Ẩm thực châu Á nói chung hay Đông Nam Á nói riêng không chỉ có cơm hay các món bánh hấp dẫn mà còn nổi tiếng với những món ăn làm từ sợi. Các sợi này chủ yếu được làm từ thành phần là gạo, tạo thành các sợi dài, độ dày mỏng tùy vào món ăn.
TaseAtlas, chuyên trang về hướng dẫn du lịch trải nghiệm qua ẩm thực truyền thống, hướng dẫn các công thức nấu ăn từ các nhà phê bình ẩm thực, đã đưa ra danh sách 10 món ăn từ sợi được đánh giá là ngon nhất Đông Nam Á.
Danh sách 10 món ăn từ sợi ngon nhất Đông Nam Á được đưa ra bởi TaseAtlas. (Ảnh TaseAtlas)
Trong danh sách, các quốc gia nổi bật góp mặt có thể kể tới như Thái Lan, Singapore, Inodesia và cả Việt Nam. Đặc biệt, ẩm thực nước ta có tới 4 cái tên. Chúng đều là những món ăn nổi tiếng và phổ biến không chỉ trong nước mà còn với bạn bè quốc tế.
1. Khao Soi – Thái Lan
Khao Soi hay Khao Soy là món ăn đặc trưng, phổ biến ở miền Bắc Thái Lan. Theo Wikipedia, món ăn khá giống với một món ăn của người Myanmar, được làm từ những sợi lúa mì với nước cà ri, nấu kèm với nước cốt dừa đặc với bột mì, có thể được tô điểm thêm bằng các loại đậu rán giòn, hành sống thái mỏng, ớt, ăn kèm với chanh hoặc nước mắm.
Ở phiên bản Khao Soi của Thái Lan, người ta còn bổ sung thêm các loại thịt, có thể là thịt gà, thịt bò hay thịt lợn.
Khao Soi – Thái Lan.
Tên gọi Khao Soi cũng được đặt cho một món ăn của người Lào. Tuy nhiên nó là một loại súp kết hợp với sợi mì gạo lớn cùng thịt lợn băm, cà chua, đậu nành lên men, hẹ tây và tỏi, ăn cùng với tóp mỡ, giá đỗ, hành lá và rau mùi xắt nhỏ.
2-3. Phở, phở bò – Việt Nam
Trong danh sách của TaseAtlas, phở bò của Việt Nam xếp ở vị trí thứ 2, còn phở nói chung xếp ngay sau khi ở vị trí thứ 3.
Phở nói chung là món ăn được đánh giá là nổi tiếng nhất với các du khách quốc tế khi nhắc tới ẩm thực Việt. Trong bài viết của mình, TaseAtlas nhắc tới phở là món ăn được yêu thích nhất ở Tây bán cầu bởi cách chế biến công phu, tạo nên hương vị độc đáo song vẫn có sự đơn giản, nhẹ nhàng và thanh lịch.
Phở phổ biến nhất gồm 2 loại là phở bò và phở gà. Sự khác biệt của chúng là nước dùng và phần thịt sử dụng trong món ăn. Xương gà hoặc xương bò sẽ được ninh nhừ trong ít nhất 3 giờ đồng hồ cho đến khi đạt đến độ hoàn hảo. Với thịt gà sẽ là thịt gà chủ yếu là phần thịt trắng và da; còn thịt bò có thể là bắp bò, đuôi bò, gầu bò, gân bò hay bò viên…
Phở bò – Việt Nam.
Ngoài ra, các gia vị thảo mộc như hành tây, hành lá, gừng, hoa hồi, đinh hương, thảo quả… sẽ được thêm vào sau đó để tăng hương vị cho món ăn.
Khi đã hoàn thành, việc ăn kèm cùng với rau mầm hay một lát chanh sẽ nâng tầm phở lên một tầm cao mới, TaseAtlas nhấn mạnh.
4. Pad Thai – Thái Lan
Cũng giống như phở của Việt Nam, Pad Thai được coi là món ăn quốc dân của xứ sở Chùa Vàng. Món ăn có thể gọi là mỳ xào kiểu Thái, được chế biến từ sợi mỳ, sợi phở, cùng đậu phụ, tôm khô, giá đỗ và trứng. Ở một số phiên bản cải tiến, Pad Thái cũng có cả thịt gà, thịt lợn hoặc một số hải sản khác như cua, mực.
Khi ăn, người ăn sẽ trộn đều các loại nguyên liệu với nhau, vắt chanh hoặc cho thêm ớt bột cùng đậu phộng lên trên nếu muốn. Pad Thai cũng là món ăn phổ biến nhất với các du khách nước ngoài. Nó dễ dàng được tìm thấy trong mọi nhà hàng ẩm thực Thái Lan tại mọi quốc gia trên thế giới. Pad Thai cũng từng được xếp hạng 5 trong danh sách 50 món ăn ngon nhất thế giới của CNN vào năm 2011.
Pad Thai – Thái Lan.
6. Char Kway Teow – Singapore và Malaysia
Char Kway Teow được hiểu là món mì xào, nhiều giả thuyết cho rằng nó có nguồn gốc từ vùng biển Đông Nam Á và một số vùng miền nam Trung Quốc như Phúc Kiến hay Triều Châu. Thế nhưng nó lại trở nên nổi tiếng và phổ biến hơn cả ở Singapore và Malaysia.
Món ăn được làm từ mì gạo dẹt, có chiều rộng chỉ khoảng từ 0,5 – 1cm, mì sẽ được xào qua với tỏi, nêm thêm nước tương, tương ớt cùng tôm nguyên con, sò huyết đã bóc vỏ, hẹ thái nhỏ, xúc xích và giã đỗ.
Char Kway Teow – Singapore và Malaysia.
Như đã nói ở trên, thực tế món ăn có nguồn gốc từ Trung Quốc, bởi nó được nấu để phục vụ người lao động Trung Quốc khi sinh ra và sinh sống ở khu vực Đông Nam Á. Theo thời gian, từ khoảng cuối thế kỷ 20 trở đi, hương vị thơm ngon của nó đã chinh phục và hấp dẫn cả những người dân bản địa ở Singapore và Malaysia.
5-7. Laksa, Curry Laksa – Singapore
Laska không chỉ ở Singapore, món ăn này cũng phổ biến và được yêu thích ở Indonesia và Malaysia. Nó là món bún nước, thành phần chính bao gồm sợi bún to như sợi bún bò Huế của Việt Nam, chả cá, đậu phụ, giá đỗ, trứng, thịt gà, tôm, sò huyết cùng nước dùng.
Nước dùng của Laska cũng được chia thành 3 loại chính, loại 1 là cà ri có vị thơm ngọt, béo ngậy bởi được nấu từ nước cốt dừa; loại 2 là có vị chua cay bởi được nấu từ cá và me chua; còn loại 3 là sự pha trộn của loại 1 và loại 2.
Curry Laksa – Singapore.
Theo TaseAtlas, Laksa thật sự là một món ăn có sự kết hợp hài hòa giữa các nguyên liệu. CNN cũng từng đưa món ăn này vào danh sách những món ăn ngon nhất thế giới vào năm 2011.
8. Bún chả – Việt Nam
Bún chả là kết quả của sự kết hợp giữa sợi bún nhỏ, nước mắm tỏi cùng thịt lợn nướng trên bếp than. Miếng thịt đôi khi sẽ có sự cháy xém nhẹ nhưng không hề ảnh hưởng tới hương vị món ăn mà thậm chí còn trở thành một nét đặc trưng. Ăn kèm với bún cả, người Việt có thể dùng nhiều loại rau xanh tươi kết hợp như lá tía tô, xà lách, rau mùi và rau muống.
Trong bài viết của TaseAtlas cũng đề cập, dù bún chả có cách chế biến khá đơn giản và dễ dàng tìm thấy ở nhiều nơi ở Việt Nam, song phiên bản bún chả Hà Nội được đánh giá cao hơn cả.
Bún chả – Việt Nam.
9. Hủ tiếu Nam Vang – Việt Nam
Món ăn thứ 4 của ẩm thực Việt góp mặt vào danh sách là hủ tiếu Nam Vang. Đây là một món ăn phổ biến ở khu vực 2 miền Trung, Nam của nước ta. Hiểu đơn giản, nó giống như phở nhưng từ sợi mỳ gạo hay mỳ bột sắn dai mảnh hơn, nước dùng được chế biến từ nước ninh xương heo. Khi ăn, trong 1 bát hủ tiếu sẽ thườnh có thịt heo và cả tôm, mực khô hay trứng. Thịt heo trong hủ tiếu có thể là thịt thái lát mỏng hoặc thịt băm nhỏ.
Hủ tiếu Nam Vang – Việt Nam.
10. Mie Kocok – Indonesia
Mie Kocok hay còn được gọi là mì lắc, song thực tế, nó cũng phải là mì. Đây là một món phở bò Indonesia, làm từ gân bò hoặc thịt bắp bò, bò viên cùng giá đỗ, cần tây, hành lá và hẹ tây chiên,
Ở một số phiên bản khác, Mie Kocok còn có thể cho thêm lòng bò. Sở dĩ cái tên Mie Kocok còn được gọi là mì lắc là bởi từ “Kocok” trong riếng Indonesia có nghĩa là “lắc”, Đó cũng chính là phương pháp làm mềm và nấu sợi mỳ, sợi phở bằng cách lắc trong một chiếc hộp thiếc khi đun sôi với nước nóng.
Mie Kocok – Indonesia
Theo Toquoc
Suu tam Ngo Diep