Ghép tranh lụa ở nơi phu nhân Thủ tướng Singapore ghé thăm

Làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông nơi phu nhân hai Thủ tướng Việt Nam - Singapore ghé thăm.

Hà Nội- Ghép tranh lụa ở làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông, là hoạt động thu hút khách ngoại quốc, trong đó có phu nhân Thủ tướng Singapore. – Du lịch

Chiều 28/8, bà Lê Thị Bích Trân, phu nhân Thủ tướng Phạm Minh Chính, và bà Hà Tinh, phu nhân Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, đã ghé thăm làng lụa Vạn Phúc hơn 1.000 năm tuổi, nơi được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công nhận là “Làng nghề dệt lụa tơ tằm lâu đời nhất còn duy trì hoạt động đến ngày nay” năm 2014.

Làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông nơi phu nhân hai Thủ tướng Việt Nam - Singapore ghé thăm.

Làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông nơi phu nhân hai Thủ tướng Việt Nam và Singapore ghé thăm.

Hai phu nhân đã trải nghiệm ghép tranh lụa tại Vụn Art, hợp tác xã (HTX) làm tranh vải nằm trong Trung tâm bảo tồn lụa ở số 16 Phố Lụa, quận Hà Đông. Ở cuối con đường ô nổi tiếng dẫn vào trong làng, một căn phòng diện tích 40 m2 là nơi giới thiệu và bán các sản phẩm tranh lụa của HTX, cũng là nơi hai vị phu nhân trực tiếp ghép tranh.

HTX do anh Lê Việt Cường, Chủ tịch Hội người khuyết tật quận Hà Đông, sáng lập năm 2017. Anh Cường cho biết mục đích thành lập HTX trước tiên là để đồng hành, tạo việc làm ổn định cho những người khuyết tật. Hiện HTX có 35 lao động là người khuyết tật. Bên cạnh đó, HTX cũng hướng tới việc gìn giữ và quảng bá các giá trị văn hóa, truyền thống của dân tộc cũng như bảo vệ môi trường thông qua việc tái sử dụng lụa Vạn Phúc để tạo nên các bức tranh độc đáo, sáng tạo.

Phu nhân Thủ tướng Singapore ghép tranh lụa tại HTX Vụn Art, làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội ngày 28/8. Ảnh: Giang Huy

Phu nhân Thủ tướng Singapore ghép tranh lụa tại HTX Vụn Art, làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội ngày 28/8. Ảnh: Giang Huy

Anh Cường cho biết nguyên liệu ghép tranh là những mảnh vải vụn, thừa từ các nhà may tại làng lụa Vạn Phúc. Qua bàn tay của những người thợ khuyết tật, những mảnh vải vụn không còn giá trị được tận dụng, cắt, ghép, tạo hình thành nhiều loại tranh đa dạng. Đa phần các bức tranh được khai thác từ tranh dân gian Đông Hồ, tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng, tranh làng Sình xứ Huế. Bên cạnh đó, những phong cảnh mang tính biểu tượng của Việt Nam cũng được đưa vào tranh ghép như Tháp Rùa, phố cổ Hà Nội, vịnh Hạ Long. HTX cũng tự sáng tạo các bức tranh theo nhiều chủ đề khác nhau như động vật, tĩnh vật, các loài hoa, các tác phẩm nghệ thuật theo phong cách trừu tượng.

Bà Lê Thị Bích Trân, phu nhân Thủ tướng Phạm Minh Chính, và bà Hà Tinh, phu nhân Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã ghép tranh vẽ hai biểu tượng du lịch của hai nước là hòn Trống Mái ở vịnh Hạ Long và Công viên Sư tử biển ở Singapore.

Trương Thủy Hoàng Mỹ (33 tuổi), người hướng dẫn bà Trân, cho biết trong quá trình ghép tranh, phu nhân rất hào hứng vì bà cũng làm ngành may mặc. Phu nhân rất ủng hộ việc dùng lụa vụn để ghép tranh, vừa giúp tiết kiệm vải, lại tạo ra những tác phẩm tranh sáng tạo, có sức hút.

“Sau khi hoàn thành bức tranh, phu nhân (Thủ tướng Singapore) chia sẻ bà bất ngờ khi những mảnh vải đơn giản có thể ghép lại thành một bức tranh đẹp như vậy”, Nguyễn Thị Thùy Linh (32 tuổi), người hướng dẫn bà Hà Tinh chia sẻ.

Tranh ghép thủ công từ vải lụa của HTX đang dần trở thành một trong những sản phẩm lưu niệm được nhiều du khách yêu thích, đặc biệt là khách quốc tế. Không chỉ mua làm quà, nhiều du khách đến tận cơ sở của HTX để trải nghiệm ghép tranh trực tiếp.

Bà Nguyễn Thị Khanh (58 tuổi), người hướng dẫn các du khách ghép tranh tại HTX, cho biết khách lẻ hoặc đoàn dưới 30 người sẽ trải nghiệm tại cơ sở của HTX. Đối với các đoàn trên 30 người như đoàn sinh viên một trường Đại học nước ngoài đến vào đầu năm 2023, cơ sở mượn địa điểm miếu Vạn Phúc để tổ chức hướng dẫn.

“Đoàn khách đông nhất HTX đón tiếp là hơn 100 người, chúng tôi phải huy động 80% lao động đến hướng dẫn”, bà nói.

Một bức tranh ghép lụa phải trải qua nhiều công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn mới thành hình. Đầu tiên, tranh được phác thảo và in trên giấy rồi mới cắt rời từng chi tiết. Vải được chọn làm tranh được là ủi kỹ, phết một lớp keo sữa mỏng rồi đem hong khô để vải phẳng, bền màu và có độ cứng, giúp công đoạn cắt vải dễ dàng và chính xác hơn. Dán những chi tiết bằng giấy lên vải rồi cắt theo mép giấy. Từng miếng lụa được dán lên bằng cách dùng bàn là ủi nóng để lớp keo tan ra và bám vào bề mặt.

Quan trọng nhất và cũng đòi hỏi nhiều kỹ thuật nhất chính là lên màu cho tranh. “Tranh chân dung đòi hỏi phải phối màu sao cho khuôn mặt sinh động. Tranh phong cảnh nhiều chi tiết còn kỳ công hơn, có những bức thợ phải ngồi tước vải thành từng sợi nhỏ, làm mất hai, ba ngày mới xong”, bà Khanh nói.

Do lao động tại HTX đều là người khuyết tật, nên cần nhiều thời gian hướng dẫn và phát sinh nhiều lỗi. Việc ghép tranh cũng không đơn giản mà cần phải có kỹ năng và con mắt nghệ thuật để cắt tỉa, gắn kết những mảnh vụn rời rạc thành một bức tranh hài hòa.

Thông thường, du khách sẽ trải nghiệm các bộ kit nhỏ tại cơ sở, các chi tiết đã được cắt sẵn và dán bằng keo. Khách cũng có thể yêu cầu trải nghiệm dán tranh bằng bàn là hoặc vừa cắt vừa dán, nhưng sẽ mất nhiều thời gian hơn. Bà Khanh ấn tượng nhất là một nữ du khách người Anh tên Stella sinh sống ở Việt Nam 10 năm và “nói tiếng Việt rất giỏi”. “Cô ấy rất thích tranh lụa nên năm nào cũng đưa vài đoàn khách đến trải nghiệm. Trong năm nay cô ấy đã đưa đến hai đoàn khách nước ngoài”, bà nói.

Tranh vải có thể được ghép thành khung tranh, trên mặt túi, áo, ví, gối, bình đựng nước. Các sản phẩm tại HTX được làm đa dạng từ mẫu mã đến mức giá. Túi dao động 250.000 – 1,2 triệu đồng, tranh từ 700.000 đến 3 triệu đồng.

Bên cạnh hoạt động tại cơ sở, HTX Vụn Art còn tổ chức các lớp học, chương trình trải nghiệm làm tranh ghép vải, tìm hiểu tranh dân gian truyền thống tại đền thờ Tổ nghề lụa Vạn Phúc, không gian phố đi bộ Hồ Gươm, các bảo tàng, các trường đại học trên địa bàn Hà Nội. Các buổi workshop của HTX thu hút nhiều học sinh, sinh viên và các gia đình đến tham quan, thực hành ghép tranh lụa. Sắp tới, HTX sẽ tiếp tục tổ chức thêm nhiều buổi workshop để quảng bá rộng rãi nghệ thuật tranh ghép vải cũng như tranh dân gian truyền thống.

Bài và ảnh: Quỳnh Mai


Bài viết được đề xuất