Lam Trang ngạc nhiên khi cô bán dừa dạo và chú bán hàng rong đều nhận thanh toán bằng ví điện tử, trang phục của người dân thì sặc sỡ, mùi hoa nhài ở khắp nơi. – Du lịch
Trịnh Vũ Lam Trang (tên thật Trịnh Thị Thu Trang), sinh năm 1998, từng có hai tháng thực tập tại thành phố Chennai, miền nam Ấn Độ ngay trước Covid-19. Thời gian ngắn nhưng Trang đã dung hoà giữa việc học và đam mê du lịch, khám phá văn hóa Ấn Độ. Hiện cô gái trẻ thường đăng tải góc nhìn và những trải nghiệm văn hoá cá nhân khi khám phá Ấn Độ lên mạng xã hội, nhận được nhiều quan tâm.
Trang cho biết từng đắn đo không biết có nên tới Ấn Độ không do nghe được nhiều thông tin tiêu cực như khí hậu nóng, người dân ăn bốc, đồ ăn cay nồng, môi trường ô nhiễm, cướp giật, đặc biệt điều cô thấy đáng lo nhất là những tin về nạn sàm sỡ và hiếp dâm khách nữ. Tuy nhiên, Trang vẫn lên đường trong tâm thế học hỏi, “thử một lần cho biết” và sự thật nhận lại nhiều bất ngờ tích cực.
Người dân ăn nhiều đồ chay và đồ nóng
Điều làm Trang sốc văn hoá nhất khi đặt chân tới Ấn Độ là người dân ăn nhiều đồ chay. Cô cho biết, có khoảng một phần ba dân số Ấn Độ thường xuyên ăn chay. Căng tin của trường đại học cô đến thực tập cũng chỉ phục vụ đồ ăn chay. Tuần đầu sang đến Ấn Độ, Trang không thể quen và chưa biết nơi nào bán thịt nên buộc phải ăn chay. Việc chuyển sang ăn chay một cách đột ngột làm cơ thể Trang đói nhanh và mệt mỏi. Sau đó, cô tìm được quán thịt nhưng lại chỉ phục vụ thịt gà, thịt cừu thì đắt mà không phải nơi đâu chế biến cũng ngon. Suốt 2 tháng ở Ấn Độ, Trang hoàn toàn không ăn thịt lợn và thịt bò, những món phổ biến và dễ tìm ở Việt Nam.
Đồ ăn Ấn Độ thường nóng và nhiều gia vị. Người dân thích ăn chay nhưng trong khẩu phần ăn lại thiếu rau xanh, chủ yếu là các loại cà ri nấu cùng các loại hạt. Gạo ở Ấn dài, dẹt và tơi, không dẻo và thơm như Việt Nam. Tuy nhiên, Trang lại rất thích ăn bánh kẹo, nước hoa quả, chocolate, đặc biệt là trà tại Ấn Độ do các mặt hàng này đa dạng, rẻ và dễ ăn.
Mua sắm thông minh
Thanh toán điện tử phổ biến tại Ấn Độ. Những thứ nhỏ như cốc trà, hộp bánh hay sách, tài liệu đều được thanh toán bằng mã QR. Người dân tại đây dùng Paytm, một ví điện tử được chính người Ấn thiết kế và vận hành. “Cô bán dừa dạo và chú bán hàng rong đều nhận thanh toán bằng ví điện tử”, Trang nói.
Ở Ấn Độ, khách mua hàng cần trả giá rất kỹ, vì người bán thường nói thách rất cao và nói những câu như kiểu thề với thánh thần là bán đúng giá, song đội giá lên nhiều.
Một điều mà Trang thấy bất ngờ khi mua sắm tại đây là các cửa hàng đều không dùng túi nilon. Người mua cần phải mang theo túi hoặc bỏ tiền để mua túi giấy. Giá túi giấy tầm 10 rupees (khoảng 3.000 đồng).
Các mặt hàng nên mua khi đến Ấn Độ thường là saffron (nhuỵ hoa nghệ tây) của vùng Kashmir, đồ da, các món đồ tín ngưỡng, tâm linh, trà, gia vị, phụ kiện của hãng Titan. Đồ chăm sóc da, mỹ phẩm của Ấn Độ hợp với da người Việt do cùng một nền khí hậu nóng ẩm. Tuy nhiên, do những sản phẩm này làm từ thiên nhiên nên mùi không được nhiều người Việt yêu thích. Thực phẩm chức năng, thuốc ở Ấn Độ cũng được bày bán rất nhiều và phổ biến.
Người dân chuộng màu sắc rực rỡ
Vốn biết Ấn Độ ưa các màu sắc sặc sỡ bằng việc xem những bộ phim truyền hình, Trang vẫn không khỏi ngạc nhiên khi đến trực tiếp. Quần áo được bày bán trong các chợ, khu mua sắm ở Ấn Độ đủ màu sắc. Màu nào càng rực rỡ, càng nổi bật thì người dân càng chuộng. “Mình mua được đồ tốt với giá giảm kịch sàn, rẻ như cho, chỉ vì nó có màu xám. Mình nghĩ do màu xám không ai mua nên họ hạ giá”, Trang chia sẻ.
Ngoài ra, cô gái cho biết người Ấn Độ còn rất “cuồng” vàng, có thể vì nó có màu sắc rực rỡ. Ấn Độ là một trong những quốc gia tiêu thụ vàng nhiều nhất thế giới. Người dân thích vàng và những sản phẩm từ vàng. Nếu món trang sức đó không là vàng thì họ sẽ mạ vàng hoặc làm những món đồ màu vàng mà như tại Việt Nam ta quen gọi là đồ mỹ ký. “Nếu không phải màu vàng, thì nó cũng phải rất rực rỡ”, Trang nói.
Nhiều cửa hàng bán trang phục truyền thống
Đi dạo các trung tâm thương mại, điều mà Trang ấn tượng nhất là có nhiều cửa hàng bán trang phục truyền thống. Có nhiều tầng ở trung tâm thương mại chỉ bán đồ truyền thống và rất nhiều loại, đa dạng từ đắt đến rẻ, trẻ con đến người lớn. “Người Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ sẽ khá khó mua quần áo tại Ấn Độ do cỡ người ở đây to hơn người Việt. Tại Việt Nam, mình thường xuyên mặc size L và XL, song đến Ấn Độ, size S vẫn còn rộng”, Trang chia sẻ.
Một điều đặc biệt mà Trang để ý là tại những khu chợ, người bán hàng thường là nam. Theo Trang, việc đi chợ và nhìn ngắm các cửa hàng giúp bạn biết được thêm về kinh tế, đặc trưng văn hoá của đất nước mà mình ghé thăm.
Mùi hoa nhài ở khắp nơi
Mùi hương gợi nhắc về Ấn Độ trong trí nhớ của Trang là mùi hoa nhài. Cô cho biết, người phụ nữ miền nam Ấn Độ thường sử dụng hoa để tết tóc. Các cô dâu thường cài những chùm hoa nhài để trang điểm trong lễ cưới. Thậm chí, Chennai, thành phố mà Trang đến thực tập, còn được đặt biệt danh là thành phố hương hoa nhài. Chỉ cần đi dạo trong thành phố sẽ bắt gặp rất nhiều người bán hàng ngồi kết từng chùm hoa nhài để bán.
Nhiều danh lam thắng cảnh đẹp
Du khách khi đến Ấn Độ thường tập trung vào các địa điểm ở phía bắc, như thủ đô New Delhi, đền Taj Mahal, thành phố Mumbai hay vùng đất Phật giáo Bodh Gaya. Tuy nhiên, cô gái lại được khám phá những địa điểm ở phía nam Ấn Độ, và coi đó là một điều may mắn.
Nơi Trang thấy đẹp nhất trong chuyến hành trình có lẽ là khu đền thờ Chidambaram Nataraja, hay còn gọi là đền Thillai Nataraja. Đây là đền thờ Nataraja – vị thần vũ điệu của người Ấn Độ giáo, được xây dựng từ thế kỷ 10 dưới Vương triều Chola huy hoàng và là một trong những khu đền còn hoạt động lâu đời nhất ở Nam Á. Nhìn từ xa, phần mái có những hoạ tiết trang trí tỉ mỉ và kết hợp màu sắc rực rỡ. Vào bên trong thì cô gái đặc biệt thích những bức chạm khắc trên tường hình các vũ công trong điệu Bharatanatyam – một điệu múa cổ điển nổi tiếng Ấn Độ.
Người dân đọc sách nhiều
Trang chú ý các cửa tiệm sách tại Ấn Độ. Đất nước này là một trong những thị trường tiêu thụ sách lớn nhất thế giới. Tại Ấn Độ “sách gì cũng có, loại nào cũng thấy”. Trong đó, các tác phẩm của Chetan Bhagat (tác giả của “Ba chàng ngốc”) và sử thi tiếng Phạn nổi tiếng Mahabharata cùng Ramayana được bày bán nhiều nhất, được xếp tại quầy to và dễ chú ý.
Khám phá Ấn Độ, Trang học được nhiều điều. Ấn Độ cho cô thấy tất cả những giới hạn của con người, những mặt đối lập sâu sắc. Ở đó có những người giàu nhất thế giới, nhưng cũng có những người nghèo cùng cực, những người vĩ đại, tài giỏi nhưng cũng là những tệ nạn nguy hiểm. Những con người bình thường sống chậm rãi, từ tốn nhưng trong các lễ hội lại nồng nhiệt, dữ dội. “Ấn Độ dạy mình về việc tôn trọng sự khác biệt và đa dạng, không chỉ giữa các người với người, giữa các nhóm cộng đồng, mà hơn hết là giữa các quốc gia, dân tộc với nhau”, Trang chia sẻ.
Trung Nghĩa
Ảnh: NVCC