5 ngày trekking thác nghìn dòng, ngắm núi lửa đang hoạt động

Khung cảnh hùng vĩ của núi lửa khổng lồ Tengger trên đảo Java (Indonesia).

Indonesia- Minh Phụng, lữ khách từ Đà Lạt, đã dành 5 ngày hồi tháng 7 trekking ở Java, vùng đất với thác nghìn dòng, hồ axit lớn nhất thế giới và núi lửa đang hoạt động. – Du lịch

Java là hòn đảo lớn thứ 4 trong quần đảo Indonesia và lớn thứ 12 thế giới. Nằm trên Vành đai núi lửa Thái Bình Dương, đảo Java được hình thành từ những đợt phun trào núi lửa hàng chục nghìn năm trước. Trên đảo có hơn 100 ngọn núi lửa, trong đó khoảng 40 đang hoạt động.

Khung cảnh hùng vĩ của núi lửa khổng lồ Tengger trên đảo Java (Indonesia).

Khung cảnh núi lửa Tengger trên đảo Java (Indonesia).

Trong chuyến đi 5 ngày (7 – 12/7), Trần Minh Phụng (32 tuổi, Đà Lạt) đã trekking cung đường Ijen – Tumpak – Bromo để chiêm ngưỡng hai ngọn núi lửa nổi tiếng là Bromo, Ijen và ngắm thác nghìn dòng Tumpak. Bromo là một trong 5 ngọn núi lửa đang hoạt động đẹp nhất châu Á còn Ijen là hồ axit lớn nhất thế giới. Mỗi điểm Phụng dành một ngày để trekking khám phá.

Điểm trek đầu tiên là hồ Kawah Ijen thuộc khu vực núi lửa Ijen, xen giữa cao nguyên Bondowoso và Banyuwangi, phía đông đảo Java. Nằm ở độ cao 2.300 m so với mực nước biển, đây là hồ axit lớn nhất thế giới với sức chứa 36 triệu m3. Mặt hồ màu xanh lam ngọc luôn được bao phủ bởi một làn khói trắng đậm đặc và không khí có mùi trứng ung (mùi của hợp chất hydro sulfide).

4h sáng tại trại căn cứ hồ Ijen, từng đoàn người tay cầm đèn pin, đeo mặt nạ phòng độc nối đuôi nhau lên đỉnh núi. Đường lên miệng núi lửa Ijen là những con dốc cao 45 – 60 độ. Trong cơn mưa tầm tã, nhóm anh Phụng quyết định mặc áo mưa trekking quãng đường dài 4 km trong khoảng một tiếng rưỡi.

Khi đến đỉnh trời tạnh mưa, khung cảnh màu hồng tím hiện ra trước mắt. “Sắc hồng, tím trải dài trên nền trời, tương phản với màu nước hồ xanh ngọc và những rặng núi, vách đá xám lạnh. Mây mù phía xa và làn khói trắng bốc lên từ lòng hồ khiến khung cảnh trở nên rực rỡ và huyền diệu”, anh Phụng nói.

Sau khi ngắm bình minh, nhóm tiếp tục leo 300 m từ miệng núi xuống vực đá, vào trong hõm chảo núi lửa Ijen. Dưới chân hồ axit là bãi lưu huỳnh nguyên chất có màu vàng như nghệ tươi. Irul Nurulah, hướng dẫn viên bản địa, cho biết người dân thường đến đây gánh lưu huỳnh lên để bán.

Ijen là một trong những nơi hiếm hoi trên trái đất có thể nhìn thấy những dòng dung nham màu xanh phát sáng trong đêm tối, diễn ra vào khoảng 3 – 4h. Hiện tượng này được tạo ra do phản ứng cháy khi lưu huỳnh kết hợp với oxy trong không khí. Tuy nhiên, vì trời mưa, đoàn của anh Phụng xuất phát muộn hơn nên không có cơ hội được chiêm ngưỡng hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này.

Chiều cùng ngày, cả đoàn di chuyển đến ngôi làng gần thác Tumpak để thuận tiện cho hành trình hôm sau. Khi đến nơi, đoàn nhận được thông báo khu vực hứng mưa liên tục gần đây, khá nguy hiểm để trekking. Hành trình tưởng như bị gián đoạn nhưng may mắn sáng hôm sau trời tạnh ráo. 7h cả đoàn xuất phát, 8h đến đỉnh thác.

Tumpak Sewu còn có tên gọi khác là thác nghìn dòng, do nước đổ từ trên thác xuống thành các dòng nhỏ. “Thác giống như một mảnh vải lụa mềm mại với những đường chỉ trắng chạy song song. Đây có thể coi là ngọn thác đẹp nhất tôi từng được chiêm ngưỡng”, anh Phụng nói. Do ảnh hưởng những ngày mưa, thác có lưu lượng nước lớn, dòng chảy mạnh nên chỉ được ngắm nhìn từ trên cao, không thể xuống dưới.

Rời thác Tumpak, điểm đến tiếp theo là làng Cemoro Lawang, nằm gần núi lửa Bromo trên cao nguyên Tengger ở phía đông đảo Java. Cao nguyên được hình thành từ nham thạch do núi lửa Tengger phun trào khoảng 45.000 năm trước.

Núi lửa Bromo cùng Kursi, Watangan và Widodare hình thành nên cụm núi lửa nhỏ nằm trong họng núi lửa Tengger rộng 16 km, có niên đại khoảng 820.000 năm, bao quanh là biển cát đen và màu xám tro của nham thạch. “Nhìn núi lửa khổng lồ Tengger từ xa, dưới là biển cát đen, trên là nắng và gió, khung cảnh khiến tôi liên tưởng đến bộ phim Hiệp sĩ vượt thời gian”, anh Phụng nói.

2h sáng thức dậy để chuẩn bị leo núi, anh Phụng bất ngờ vì lượng người đổ về đây đón bình minh từ sớm, đông nhất là du khách từ châu Âu. Để đến điểm ngắm bình minh Bromo, du khách sẽ đi xe đến chân núi rồi trekking thêm khoảng 500 m. Cũng giống như Ijen, khung cảnh bình minh ở Bromo có màu tím hồng. Vì vẫn còn hoạt động, miệng núi lửa liên tục nhả khói. Cột khói trắng dày bốc lên cao, chuyển thành màu hồng khi ánh mặt trời chiếu vào.

Đường từ điểm ngắm bình minh đến miệng núi lửa đi qua sa mạc cát với “những đường rãnh nhấp nhô chỉ được thấy trong truyện tranh”, anh Phụng cho biết. Những sống lưng khủng long với hàng chục đường rãnh hình răng cưa do những đợt phun trào nham thạch hình thành vẫn còn nguyên. Đoạn đường với vách đá dựng một bên có khung cảnh tựa như đèo Mã Pì Lèng của Việt Nam.

Đi bộ thêm 3 km, anh Phụng đến miệng núi lửa Bromo, nơi khí carbon trong lòng đất phun lên không trung. “Giây phút đứng trên miệng núi lửa Bromo là một trong những khoảnh khắc đẹp nhất cuộc đời vì lần đầu tiên tôi được chứng kiến một ngọn núi lửa đang hoạt động ngoài đời thực”, anh nói. Từ Bromo, du khách có thể nhìn rõ Semeru, ngọn núi lửa cao nhất Java vẫn đang hoạt động.

Những tiếng nổ tanh tách của đá nóng nhắc nhở du khách đây là một ngọn núi lửa vẫn còn hoạt động với những dòng dung nham hàng nghìn độ C đang sôi sục trong lòng đất. Lần phun trào gần đây nhất của Bromo vào đầu năm 2011 đã khiến hai du khách thiệt mạng và nhiều sân bay trong vùng đóng cửa.

Tháng 7, trên đảo mưa khá nhiều, nhiệt độ trung bình khoảng 12 – 14 độ C. Nếu có ý định đến đây, du khách nên mang theo áo ấm, tập luyện trước chuyến đi do cung trek đòi hỏi sức bền vì di chuyển và trekking liên tục trong ba ngày.

Anh Phụng đã chi 15 triệu đồng cho chuyến đi, bao gồm 4 triệu tiền mua tour, 6 triệu vé máy bay khứ hồi, 2 triệu tiền khách sạn, còn lại là tiền ăn uống và các chi phí khác.

Chuyến đi đã mang đến cho anh Phụng “những lần đầu tiên” trong đời. Bên cạnh đó, có nhiều dự định anh chưa thực hiện được như ngắm dòng dung nham xanh phát sáng trong đêm hay xuống dưới chân thác nghìn dòng. “Có nhiều điều đáng tiếc trong chuyến đi, có lẽ là lý do để tôi có hẹn với cung trek này một lần nữa”, anh Phụng nói.

Quỳnh Mai
Ảnh NVCC
Nguồn: World Atlas, CNN


Bài viết được đề xuất