Thấy gì từ Việt Nam đã đạt 98% mục tiêu đón khách quốc tế?

Hướng dẫn viên Nguyễn Anh Tuấn (cầm cờ) dẫn đường cho đoàn khách Tây Ban Nha đến tham quan đền Ngọc Sơn, hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội ngày 20/8. Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn

Việt Nam hiện gần như đã hoàn thành mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế trong cả năm 2023 nhưng so với khu vực cả mục tiêu lẫn tỷ lệ phục hồi đều thấp. – Du lịch

Tính đến hết tháng 8, Việt Nam đón hơn 7,8 triệu lượt khách quốc tế, đạt gần 98% mục tiêu cả năm là 8 triệu lượt. Báo cáo “Du lịch Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023” của Outbox, công ty nghiên cứu thị trường du lịch và khách sạn, trước đó cũng chỉ ra Việt Nam đang có phong độ tốt khi tỷ lệ hoàn thành mục tiêu của năm cao nhất khu vực.

Hướng dẫn viên Nguyễn Anh Tuấn (cầm cờ) dẫn đường cho đoàn khách Tây Ban Nha đến tham quan đền Ngọc Sơn, hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội ngày 20/8. Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn

Một đoàn khách Tây Ban Nha tham quan đền Ngọc Sơn, Hà Nội, ngày 20/8. Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn

Dù vậy, mục tiêu đón khách quốc tế 2023 hay tỷ lệ phục hồi du lịch so với năm 2019 của Việt Nam thấp nhất trong top 5 điểm đến phổ biến hàng đầu Đông Nam Á.

Trước dịch, 5 nước đón khách nhiều nhất khu vực là Thái Lan (39,8 triệu lượt), Malaysia (26,1 triệu lượt), Singapore (19 triệu lượt), Việt Nam (18 triệu), Indonesia (15,5 triệu), theo Tổ chức Du lịch Thế giới.

Năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt, mức độ phục hồi so với trước dịch đạt 44%. 4 nước còn lại đều đặt mục tiêu cao hơn. Ban đầu, Thái Lan dự kiến đón 25 triệu lượt khách. Sau khi Trung Quốc mở lại biên giới hồi tháng 1, chính phủ Thái Lan thay đổi mục tiêu, dự kiến đón 28-30 triệu lượt khách. Như vậy, mục tiêu phục hồi của nước này đặt ra so với trước dịch ở mức 63-75%.

Malaysia dự kiến đón 16 -18 triệu lượt khách, đẩy mức độ phục hồi mục tiêu lên 69%. Singapore đón 12-14 triệu lượt khách, tương đương mức độ phục hồi 63-73%. Indonesia ban đầu dự kiến đón 7,4 triệu lượt nhưng đến tháng 7 nâng mục tiêu lên 8,5 triệu lượt. Tỷ lệ phục hồi tăng từ 46 lên 53%, cho thấy quyết tâm của nước này trong việc đón khách quốc tế.

Giải thích lý do Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế năm 2023, Viện trưởng Viện Phát triển Du lịch châu Á Phạm Hải Quỳnh cho rằng con số này “là một mục tiêu an toàn cho sự phục hồi và tiếp cận dần sau dịch bệnh”. “Chúng ta mong muốn bứt phá, quay lại thời kỳ đỉnh cao của du lịch Việt Nam nhưng không vì thế mà không tính tới yếu tố thực tế đang diễn ra”, ông Quỳnh nói.

Theo ông Phạm Hà, CEO Lux Group, chuyên gia về lĩnh vực du lịch sang trọng, Việt Nam đặt ra con số 8 triệu và mục tiêu phục hồi thấp nhất top 5 là do “bệnh thành tích”. “Chúng ta có truyền thống đưa ra mục tiêu thấp để cuối năm hoàn thành”, ông Hà nói.

Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) Hoàng Nhân Chính cho biết các nước trong khu vực thường nghiên cứu tỷ lệ phục hồi du lịch của năm 2022 và những tháng đầu 2023 so với mức trước dịch. Từ đó, các nước điều chỉnh mục tiêu khi dự báo không sát thực tế. Đầu năm 2023, Thái Lan điều chỉnh mục tiêu 3 lần. Indonesia cũng có điều chỉnh tương tự khi nhận thấy số liệu dự báo đầu năm không còn phù hợp với tình hình thực tế.

Năm 2022 Việt Nam đề ra mục tiêu 5 triệu lượt khách quốc tế nhưng chỉ đón 3,6 triệu lượt. “Phải chăng vì vậy mà chúng ta đã quá thận trọng khi dự báo số khách tới trong năm nay?”, ông Chính nói. Ông cho rằng năm 2023, ngành du lịch Việt nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ trong việc cải thiện chính sách thị thực, sự phục hồi du lịch quốc tế đã khả quan hơn. “Nếu ngành du lịch quyết tâm đặt mục tiêu cao hơn thì chắc chắn toàn ngành sẽ cùng nỗ lực hướng tới đạt được mục tiêu ấy”, đại diện TAB nói.

Đầu năm nay, TAB công bố dự báo về lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm và từng tháng. Tính đến hết tháng 8, lượng khách thực tế và dự báo của TAB gần như trùng khớp. Theo ông Chính, dự kiến đến cuối năm Việt Nam sẽ đón 12-13 triệu lượt khách quốc tế, thậm chí hơn. Nếu không xuất hiện các yếu tố bất ngờ, các rào cản kỹ thuật được dỡ bỏ kịp thời, năm 2024 du lịch Việt có thể khôi phục hoàn toàn với số khách quốc tế đạt 18 triệu lượt, bằng 2019.

Để đạt được mục tiêu quay về thời kỳ đỉnh cao, TAB đề xuất ba giải pháp cần làm ngay. Các cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy mạnh truyền thông quốc tế về những đổi mới trong chính sách miễn thị thực, đẩy mạnh quảng bá xúc tiến du lịch với các thị trường trọng điểm của Việt Nam.

Hiện nay, nhiều website của đại sứ quán Việt Nam tại các nước vẫn chưa thường xuyên cập nhật thông tin về chính sách mới. Trong khi đó, đây lại là nguồn cung cấp thông tin đầu tiên mà khách nước ngoài tìm kiếm nếu muốn đến Việt Nam du lịch. “Đôi khi chưa chắc du khách tin tưởng thông tin trên website của các công ty du lịch địa phương. Họ tin website của đại sứ quán Việt Nam đặt tại nước họ hơn vì đây là nguồn chính thống”, ông Chính nói.

Tiếp đến, Việt Nam cần xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu của từng thị trường và ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch xanh. Về vấn đề quản lý điểm đến, cần làm tốt việc liên kết các bên liên quan như cơ quan quản lý, cộng đồng địa phương, doanh nghiệp, du khách cũng như liên kết vùng để kết nối tour liền mạch, thực hiện đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao.

Thái Lan đẩy mạnh quảng bá hình ảnh vùng đất của những nụ cười đến với khách quốc tế. Ảnh: Adobe stock

Thái Lan đẩy mạnh quảng bá hình ảnh “vùng đất của những nụ cười” đến với khách quốc tế. Ảnh: Adobe stock

“Chúng ta không cần nhìn đâu xa, hãy nhìn Thái Lan về cách họ làm du lịch”, ông Phạm Hà nói về cách giúp Việt Nam đón 18 triệu lượt khách trong năm 2024. Theo ông Hà, Thái Lan đã định vị tốt thương hiệu quốc gia với du khách khi nơi này được biết đến là đất nước của những nụ cười. Du khách đi đâu cũng gặp sự niềm nở, thân thiện của người dân, nhân viên làm trong ngành dịch vụ. Du khách không ngại trả giá vì không sợ sẽ bị chủ cửa hàng bày tỏ thái độ nếu không mua đồ.

Thái Lan có đủ nguồn lực làm du lịch và mở nhiều văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài. Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) hiện có 29 văn phòng trên thế giới và họ tìm hiểu sâu về thói quen du lịch của du khách từng khu vực.

“Họ (TAT Việt Nam) biết chúng ta thích ăn gì, chơi đâu, giải trí như thế nào, chi tiêu ra sao. Từ đó, họ tạo ra các tour tuyến phù hợp với riêng người Việt, tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch bằng cách mời các doanh nghiệp địa phương sang Thái Lan khảo sát”, ông Hà nói. “Người Thái đã nói ngôn ngữ của người Việt. Đó là lý do Thái Lan luôn là điểm đến yêu thích của khách Việt Nam.”

Phương Anh


Bài viết được đề xuất