Thái Nguyên: Trải nghiệm thú vị cùng Võ Nhai

Về huyện vùng cao ngày đầy nắng
Chúng tôi thực hiện hành trình khám phá Võ Nhai vào một ngày đầu Đông đầy nắng và gió. Mùa này ít mưa, thác Mưa Rơi không còn bung những tầng nước trắng xóa đẹp mắt như lúc vào Hè, nhưng chúng tôi vẫn quyết định chọn xã Thần Sa làm điểm đến đầu tiên bởi nơi đây có Khu di tích khảo cổ học Thần Sa.
Cách TP. Thái Nguyên khoảng 40km, tại hang Phiêng Tung (hang Miệng Hổ), Ngườm của vùng đất Thần Sa, những di chỉ khảo cổ đồ đá về con người (sống cách chúng ta chừng 2 – 3 vạn năm) đã được phát hiện, minh chứng cho sự tồn tại của một nền văn hoá cổ ở Thần Sa. Đây là nền văn hoá cổ nhất được biết đến cho tới nay ở Việt Nam và cả vùng lục địa Đông Nam Á.
Được tận mắt ngắm các di chỉ, hố khai quật trong hang, trải nghiệm về cuộc sống tự nhiên, cảm nhận về môi trường, khí hậu trong lành giữa không gian thiên nhiên của núi đá cao vút tầm mắt, chúng tôi ai cũng cảm thấy thích thú. Chị Nguyễn Thu Hương, tổ 12, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên), người bạn đồng hành với chúng tôi, nói: Thật tự hào khi quê hương Thái Nguyên có nhiều cảnh đẹp như thế này. Dù cách thành phố không xa nhưng đây là lần đầu tiên tôi khám khám Khu di tích khảo cổ và thấy rất thú vị khi tại Võ Nhai của chúng ta đã tồn tại một nền văn hóa lâu đời như thế.
;
Các nhà khảo cổ học trong và ngoài nước khám phá hang Phiêng Tung, xã Thần Sa (Võ Nhai, Thái Nguyên). Ảnh: T.L
Rời Thần Sa khi trời đã sang trưa, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình để đến với hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà – một trong những điểm du lịch nổi tiếng của Võ Nhai, nằm trên địa bàn xã Phú Thượng, ngay bên tuyến Quốc lội 1B.
Trước đây, mỗi lần đến hang Phượng Hoàng, chúng tôi phải gửi xe máy ở nhà dân rồi men theo con đường mòn, gồ ghề sỏi đá để lên khám phá miệng hang. Khi ấy, xung quanh khu vực này chỉ có cỏ dại, không có các hàng quán. Quá trình di chuyển phải mất gần 1 giờ đồng hồ để vượt qua những bậc đá khó đi mới tới được miệng hang ăn sâu xuống lòng núi.
Hang có các tầng như: Tầng thượng là hang Dơi; tầng giữa là hang Sáng, với 3 cửa từ các phía, ánh sáng mặt trời rọi xuống lòng hang; tầng cuối là hang Tối vì ánh sáng mặt trời không thể lọt xuống hang này. Trong hang có dòng nước trong vắt, mát lạnh vào mùa Hè. Ngày nóng bức, vượt hơn 40km (từ TP. Thái Nguyên) ngược lên đây thưởng ngoạn bầu không khí trong lành, chúng tôi không thể bỏ qua cơ hội đằm mình trong làn nước mát lạnh của suối Mỏ Gà (chảy ra từ trong núi Phượng Hoàng).
Thỏa sức hòa mình vào thiên nhiên nơi núi rừng Võ Nhai, chúng tôi chưa thể đi hết những địa điểm đẹp của huyện vùng cao này. Dù vậy, ai cũng có chung suy nghĩ, chắc chắn sẽ quay lại Võ Nhai để thưởng ngoạn những cảnh đẹp khó nơi nào có được.
Đó là vẻ đẹp của những rừng na xanh ngăn ngắt nằm trên dãy núi đá vôi của các xã La Hiên, Lâu Thượng, Phú Thượng; của những cây thanh long vươn mình dẻo dai trên những phiến đá vôi bạc màu; của những khu du tích lịch sử ở xã Tràng Xá, Liên Minh… Thực tế cho thấy, Võ Nhai đang dần tạo nên một sức hút riêng có, mở ra nhiều cơ hội phát triển du lịch theo hướng bền vững…
Tạo sức hút bằng những nét riêng có
Võ Nhai đẹp, điều ấy không thể phụ nhận. Không những vậy, huyện vùng cao này còn được biết đến là mảnh đất có nhiều di tích, danh thắng nổi tiếng cùng hệ sinh thái núi đá vôi đa dạng sinh học.
Trên địa bàn huyện có 15/82 điểm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng cấp Quốc gia và cấp tỉnh, như: Hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà, hang Sa Khao (xã Phú Thượng); Khu khảo cổ học Thần sa (xã Thần Sa); rừng Khuôn Mánh, hang Huyện (xã Tràng Xá); khu di tích nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc vào tháng 10-1947, tại xóm Vang (xã Liên Minh)… Dù vậy, những năm qua, Võ Nhai chưa thật sự thu hút được du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Để tạo đà cho du lịch sinh thái, du lịch trải  nghiệm ở Võ Nhai phát triển, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang phối hợp với huyện vùng cao này xây dựng công trình Bảo tồn bản truyền thống dân tộc Tày, tại xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng.
Cảnh quan tại xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng (Võ Nhai, Thái Nguyên) đã được đầu tư xây dựng nhằm thu hút khách du lịch
Theo ông Nguyễn Ngọc Tuân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên, với mục tiêu  bảo tồn, phát huy các giá trị không gian văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại xóm Mỏ Gà, giữ gìn các giá trị truyền thống của dân tộc Tày gắn với xây dựng gia đình văn hóa, Dự án này có tổng mức đầu tư trên 8,6 tỷ đồng.
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Tuân, xã Phú Thượng được đánh giá là vùng đất có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, cùng những vườn cây ăn quả và điểm du lịch sinh thái Phượng Hoàng. Bởi vậy, việc thực hiện Dự án này chắc chắn sẽ mang đến sự cộng hưởng, tạo điểm nhấn riêng có và sức hấp dẫn du khách đến khám phá, trải nghiệm.
Nhận thức bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Sau một thời gian triển khai Dự án, nhiều hộ đồng bào dân tộc Tày ở Phú Thượng đã đầu tư nâng cấp những ngôi nhà sàn truyền thống, mua sắm vật dụng để phục vụ khách du lịch.
Đặc biệt, hiện nay, xóm Mỏ Gà đã lựa chọn được 4 hộ đủ điều kiện triển khai mô hình lưu trú tại gia. Dự án đang tiếp tục hỗ trợ 6 hộ xây dựng mô hình lưu trú cộng đồng; thành lập được 1 đội văn nghệ thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu văn nghệ dân gian (hát then, đàn tính); một số hộ dân trong xóm còn lưu giữ được nghề đan lát truyền thống để phục vụ du khách trải nghiệm; thường xuyên chế biến các món ăn truyền thống như: Khẩu si, bánh chưng đen, xôi ngũ sắc để phục vụ gia đình và du khách…
Với những tiềm năng, thế mạnh hiện có, rõ ràng, phát triển du lịch ở Võ Nhai đã có những bước chuyển động. Nhất là khi địa phương này đã xây dựng Chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó chú trọng đến vấn đề xây dựng các tua du lịch trên địa bàn, thực hiện quy hoạch phát triển khu du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tích hợp vào Quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Thái Nguyên đến năm 2030, với 12 điểm du lịch cộng đồng, tổng diện tích quy hoạch khoảng 200ha.
Dù vậy, để mục tiêu này trở thành hiện thực, huyện vùng cao Võ Nhai vẫn còn rất nhiều việc phải làm khi người dân nơi đây chưa chủ động khai thác, phát huy hết tiềm năng, thế mạnh hiện có để phát triển du lịch.
Một trong những trở ngại nữa là hiện nay các địa phương trong và ngoài huyện Võ Nhai chưa tạo sự liên kết để hỗ trợ nhau phát triển du lịch. Đó là chưa kể, chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch ở Võ Nhai còn hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp; hoạt động quảng bá, maketing chưa được quan tâm đầu tư; các sản phẩm du lịch còn hạn chế; chưa có nhà hàng ẩm thực quy mô lớn thu hút du khách nghỉ chân, thưởng thức những món ẩm thực mang đậm bản sắc dân tộc…
Vì lẽ đó, để tạo sức hút mạnh mẽ, bên cạnh những điểm nhấn riêng có, rất cần có sự quan tâm hơn nữa của ngành chức năng và chính quyền địa phương trong việc đào tạo con người; xây dựng các tua du lịch; tạo sự liên kết giữa các địa phương trong khu vực. Đặc biệt là cần đẩy mạnh quảng bá để nhiều người biết đến vẻ đẹp, sức hấp dẫn riêng có của huyện vùng cao này.
Theo Báo Thái Nguyên 

Bài viết được đề xuất