4 sự kiện trong tuần lễ Trung thu Hà Nội

Phố Hàng Mã chuẩn bị cho Trung thu 2023. Ảnh: Ngọc Thành

Hà Nội tổ chức festival thu, các lễ hội Trung thu phố cổ, lễ hội đêm rằm trong tuần lễ Trung thu năm nay. – Du lịch

Lễ hội trung thu phố cổ

Thời gian: 22 đến 29/9

Địa điểm: Chợ Trung thu truyền thống Hàng Mã, khu vực chợ Đồng Xuân, tuyến phố đi bộ Hàng Đào – Hàng Giấy, không gian bích họa phố Phùng Hưng, không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận cùng một số tuyến phố cổ và điểm di sản văn hóa ở quận Hoàn Kiếm.

Các hoạt động: Giới thiệu sản phẩm Trung thu, đồ chơi thiếu nhi; biểu diễn văn hóa nghệ thuật; trải nghiệm trò chơi dân gian; các sân chơi thi bày cỗ, thi rước đèn và hoạt động phá cỗ đêm rằm.

Phố Hàng Mã chuẩn bị cho Trung thu 2023. Ảnh: Ngọc Thành

Phố Hàng Mã chuẩn bị cho Trung thu 2023. Ảnh: Ngọc Thành

Đêm hội trăng rằm yêu thương

Thời gian: 18h30 đến 21h ngày 29/9 (tức ngày 15/8 Quý Mão)

Địa điểm: Khu vực sân khấu ngoài trời đền Bà Kiệu, phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm.

Các hoạt động: Biểu diễn nghệ thuật múa lân – múa rồng đêm Trung thu, rước đèn, phá cỗ với sự tham gia của thiếu niên, nhi đồng cùng nhân vật chị Hằng, chú Cuội, ông địa. Ban tổ chức tặng đèn ông sao, đèn lồng, đèn cá, đèn kéo quân, đồ chơi cho các em đến tham dự đoàn rước tại tượng đài Lý Thái Tổ.

Đêm lung linh

Thời gian: 19 đến 21h các ngày 27, 28 và 29/9

Địa điểm: Hoàng thành Thăng Long

Các hoạt động: Tham quan không gian trưng bày các loại đèn Trung thu cổ truyền dưới hình thức gian hàng phố cổ; chương trình nghệ thuật múa sư tử; khám phá nhà trưng bày 1.000 năm và báu vật hoàng cung với hàng trăm hiện vật xuyên suốt các thời kỳ; trải nghiệm làm bánh dẻo, đèn ông sao, vẽ mặt nạ giấy bồi, tô tượng, tô mâm ngũ quả Trung thu bằng gỗ, làm diều giấy, làm quạt, tham gia đoàn rước đèn cùng chú Cuội và phá cỗ Trung thu.

Festival thu và không gian giới thiệu ẩm thực Hà Nội

Thời gian: từ 29/9 đến 1/10

Địa điểm: phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, Cung Thiếu nhi Hà Nội

Các hoạt động: Tổ chức 150 gian hàng dọc đường Đinh Tiên Hoàng, phố Lê Thạch, khu vực nhà bát giác; tái hiện đám cưới xưa và nay ở phố Đinh Tiên Hoàng; trình diễn thời trang áo dài; diễu hành xích lô, xe buýt hai tầng, xe đạp trên các phố Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Thanh Niên.

10 quận huyện gồm Hoàn Kiếm, Mê Linh, Quốc Oai, Ứng Hòa, Ba Đình, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Đông Anh, Ba Vì, Gia Lâm và nhiều doanh nghiệp tham gia chương trình nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch và các sản phẩm, di sản địa phương.

Làng cốm Mễ Trì (Nam Từ Liêm) tham gia vào hoạt động của festival Thu Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành

Làng cốm Mễ Trì (Nam Từ Liêm) tham gia festival thu Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành

Không gian ẩm thực Hà Nội diễn ra tại Cung Thiếu nhi quy tụ 51 gian hàng của các hội nghề nghiệp, nghệ nhân, doanh nghiệp, cơ sở ẩm thực nổi tiếng của Hà Nội và cả nước, giới thiệu các món đặc sản như phở bò, phở gà, bún thang, chả cá, chả cốm đèn lồng, bún ốc Hồ Tây, xôi Phú Thượng. Điểm nhấn là không gian phở, với phở Thìn Hà Nội, phở mậu dịch, phở gà Hà Nội, phở Nam Định, phở ngô Hà Giang, phở Đăk Lăk…

Ngoài ra, các điểm đến nghệ thuật quen thuộc ở Hà Nội như Ngôi nhà Di sản 87 phố Mã Mây, đình Kim Ngân 42-44 Hàng Bạc, Trung tâm Văn hóa nghệ thuật 28 Hàng Buồm, Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ 50 Đào Duy Từ có các hoạt động trưng bày, giới thiệu không gian Tết Trung thu truyền thống; hướng dẫn làm đồ chơi Trung thu, biểu diễn múa rối.

Tâm Anh


Bài viết được đề xuất