Năm điểm ‘sống ảo’ khi tới Quy Nhơn

Kỳ Co - Eo Gió.

Bình Định- Blogger Ninh Tito gợi ý các điểm để chụp hình đẹp với phong cách đa dạng tại Quy Nhơn. – Du lịch

Ninh Tito, blogger du lịch có 830.000 người đăng ký trên YouTube, có chuyến đi Quy Nhơn vào cuối tháng 5. Tại đây, anh ghi lại hành trình thông qua những điểm “sống ảo”, ai cũng có thể tới check-in và dễ dàng có ảnh đẹp. Anh chọn các địa điểm đa dạng để vừa có ảnh thiên nhiên, ảnh kiểu châu Âu, Hàn Quốc, văn hóa Chăm…

Kỳ Co – Eo Gió

Kỳ Co - Eo Gió.

Kỳ Co – Eo Gió.

Dù đã đến Quy Nhơn nhiều lần, chàng blogger vẫn “nao lòng” trước vẻ đẹp xanh mướt của Kỳ Co – Eo Gió. “Đây là điểm đến đáng giá nhất. Eo Gió được xem như kiệt tác thiên nhiên của núi, đá còn Kỳ Co lại được mệnh danh bãi biển đẹp nhất Bình Định. Hai nơi này trở thành ‘cặp đôi hoàn hảo'”, Ninh nhận xét.

Để có ảnh đẹp, Ninh khuyên du khách nên đi vào sáng sớm vì sau đó trời rất nắng. 8h là khoảng thời gian vẫn hợp lý nếu ai không quen dậy sớm. Bạn nên mang thêm quần áo tắm, đội mũ có quai để tránh gió thổi bay trong quá trình đi thuyền, mang theo bọc chống nước cho điện thoại, máy ảnh. Tại đây, ngoài chụp ảnh, Ninh chơi mô tô nước, lặn biển ngắm san hô.

Ghềnh Ráng

Ghềnh Ráng.

Ghềnh Ráng.

Đây là quần thể những bãi đá nằm liền kề nhau, tập trung theo đường cong của eo núi Xuân Vân. Đến nơi đây, bạn sẽ được chiêm ngưỡng bãi đá trứng ở bãi tắm Hoàng Hậu. Trong khi đó, bãi Tiên Sa lại là khung cảnh đẹp giao hòa giữa đất trời và rừng thông xanh ngắt.

Mẹo tham quan Ghềnh Ráng của Ninh là đi thăm mộ Hàn Mặc Tử trước. Tuy không phải leo quá nhiều nhưng đá ở đây được mài mòn, khá trơn trượt. Bạn nên đi giày dép có độ bám, không nên đi guốc hay giày đế cao.

Tháp Bánh Ít

Tháp Bánh Ít.

Tháp Bánh Ít.

Nằm cách trung tâm Quy Nhơn khoảng 20 km, tháp Bánh Ít là một trong số ít những quần thể kiến trúc, văn hóa Chăm còn sót lại ở Việt Nam, bao gồm 4 ngọn tháp nằm gần nhau, trông như những chiếc bánh ít lột trần, đặc sản của người Bình Định.

Theo Ninh, đến tháp Bánh Ít, mẹo chụp ảnh đẹp là diện trang phục màu sắc sặc sỡ. Nên đi buổi sáng có ánh nắng đẹp hơn, chuẩn bị đồ che nắng đầy đủ.

Tiểu chủng viện làng Sông

Tiểu chủng viện Làng Sông.

Tiểu chủng viện Làng Sông.

Ninh tiếp tục tới Tiểu chủng viện Làng Sông nằm ở thôn Quảng Vân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn, khoảng 20 km về hướng đông bắc. Đây là một nhà in được xây dựng năm 1872, thuộc bộ ba nhà in lớn nhất thời bấy giờ.

Tiểu chủng viện Làng Sông được xây dựng theo kiểu kiến trúc Gothic. Phần chính diện của nhà thờ được trang trí bằng những khung ô đối xứng, các bông gió trang trí và những hoa văn họa tiết, cổng vòm nhọn quen thuộc trong lối xây dựng kiến trúc Thánh đường. Vì vậy, du khách đến đây sẽ dễ có những khung hình kiểu châu Âu cổ điển.

Quán cafe Hari Hari

Quán cà phê Hari Hari.

Quán cà phê Hari Hari.

Bên cạnh thiên nhiên tươi đẹp, Quy Nhơn còn đang phát triển những điểm check-in phù hợp với giới trẻ. Hari Hari, quán cà phê mang phong cách đảo Jeju (Hàn Quốc) với tông màu trắng và nâu gỗ, là một trong số đó.

Quán Hari Hari nằm trên đường Trương Văn Của, với diện tích khá lớn, có không gian cả trong nhà và ngoài sân. “Đặc sản” của quán là những tấm gương được đặt khắp nơi, trong nhà, ngoài trời, vừa để tạo điểm nhấn, vừa là “phụ kiện sống ảo” cho khách tới quán. Ninh Tito khuyên du khách đến đây nên mặc đồ đơn giản, tông màu trung tính, theo phong cách Hàn Quốc, lên hình dễ ăn ảnh hơn.

Trung Nghĩa
Ảnh: NVCC

Bài viết được đề xuất