Bình Thuận- Chỉ cách TP Phan Thiết 40 km, nhưng thác Sông Môn vẫn còn xa lạ với hầu hết du khách. – Du lịch
Thác Sông Môn nước trong vắt, chảy quanh năm trong khu rừng già ở xã Hàm Cần (huyện Hàm Thuận Nam). Đây là khu vực ít người biết đến, chỉ dân bản địa và lực lượng bảo vệ rừng mới thường vào.
Để khám phá thắng cảnh này, từ phố biển Phan Thiết, du khách di chuyển bằng ôtô hoặc xe máy theo tuyến Phú Hội – Mương Mán lên vùng cao Hàm Cần. Hiện nay, tuyến đường nhựa mới làm, khá thuận lợi cho các phương tiện di chuyển. Sau chặng đường 30 km, đến thôn 3, xã Hàm Cần, bạn sẽ thấy những căn nhà vách tre đơn sơ, trên đường có những phụ nữ dân tộc Rai địa phương mang gùi lên rẫy. Cuối làng, cánh rừng xanh ngát dần hiện ra trước mắt.
Kề bên Trạm bảo vệ rừng Mỹ Thạnh có một con đường đất, chính là nơi du khách có thể xuất phát vào rừng bằng xe máy khám phá ngọn thác bí ẩn trên quãng đường khoảng hơn chục km. Hai bên đường, cây rừng thẳng tắp, các thảm tre nứa che bóng mát, tiếng chim rừng gọi bầy, theo gió núi vọng về…
Anh Trọng, người Rai (Raglai) cư ngụ trong làng, nhân viên bảo vệ rừng tại đây cho biết, con đường mòn đi vào thác đã có từ thời xưa. Trước đây, dân làng thường theo đường này đi săn thú, chặt đọt mây, bắt cá suối… về làm lương thực. Mỗi khi trời tối chưa kịp về, họ thường chặt tre làm lán, ngủ lại bên bờ suối. “Khu này có nhiều cây môn rừng, nên người xưa đã đặt tên cho dòng suối lớn này là Sông Môn”, anh Trọng giải thích xuất xứ địa danh.
Từ cửa rừng vào đến thác khoảng 9 km chủ yếu là đường bằng, ít dốc, dễ đi. Đến đoạn không thể vượt lên nữa, du khách dựng xe dưới gốc cây tung cổ thụ, lội bộ thêm gần một km, qua vài đoạn dốc đá khó đi. Càng đi, càng nghe rõ hơn tiếng thác đổ.
Bám dây rừng, lội ngược vách đá trên khe nước mát trong, chẳng mấy chốc du khách sẽ nhìn thấy thác Sông Môn hiện ra trước mặt. Một dải nước trong lành đổ xuống từ độ cao hơn 12 m. Gió rừng đẩy những hạt nước li ti bắn tỏa ra, mát rượi. Dưới thác sông Môn còn có hai đoạn thác nhỏ khác, nếu nhìn ngược lên trông giống như ba đoạn lụa nối liền đang uyển chuyển trong vạt nắng rừng.
Những ai có đam mê chụp những bức ảnh nguyên sơ về núi rừng có lẽ đây là nơi lý tưởng. Hồ nước dưới chân thác rộng chừng 40 m2, sâu không quá đầu người, an toàn cho dân thị thành thích trầm mình dưới dòng nước mát.
Trên các vách đá quanh thác, rễ cây thòng xuống đong đưa theo nhịp thác đổ, các loài rêu, dương xỉ, hoa rừng cũng bám vào khe đá vươn lên sức sống mới. Dưới tán rừng có những nơi đất bằng rất thuận lợi để cắm trại nghỉ trưa hoặc ngủ đêm trong rừng.
Đến đây, du khách còn có thể khám phá các cánh rừng già với đủ loài cây quý như: trắc, gõ, bằng lăng, săng đá, căm xe… đang được bảo vệ. Có những cây cổ thụ cao 30 m, gốc to năm người ôm không hết.
Hiện thác Sông Môn nằm trong lâm phận của Trạm bảo vệ rừng Mỹ Thạnh thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông. Đây là ngọn thác đẹp nhất nằm trong lõi vùng giáp ranh 3 huyện Hàm Thuận Nam, Tánh Linh và Hàm Tân.
Ông Phạm Tuấn Anh, Trưởng trạm bảo vệ rừng Mỹ Thạnh, cho biết năm ngoái có một nhóm du khách chuyên khám phá núi rừng từ Sài Gòn tình cờ đến đây, họ không ngờ ở gần Mũi Né – Phan Thiết lại có một thác nước tự nhiên đẹp như vậy. “Họ nói nếu được đầu tư, thắng cảnh này sẽ thu hút đông du khách vì chỉ cách điểm nối cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết chưa tới 20 km”, ông Tuấn Anh nói.
Trưởng trạm bảo vệ rừng Mỹ Thạnh cũng cho biết đang đề xuất lập phương án đưa thắng cảnh thác Sông Môn vào khai thác du lịch gắn với bảo vệ và phát triển rừng bền vững, tạo sinh kế cho người dân địa phương.
Việt Quốc