Độc giả Nguyễn Phương Anh tận hưởng kỳ nghỉ ba ngày hai đêm tại Ninh Thuận trong tháng hai, với những trải nghiệm trọn vẹn nhờ người dân tư vấn. – Du lịch
Chúng tôi đi du lịch vào đúng thời điểm dịch Covid-19 khá căng thẳng, vậy nên Ninh Thuận là một điểm đến lý tưởng để vẫn có thể thoải mái vui chơi mà không quá lo lắng, do số ca nhiễm tại địa phương ở mức thấp.
Tôi gọi đây là một chuyến đi bình yên bởi thay vì ở thành phố, chúng tôi thuê homestay ở vịnh Vĩnh Hy. Vịnh nhỏ xinh được bao trọn bởi những dãy núi, không nhiều quán ăn, chỗ chơi hay chỗ ở sang chảnh nhưng chúng tôi đã có trải nghiệm trọn vẹn, phần lớn là nhờ sự tư vấn của người dân nơi đây.
Di chuyển
Ninh Thuận không có sân bay, vậy nên chúng tôi phải đặt vé Hà Nội đến sân bay Cam Ranh – Nha Trang sau đó bắt taxi về Ninh Thuận. Giá taxi một chiều nếu về thành phố là khoảng 500.000 đồng, nếu về Vĩnh Hy là 600.000 đồng.
Chỗ ở
Tôi ở Trúc Nguyên homestay trong làng, giá phòng 250.000 đồng/đêm. Homestay đúng nghĩa là nhà của người dân, nên không có một căn phòng trang trí lung linh để check-in. Nhưng bù lại, chủ nhà dễ thương và tốt bụng, tôi được hòa mình vào cuộc sống của người dân nơi đây.
Lịch trình
Ngày đầu tiên: Vịnh Vĩnh Hy – làng nho Thái An
Buổi sáng, phần lớn thời gian dành để di chuyển, nhận phòng, ăn trưa, nghỉ ngơi. Đến chiều, chúng tôi thuê cano ra vịnh để tắm biển và ngắm san hô với giá 800.000 đồng cho một cano, chở bốn người.
Nếu như đã đến Vĩnh Hy, bạn không nên bỏ qua trải nghiệm này. Chú lái cano có tay lái nghệ, đến mức chúng tôi cảm thấy mình là những diễn viên chính trong phim hành động. Chú còn hỗ trợ chụp hình, hướng dẫn lặn và đưa đến chỗ có view đẹp để check-in. Ở vịnh còn có dịch vụ đi thuyền chuối, lái môtô nước.
Sau khi lặn ngắm san hô, chúng tôi về homestay tắm gội, thuê xe máy lên làng nho Thái An. Dọc con đường có rất nhiều các vườn nho khác nhau, bạn cứ đi và ngắm xem vườn nào đẹp, nhiều quả thì vào.
Tối chúng tôi đi ăn hải sản, giá cả vừa phải và hoàn toàn không có chuyện ép giá khách du lịch. Tuy nhiên, vịnh nhỏ nên không có nhiều lựa chọn. Kết thúc bữa ăn, cả nhóm đi dạo và ngồi uống nước trên bờ vịnh.
Ngày thứ hai: Hang Rái – Bãi Kinh – đảo Bình Hưng – suối Lồ Ồ
Từ vịnh đi Hang Rái sẽ mất khoảng 20 phút xe máy. Ở đây có bãi đá, với những hốc nhỏ đọng muối thú vị, và cây cầu gỗ đỏ để ngắm biển. Giá vé tham quan hang Rái là 20.000 đồng/người.
Gần đến trưa, chúng tôi di chuyển sang bãi Kinh, cách vịnh khoảng 40 phút đi xe máy. Nếu không ngại nắng gió, bạn nên thuê xe máy để ngắm cung đường biển đẹp và khá dễ đi, có nhiều điểm để check-in. Bãi Kinh cũng là nơi để bắt tàu sang đảo Bình Hưng. Lưu ý, bạn nhớ mang chứng minh thư hoặc căn cước công dân để được qua đảo.
Khi cả nhóm đến cảng để đi tàu, rất nhiều người đến đưa danh thiếp, mời chào dịch vụ ăn uống trên nhà bè. Chúng tôi khá sốc, nên chọn nhanh một tấm danh thiếp vì nghĩ giá cả sẽ như nhau. Nếu bạn dùng bữa tại nhà bè, dịch vụ đã bao gồm tiền tàu đưa ra chỗ ăn và sau đó sang đảo. Tàu từ đảo về bờ có giá 10.000 đồng/người. Nhóm có bốn người, ăn uống thoải mái hết gần 2 triệu đồng cho một bữa hải sản.
Đảo Bình Hưng khá nhỏ. Chúng tôi khám phá, ngắm cảnh và chụp ảnh. Giá thuê xe điện lên ngọn hải đăng là 50.000 đồng/xe mỗi lượt. Giá vào khu 13 điểm check-in là 30.000 đồng/người.
Trở về Vĩnh Hy, chúng tôi ghé suối Lồ Ồ nằm cách homestay khoảng hai km đường làng. Nếu không được chị chủ homestay giới thiệu thì chắc cả nhóm đã bỏ lỡ một điểm đến đủ góc sống ảo này. Ở đây, bạn có thể check-in ở suối, cầu gỗ, con đường đá tự nhiên, rừng cây, cuộc sống nông thôn… Đến tối, cả nhóm nhờ chủ homestay nấu cơm và ăn ở nhà.
Ngày thứ ba: Cánh đồng điện gió – Tanyoli – Đồi cát Nam Cương – Tháp Po Klong Garai – Đồng cừu Suối Tiên
Do các địa điểm khá xa vịnh nên chúng tôi thuê taxi cho ngày thứ ba. Giá một xe đi tất cả các điểm này và ra sân bay là 1,8 triệu đồng/ngày. Sau chuyến tham quan, hãy ghé quán cơm gà trên đường để ăn tối rồi ra sân bay, kết thúc hành trình hòa vào cuộc sống làng chài tại Ninh Thuận.
Độc giả Nguyễn Phương Anh