Ban quản lý vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) khẳng định vịnh Hạ Long và Lan Hạ có vị trí riêng biệt nên cần tuân theo quy định của từng địa phương. – Du lịch
Đại diện Ban quản lý vịnh Hạ Long ngày 25/7 cho biết đã gửi giải trình tới UBND tỉnh Quảng Ninh về thông tin “ngăn sông cấm chợ” của vịnh này với vịnh Lan Hạ. Ban quản lý khẳng định hai vịnh là danh lam thắng cảnh thuộc địa giới hành chính của hai địa phương riêng biệt (Quảng Ninh và Hải Phòng), do đó hoạt động tham quan cần tuân thủ quy định của từng địa phương.
Hiện các tàu du lịch khai thác vịnh Hạ Long do Quảng Ninh cấp phép, được di chuyển theo 5 tuyến, xuất phát từ một trong ba cảng ở tỉnh này gồm cảng Tuần Châu, Vinashin và Sun Group. Trong khi đó, các tàu khai thác du lịch ở vịnh Lan Hạ, do Hải Phòng cấp phép, chỉ hoạt động trong vùng biển do TP quản lý và xuất phát từ các cảng nhỏ, cũ, kém thuận tiện hơn cảng ở Quảng Ninh, như bến Gót, Gia Luận.
Ban quản lý vịnh Hạ Long cho rằng căn cứ quy định về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa, tàu du lịch chỉ được hoạt động trong luồng tuyến du lịch đã được ghi trong giấy phép rời cảng, bến do cơ quan cảng vụ cấp. Do vậy các tàu du lịch của Hải Phòng sẽ không được hoạt động trong khu vực vịnh Hạ Long nếu không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động.
Ban Quản lý vịnh Hạ Long cũng cho biết hoạt động tham quan trên hai vịnh được phân thành các tuyến để đảm bảo sức tải của di sản và giảm thiểu ảnh hưởng đến di sản.
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) và Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã khuyến nghị về việc hạn chế số lượng tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long. UBND tỉnh Quảng Ninh cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo liên quan như quy định tạm thời về quản lý hoạt động tàu du lịch cũng như nâng cao chất lượng và quản lý tàu trên vịnh Hạ Long và Bái Tử Long của tỉnh. Tháng 4/2016, có 533 tàu du lịch tham quan, vận chuyển khách trên vịnh Hạ Long và Bái Tử Long. Hiện con số này giảm còn 500, trong đó có 400 tàu thường xuyên hoạt động.
Khi Quảng Ninh có chủ trương này, từ năm 2015, các chủ tàu bắt đầu “dịch chuyển” sang Hải Phòng để khai thác tuyến Lan Hạ do TP vẫn cấp phép cho tàu vỏ thép, composite đóng mới, hiện đại. Ban quản lý vịnh Hạ Long cho rằng “nhiều tàu không đáp ứng được các quy định của tỉnh Quảng Ninh đã được chủ tàu chuyển nhượng sang hoạt động trên vịnh Lan Hạ”.
“Nếu các tàu du lịch từ Hải Phòng chạy vào vịnh Hạ Long sẽ làm tăng số lượng tàu hoạt động trên vịnh. Vì thế, tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng không thiết lập thêm tuyến từ Cát Bà sang Hạ Long”, Ban quản lý vịnh Hạ Long nói.
Báo cáo về sức tải vịnh Hạ Long năm 2022 của ban quản lý vịnh chỉ ra du khách chủ yếu tham quan vịnh Hạ Long trên tuyến 1 và 2, rất ít khách chọn tuyến 5, tuyến duy nhất kết nối hai vịnh với điểm xuất phát là cảng tàu ở Quảng Ninh đến bến Gia Luận ở Cát Bà, Hải Phòng rồi sau đó di chuyển qua các điểm tham quan ở vịnh Hạ Long. Theo ghi nhận của Du lịch, khi được hỏi, một số doanh nghiệp lữ hành làm tour du thuyền tham quan vịnh Hạ Long không biết tuyến 5 tồn tại.
Thống kê khách tham quan tại các tuyến du lịch vào tháng 6/2019, cao điểm của du lịch hè, cho thấy tuyến 1 đón gần 230.000 lượt khách, chiếm 53% tổng lượng khách của vịnh Hạ Long, tuyến 2 đón lượng khách chiếm 44%, trong khi 3 tuyến còn lại, mỗi tuyến lượng khách chiếm 1%.
Một chuyên gia trong ngành du lịch cho rằng “vẫn có khả năng để khai thác du lịch trên vịnh Hạ Long” đối với các tàu từ Lan Hạ. Tỉnh Quảng Ninh muốn giới hạn lượng tàu trên vịnh nhưng thực tế không phải tất cả tàu đều ra khơi cùng thời điểm và sự chênh lệch về khách giữa các tuyến cho thấy vẫn còn tiềm năng khai thác.
Đại diện hội Du thuyền Lan Hạ cho biết đã nhiều lần đề nghị với ban quản lý vịnh Hạ Long để được khai thác tuyến 5. Tuy nhiên, đề nghị này không được chấp nhận vì “chưa có chủ trương cho tàu Hải Phòng đón khách tại cảng của Quảng Ninh”.
Do không thể đón khách tại các cảng của Quảng Ninh, các chủ tàu ở vịnh Lan Hạ thường dùng tàu cao tốc số hiệu Quảng Ninh đón khách từ cảng Tuần Châu, rồi đưa ra bến Gia Luận theo luồng quốc gia. Sau đó, khách mới lên tàu du lịch lớn để bắt đầu hành trình tham quan. Quá trình này thường kéo dài thêm khoảng 45 phút, gây phiền toái cho khách.
Nhiều đơn vị lữ hành cũng mong hai bên sớm tìm được tiếng nói chung. Ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng giám đốc AZA Travel, nhận xét vịnh Lan Hạ (Hải Phòng) và Hạ Long (Quảng Ninh) phân chia địa lý về mặt hành chính, nhưng có thể xem như “chung trong quần thể vịnh Hạ Long”. Thực tế, nhiều du khách cũng không bận tâm phân biệt chi tiết và chỉ muốn trải nghiệm những giá trị tốt nhất trong cùng hành trình. Điều này đặt ra thực tế cần sớm “thông” hai vịnh để khách có thể trải nghiệm những sản phẩm du lịch đặc sắc, tinh túy nhất.
“Đặc biệt là khách nước ngoài, họ có ít thời gian và sẵn sàng chi tiền để trải nghiệm sản phẩm tốt nhất”, ông Đạt nói.
Đại diện CLB Du lịch Thủ đô – thành viên Hiệp hội Du lịch Hà Nội – cho biết đứng trên góc độ doanh nghiệp, ai cũng hiểu chủ tàu ở vịnh Lan Hạ mong muốn được neo đậu tại cảng ở Quảng Ninh và khai thác sản phẩm trên vịnh Hạ Long. Điều này cũng tốt cho khách hàng khi họ không còn phải tốn thời gian đi từ Tuần Châu sang Gia Luận hay chịu cảnh ùn tắc tại bến Gót ở Hải Phòng.
“Việc quản lý khách, tàu cũng là vấn đề lớn nếu hai vịnh thông nhau”, người này nói. Đại diện CLB Du lịch Thủ đô đề xuất nếu cảnh ngăn sông cấm chợ được bỏ, các tàu ở vịnh Lan Hạ có thể chạy theo tuyến số 5, mua vé tham quan ở vịnh Hạ Long và vé ngủ đêm trên vịnh Lan Hạ. Đôi bên cùng có lợi và đều có trách nhiệm quản lý tàu, khách do đã bán vé.
Để làm được điều này, “hai địa phương cần ngồi lại” và có sự điều phối từ một tổ chức quản lý rộng hơn, như UNESCO, đại diện này nói.
Tú Nguyễn