‘Quán cà phê hòa bình’ của người Israel và Palestine

Giảng viên Rania Abu al-Hawa sau khi mua đồ uống tại quán. Ảnh: Al Jazeera

Quán cà phê nằm giữa Đại học Hebrew (Jerusalem) và khuôn viên bệnh viện gần đó từng là nơi hiếm hoi người Israel và Palestine bỏ qua chính trị, gặp gỡ và trò chuyện. – Du lịch

Nhân viên bệnh viện, giáo sư, giảng viên, sinh viên trong nước và quốc tế của Trường đại học Hebrew và bệnh viện thường giao lưu với nhau ở quán cà phê Aroma Espresso Bar. Trong 20 năm qua, quán cà phê đã mang đến bầu không khí vui vẻ và được xem là “thiên đường” của người Israel và Palestine.

Rania Abu al-Hawa, giảng viên môn toán của trường đại học, cho biết đây là nơi mọi người có thể đến “thư giãn, bất kể họ đến từ đâu” và tạm quên đi những vấn đề chính trị. Danny, người Israel, 44 tuổi, làm việc trong lĩnh vực bất động sản, bày tỏ sự yêu thích của mình với quán cà phê này bởi nó “đứng ngoài chính trị”, mọi người tập trung vào công việc của mình và mối quan hệ giữa người Palestine – Israel ở đây rất tốt đẹp. Ông cho rằng đây là nơi “cả người Arab và người Do Thái đều thích đến”.

Giảng viên Rania Abu al-Hawa sau khi mua đồ uống tại quán. Ảnh: Al Jazeera

Giảng viên Rania Abu al-Hawa sau khi mua đồ uống tại quán. Ảnh: Al Jazeera

Wad Sub Laban, 20 tuổi, nữ sinh của trường đại học, thường ghé quán cà phê vào giờ nghỉ giải lao để mua một ly socola nóng cũng nhận xét không gian quán như “một thiên đường” cho người Palestine và Israel. Theo nữ sinh, các vấn đề chính trị không được bàn luận ở đây vì hầu hết nhân viên ở quán là người Arab còn khách hàng chủ yếu lại là sinh viên người Israel.

Nhân viên quán cà phê Ahmad, một người Palestine, cho biết anh có cả bạn bè người Palestine và Israel tại nơi làm việc, họ thường cùng nhau tán gẫu mỗi sáng và những vấn đề căng thẳng sẽ được gạt sang một bên. Quán cà phê có thể phục vụ tất cả mọi người nhờ “sự năng động đặc biệt” và “tính cởi mở”. Thực đơn gồm nhiều món khác nhau, phù hợp với văn hoá của cả người Palestine và Israel.

Tuy nhiên, sau khi Hamas phát động cuộc tấn công bất ngờ vào miền nam Israel ngày 7/10, Ahmad kể anh ít nói chuyện hơn với những người bạn Israel. Hiện, lượng khách đến quán giảm hơn so với trước đây, không khí làm việc cũng trở nên căng thẳng hơn. Việc quán cà phê thuộc về người Israel nhưng nhân viên hầu hết là người Palestine và một phần lợi nhuận sẽ được chuyển cho quân đội Israel khiến các nhân viên người Palestine cảm thấy dè dặt.

Ahmad cũng cho biết quán cà phê này từng mở một cửa hàng ở khu dân cư của người Palestine nhưng đã phải đóng cửa sau khi bị tấn công.

Vân Khanh (theo Al Jazeera)


Bài viết được đề xuất