ngôi đền Pura Goa Lawah, không ít du khách “kinh hãi” trước tiếng kêu của hàng ngàn con dơi đang treo mình trên nóc hang động.

Truyền thuyết kể rằng những con dơi là “đồ ăn nhẹ” của một con rắn khổng lồ có tên Naga Basuki sống trong hang động.

Dơi treo mình trrong hang động gần đền Goa Lawah. Ảnh: Rose Kasil Photography

Dơi treo mình trrong hang động gần đền Goa Lawah. Ảnh: Rose Kasil Photography

Tương truyền, con rắn nằm sâu trong hang động này, kéo dài đến tận ngôi đền mẹ của Bali – đền Besakih, cách đó khoảng 20 km về phía bắc. Pura Goa Lawah vừa là địa điểm linh thiêng đối với người dân Bali vừa là điểm thu hút khách du lịch nhờ những khung cảnh bầy rơi hàng nghìn con treo mình trong hang động gần ngôi đền.

Hang Oweynagat, Roscommon, Ireland

Tương truyền, lễ hội Halloween có nguồn gốc từ Ireland, tại hang Oweynagat ở thị trấn Roscommon, cách đây khoảng 2.000 năm. Theo truyền thuyết Ireland, hang Oweynagat là cánh cổng giữa thế giới trần tục và Tir na nog – nơi cư ngụ của các vị thần và ác quỷ.

Đến Oweynagat du khách có thể tham gia các chuyến tham quan kèm hướng dẫn viên. Hang động này cũng là một phần tàn tích chìm dưới nước của Rathcroghan, thủ đô hoàng gia chưa được khai quật lớn nhất ở châu Âu. Vào ngày 1/11 hằng năm, những người ngoại đạo sẽ đến Oweynagat để tổ chức lễ hội Samhain, đánh dấu năm mới của người Celtic, Scotland

Vào những năm 1800, những người nhập cư Ireland đến Mỹ đã mang theo lễ Samhain, chính là lễ hội Halloween ngày nay.

Bích Phương (Theo SCMP)


Bài viết được đề xuất