Tuần lễ tiễn mùa đông ở Nga có gì đặc biệt?

 

 Thời xưa, dịp lễ tiễn mùa đông của người Slav cổ gắn liền yếu tố giao
mùa và đón chào sắc xuân. Vào thế kỷ 18, Maslenitsa trở thành một phần
trong văn hóa Chính thống giáo. Lịch sử Chính thống giáo Nga gọi
Maslenitsa là Tuần phô mai, diễn ra trước Mùa Chay.

 Thời gian diễn ra Maslenitsa thay đổi từng năm, phụ thuộc Lễ Phục sinh.
Năm nay, Lễ Phục sinh rơi vào ngày 16/4. Mùa Chay bắt đầu trước Lễ Phục
sinh 47 ngày, tức ngày 27/2. Do đó, Maslenitsa năm 2023 bắt đầu từ thứ
2, ngày 20/2 và kết thúc vào Chủ nhật, 26/2.

 Trong tuần Maslenitsa, theo phong tục của Nhà thờ, các tín đồ phải giảng
hòa với những người thân, tha thứ mọi tội lỗi và chuẩn bị sám hối, ăn
chay. Cũng trong tuần này, họ không ăn thịt, song có thể ăn cá và các
sản phẩm từ sữa.

 Thời xưa, Maslenitsa luôn được tổ chức rầm rộ. Bánh blin (loại bánh từ
bột mì) – biểu tượng của sự ấm áp và mặt trời, được xem là linh hồn của
dịp lễ. Người dân cưỡi trên những chiếc xe ngựa treo chuông lộng lẫy.
Khắp nơi diễn ra các hội hè lớn, nhảy múa và chơi các trò chơi dân gian,
xây các thị trấn băng, ném tuyết…

 Dù vậy, không phải tất cả các khu vực đều diễn ra các hoạt động này, do
tại một số vùng không có tuyết, hoặc thời tiết không thuận lợi. Nếu
không ra ngoài, người dân chọn đón lễ tại nhà, quây quần bên người thân,
bạn bè và ăn thật nhiều bánh blin.

  Các trò chơi không phải là nghi thức chính của lễ tiễn mùa đông. Vào
ngày cuối cùng của tuần lễ Maslenitsa, người dân đốt hình nộm làm bằng
rơm, tượng trưng cho sự chia tay cái lạnh, tạm biệt những điều tồi tệ và
khó chịu đã xảy ra trong năm. Đây là nghi thức được mong chờ nhất.

 Maslenitsa rất cổ xưa, được tổ chức từ thế kỷ thứ 10 sau Công nguyên.
Đến nay, nhiều truyền thống vẫn không thay đổi. Theo thời gian, tại
nhiều khu vực, Tuần lễ tiễn mùa đông không những không mất đi những đặc
điểm truyền thống, mà còn thêm những nét mới, phù hợp cuộc sống hiện
đại.

Vào ngày đầu tiên của tuần lễ, việc làm bù nhìn bằng rơm
được xem là nghi thức quan trọng. Những hình nộm này được mặc quần áo và
đặt ở nơi dễ quan sát, thường là trên một ngọn núi, sau đó người dân
cưỡi xe trượt tuyết từ đó xuống dưới.

Việc trượt tuyết từ trên cao không chỉ mang lại niềm vui, mà còn là nghi
lễ quan trọng. Trước đây, người dân tin rằng, trượt xuống nhiều lần
mang lại mùa màng bội thu. Ngày nay, một số cho rằng mang lại may mắn.

 Thứ ba trong tuần Maslenitsa được gọi là ngày gặp gỡ vui vẻ. Vào ngày
này, các trò giải trí bắt đầu, gồm đi xe trượt tuyết, biểu diễn âm
nhạc, nhảy múa…

Từ thứ tư, người dân bắt đầu thưởng thức ẩm
thực một cách tích cực nhất. Vào ngày này, nhiều quầy hàng xuất hiện,
bày bán bánh blin, đồ ăn và lưu niệm. Thứ năm, các hoạt động tiếp tục
diễn ra sôi nổi. Sau đó, thứ sáu luôn là ngày đặc biệt, được gọi là ngày
mẹ chồng. Ngày này được dành cho gia đình và bạn bè.

Vào thứ bảy, con dâu trẻ mời họ hàng đến nhà của họ. Trong thời đại ngày nay, Maslenitsa vẫn là ngày lễ để đoàn kết và sum họp.

Chủ
nhật được coi là ngày tha thứ. Vào ngày này, theo truyền thống, các lễ
hội và hội chợ diễn ra rộng rãi, đỉnh điểm là đốt bù nhìn rơm. Đó cũng
là phong tục để con người tha thứ cho nhau và quên đi mọi bất bình.

 Tuần lễ Maslenitsa thật sự kết thúc vào ngày đầu tiên của Mùa Chay. Theo
đó, vào ngày “thứ 2 sạch sẽ”, theo tục lệ, người dân tắm hơi, dọn dẹp
nhà cửa. Sau đó, có thể coi như đã hoàn thành công việc chia tay mùa
đông và đón mùa xuân ấm áp.

 

Maslenitsa ngày nay tại Nga vẫn đầy thú vị, mang lại niềm say mê đặc
biệt và đưa nhiều người trở về với tuổi thơ. Tại thủ đô Moskva, nhiều
công viên vẫn tổ chức nghi lễ đốt hình nộm rơm tiễn mùa đông, hay cuộc
thi làm bánh blin.

Ở các vùng xa hơn, nhiều địa phương tổ chức
đánh trận giả, thi làm thị trấn tuyết, cưỡi xe… Mỗi vùng có những đặc
trưng riêng, nhưng điểm chung đều có bánh blin và các hoạt động hội hè
náo nhiệt.

THANH THỂ

Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Nga

 Nguồn: Báo Nhân Dân

Bài viết được đề xuất