Khách Hàn Quốc và Nhật Bản ‘thiếu nhận biết về Việt Nam’

Đoàn khách Hàn Quốc đầu tiên quay lại Đà Nẵng sau 2 năm dịch bệnh, vào trưa 29/4/2022. Ảnh: Nguyễn Đông

Chỉ 18% khách Hàn nói rằng “hiểu biết về Việt Nam”, còn 62% khách Nhật nói rằng họ chỉ biết “tương đối”. – Du lịch

Thông tin được Outbox Company, công ty nghiên cứu thị trường du lịch tại Việt Nam, đưa ra ngày 14/2 trong báo cáo “Xu hướng du lịch Quốc tế của khách Đông Bắc Á” (gồm Hàn Quốc, Nhật Bản và đảo Đài Loan, không tính khách Trung Quốc đại lục).

Báo cáo dựa trên khảo sát trong một tháng, vào cuối năm 2022 trên hơn 2.000 người từ ba thị trường trên, đang có kế hoạch du lịch quốc tế trong 6 tháng tới.

Năm 2022, Hàn Quốc là thị trường khách lớn nhất tại Việt Nam với gần 800.000 lượt ghé thăm (trên tổng hơn 3,4 triệu lượt khách ngoại), theo Tổng cục Du lịch. Khách Nhật và Đài Loan cũng nằm trong top đầu. Năm 2019, Việt Nam đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế, trong đó khách đến từ ba thị trường này chiếm hơn 34%. Việt Nam là điểm đến được yêu thích của khách Hàn Quốc và Nhật Bản.

Lượng khách Hàn, Nhật, Đài sang Việt Nam đông, nhưng khảo sát của Outbox chỉ ra họ “vẫn chưa thực sự hiểu hay có ấn tượng” với Việt Nam.

Đoàn khách Hàn Quốc đầu tiên quay lại Đà Nẵng sau 2 năm dịch bệnh, vào trưa 29/4/2022. Ảnh: Nguyễn Đông

Đoàn khách Hàn Quốc đầu tiên quay lại Đà Nẵng sau 2 năm dịch bệnh, vào trưa 29/4/2022. Ảnh: Nguyễn Đông

Mức độ nhận biết về hình ảnh điểm đến Việt Nam của khách quốc tế chỉ đạt trên trung bình, với 4,1 điểm trên thang 7. Chỉ 18% khách Hàn nói rằng “tự tin hiểu biết về Việt Nam”. 62% khách Nhật được hỏi nói rằng họ chỉ “hiểu biết tương đối” và 21% nói rằng “biết ít, hoặc gần như không biết gì”. Tương tự, 63% khách Đài Loan nói rằng sự hiểu biết của họ về đối với Việt Nam chỉ ở mức “trung bình – khá”.

Khách tìm kiếm thông tin du lịch vẫn chủ yếu qua các blog, trang web du lịch hoặc trực tuyến, thay vì các chiến dịch quảng bá, truyền thông quy mô lớn. “Mức độ nhận biết rất quan trọng vì sẽ ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn điểm đến của du khách. Vì vậy, chúng ta cần tăng cường hơn nữa việc quảng bá điểm đến cho du khách”, ông Đặng Mạnh Phước, CEO The Outbox Company nói.

Trả lời phỏng vấn với Du lịch hồi tháng 4/2022, PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, đánh giá thị trường Đông Bắc Á là “không thể thiếu” với du lịch Việt Nam và có nhiều ưu điểm. Các nơi này gần chúng ta về địa lý, có sự tương đồng văn hóa, nhiều cơ hội kinh doanh và đông dân. “Về lâu dài, khi đại dịch được khống chế, muốn hay không thì khách Đông Bắc Á vẫn là thị trường chính. Chỉ khi các nước này mở hoàn toàn thì tốc độ phục hồi du lịch Việt Nam mới có thể nhanh chóng”, ông nhận xét.

Ông Long đưa ra nhiều giải pháp thu hút khi họ trở lại. Trước tiên vẫn phải chuẩn bị tốt các điều kiện để đón tiếp, đặc biệt là nguồn nhân lực, cở sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, chuỗi cung ứng các dịch vụ du lịch như ăn uống, lưu trú, vận chuyển, vui chơi giải trí, mua sắm ở điểm đến, số lượng và chất lượng sản phẩm du lịch phục vụ du khách.

Kết quả khảo sát cũng chỉ ra điểm chung của ba thị trường trên là mức chi tiêu cho du lịch nước ngoài cao, tăng trung bình khoảng 7% một năm. Hơn 40% khách được hỏi đều lựa chọn khách sạn tiêu chuẩn (2-3 sao), thay vì các cơ sở lưu trú phân khúc thấp hơn.

An toàn là yếu tố hàng đầu ảnh hưởng đến quyết định đi nước ngoài của khách Đông Bắc Á. Khách Hàn chú trọng nhất đến việc lưu trú, khách Nhật mong muốn có những khoảnh khắc, trải nghiệm xứng đáng với số tiền bỏ ra. Người đảo Đài Loan đặc biệt quan tâm đến phương tiện di chuyển. Bên cạnh đó, người Đài Loan vẫn còn e tâm lý e ngại du lịch nước ngoài. Đại dịch và hạn chế phòng chống nghiêm ngặt trong thời gian dài đã tác động phần nào tới tâm lý của họ.

“Hy vọng những dữ liệu nghiên cứu độc lập này có thể giúp các doanh nghiệp, điểm đến ở Việt Nam đưa ra nhiều hướng tiếp cận mới, thu hút khách ghé thăm và quay lại ngày càng nhiều”, ông Phước nói.

Phương Anh

Bài viết được đề xuất