Nới visa không phải ‘cây đũa thần’ đưa du khách đến Việt Nam

Du khách nước ngoài trải nghiệm đường tàu tại Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành

Chuyên gia nhận định chính sách nới visa mới đây là động thái tốt nhưng “không phải cây đũa thần” để kéo khách quốc tế đến Việt Nam du lịch. – Du lịch

Ngày 15/8, chính sách visa mới của Việt Nam có hiệu lực. Theo đó, thời hạn thị thực điện tử (e-visa) sẽ được nâng từ 30 lên 90 ngày, với số lần nhập, xuất cảnh không giới hạn. Công dân của nước Việt Nam đơn phương miễn thị thực được tăng thời gian tạm trú từ 15 lên 45 ngày và được xem xét cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo quy định.

Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Du lịch Vietcircle, đồng thời là chuyên gia về chiến lược phát triển du lịch, đánh giá động thái nới visa của Việt Nam có ý nghĩa tích cực. Trong quá khứ, chính sách visa của Việt Nam gây cản trở khá nhiều đến trải nghiệm của du khách quốc tế do thời gian lưu trú ngắn, không thể ra vào nhiều lần.

“Tuy nhiên, chính sách visa không phải cây đũa thần. Chính sách mới sẽ có tác động tốt, nhưng không phải tức thì trong năm nay”, ông Huê nói.

Du khách nước ngoài trải nghiệm đường tàu tại Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành

Du khách nước ngoài trải nghiệm đường tàu tại Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành

Chuyên gia này cho biết Việt Nam cần sớm cải thiện công tác tiếp thị điểm đến tại nước ngoài. Ở tầm vĩ mô, Việt Nam, Lào, Campuchia và có thể cả Thái Lan nên ngồi lại để đưa ra các thỏa thuận visa chung. Theo đó, khách xin được visa một nước có thể đi hết các nước còn lại, tạo ra trải nghiệm “bốn quốc gia, một điểm đến”. Năm 2020, TCEP (Cục Triển lãm và Hội nghị Thái Lan) từng đề cập đến việc tổ chức, tiếp thị các sự kiện chung giữa 4 nước. Dù có nhiều triển vọng, dự định này vẫn “chưa đi đến đâu”.

Đại diện nhiều đơn vị lữ hành cũng chung quan điểm chính sách visa không phải “cây đũa thần” vì việc thu hút khách quốc tế còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như sản phẩm, chính sách tiếp thị.

Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Giám đốc Ban Tiếp thị Vietravel, nói Việt Nam cần áp dụng nhiều cách tiếp cận để xúc tiến tiếp thị thị trường và phổ biến các chính sách thị thực linh hoạt và sáng tạo mới của Việt Nam.

Một số hoạt động chính cần xem xét là tăng cường nỗ lực tiếp thị kỹ thuật số, tận dụng nền tảng truyền thông xã hội, cộng tác với những người có ảnh hưởng và blogger du lịch, tham gia hội chợ và triển lãm du lịch quốc tế, đồng thời tăng cường quan hệ đối tác với các công ty du lịch và hàng không. Các chiến dịch cần làm nổi bật các điểm tham quan và trải nghiệm độc đáo, mới lạ Việt Nam mang lại, khác biệt so với các quốc gia trong khu vực.

Dù nới visa, các con số tăng trưởng có thể không quá ấn tượng ngay trong năm nay vì khách nước ngoài, đặc biệt là nhóm châu Âu, Mỹ, thường đặt tour du lịch trước 6 tháng đến một năm. Chính sách visa mới được áp dụng từ 15/8 nên chưa thể đem đến hiệu quả tức thì.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, PGĐ Trung tâm Du lịch Quốc tế Benthanh Tourist, nói công ty đã gửi thông báo đến một số đối tác tại các thị trường quan trọng như Rumania, Hà Lan, Đức, Pháp, Mỹ để thông báo về chính sách visa mới của Việt Nam. Các bên đều rất hào hứng trước thông tin tốt này.

Tuy nhiên, công ty hiện vẫn chưa nhận được văn bản chính thức từ cơ quan chức năng về chính sách visa mới như quốc gia nào sẽ được áp dụng nâng thời hạn visa điện tử lên 90 này; quốc gia nào được nâng thời hạn tạm trú đơn phương miễn thị thực lên 45 ngày; lộ trình áp dụng chính sách visa mới sẽ diễn ra như thế nào.

“Chỉ sau khi có được văn bản hướng dẫn chi tiết, công ty mới có thể phối hợp cùng các đối tác để thiết kế chương trình du lịch mới, làm mới sản phẩm và tiến hành các hoạt động quảng bá, tiếp thị tới du khách”, ông Sơn nói.

Tuy nới visa là chưa đủ, đa số doanh nghiệp lữ hành đều đặt nhiều kỳ vọng vào sự tăng trưởng của du khách trong tương lai.

Theo ông Sơn, thị trường du khách châu Âu thích visa nhiều lần và dài ngày. Chính sách visa mới hứa hẹn đem lại sự thoải mái cho du khách trong quá trình làm thủ tục xuất nhập cảnh, các kế hoạch du lịch sẽ được tổ chức linh hoạt hơn, tiết kiệm hơn. Đại diện công ty kỳ vọng các thay đổi về chính sách visa sẽ tạo ra cú hích để thị trường du lịch quốc tế phục hồi mạnh mẽ hơn sau những ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, ít nhất đạt được mức tăng trưởng bằng 70-80% so với thời điểm trước dịch.

Trong khi đó, bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Tiếp thị – Truyền thông Vietluxtour, nói với các chính sách ưu đãi mới về visa, công ty có thể tăng thêm thời gian, đa dạng hóa sản phẩm tour. Ngoài ra, chính sách visa cũng giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam so với các nước Đông Nam Á trong những chương trình liên tuyến Đông Dương.

Du khách Australia tham quan di tích Biệt động Sài Gòn. Ảnh: Vietluxtour

Du khách Australia tham quan di tích Biệt động Sài Gòn, TP HCM. Ảnh: Vietluxtour

Thống kê của công ty cho thấy trong hai quý đầu năm, thị trường inbound (đón khách quốc tế vào Việt Nam) của công ty đã tăng 300% so với cả năm 2022. Với sự ổn định của thị trường và những thuận lợi trong chính sách visa, đơn vị này kỳ vọng hoàn tất giai đoạn phục hồi sau đại dịch và bước vào giai đoạn tăng trưởng mới trong năm 2024-2025.

Trong thời gian tới, công ty mong muốn chính sách visa sẽ “thuận lợi hơn nữa” với các thị trường như châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia, Mỹ. Đây đều là những thị trường tiềm năng, ổn định và có mức chi trả cao.

Tú Nguyễn


Bài viết được đề xuất