Có cần mang lương thực dự trữ không, transit có phải xin visa không, chọn phòng nghỉ thế nào là những thắc mắc phổ biến của du khách đi tự túc. – Du lịch
Nếu bạn là người lần đầu du lịch tự túc thì quả là có nhiều thử thách. Bỏ sót giấy tờ thủ tục, mang thừa hoặc thiếu đồ đạc, vớ phải phòng nghỉ kém chất lượng, những lo lắng ấy khiến du khách căng thẳng khi phải tự mình xoay xở, nhất là khi đến một địa điểm mới mẻ. Bạn có thể tham khảo một số kinh nghiệm sau đây để chuyến đi được suôn sẻ, thoải mái.
Transit có cần xin visa hay không?
Về cơ bản, nếu quá cảnh (transit) ở nước thứ ba mà không ra khỏi sân bay thì không cần xin visa. Thậm chí để khuyến khích du lịch, nhiều quốc gia còn đưa ra các chính sách cấp visa transit ngay tại sân bay, hoặc miễn visa transit, tạo cơ hội cho du khách ra khỏi sân bay tranh thủ tham quan trong lúc đợi chuyến kế tiếp. Đây là một cách tiếp thị thông minh và kích thích du lịch, xây dựng nguồn khách hàng tiềm năng cho quốc gia đó.
Nhưng không phải tất cả mọi nơi đều vậy nên trước chuyến đi hãy tìm hiểu thật kỹ quy định tại sân bay transit và quốc gia transit. Nếu thời gian quá cảnh dài (trên 5 tiếng), hãy mạnh dạn đi tham quan bên ngoài, bởi đây cũng là cơ hội bạn trải nghiệm thêm điểm đến mới. Còn nếu thời gian quá ngắn, hãy tìm phương tiện giải trí thích hợp tại sân bay, hoặc đơn giản là tranh thủ chợp mắt lấy lại sức.
Có cần mang theo đồ ăn thức uống?
Sợ không hợp khẩu vị, sợ đồ ăn đắt, sợ đói là những nỗi lo phổ biến của du khách khi sắp tự đến một nơi xa lạ. Thực tế thì hiếm khi bạn thật sự phải nhịn đói khi đi du lịch vì không có nơi nào mà đồ ăn khiến bạn không thể nuốt được hoặc giá cao đến mức không thể mua. Vấn đề chủ yếu nằm ở tâm lý của du khách. Hãy mạnh dạn gạt bỏ thành kiến về thực phẩm địa phương để thoải mái tận hưởng cảm giác thử nghiệm hương vị khác biệt và cho mình cơ hội khám phá một nền ẩm thực mới.
Nếu hệ tiêu hóa của bạn nhạy cảm, bạn có thể mang theo một chút đồ khô, đồ đóng hộp để lót dạ. Tuy vậy hãy chắc chắn rằng bạn đã tìm hiểu kỹ lưỡng chính sách của chính quyền địa phương nơi đến, nhất là khi đi du lịch tại các nước phát triển. Nhiều quốc gia rất chặt chẽ trong việc kiểm soát thực phẩm nhập khẩu. Một số du khách tay xách nách mang hoa quả, nem, giò, bánh trái đi nước khác rồi lại phải bỏ phí toàn bộ tại sân bay.
Nên mang theo bao nhiêu quần áo?
Với đa số du khách thích chụp ảnh, thích mặc đẹp khi đi chơi thì số lượng và chủng loại quần áo mang theo là vấn đề “đau đầu”. Mang quá ít thì không đã, mà mang quá nhiều thì sợ quá cân.
Tốt nhất bạn hãy chọn cách phối đồ thông minh: một áo có thể phối với vài chiếc quần và ngược lại. Như vậy, bạn vẫn có thể mặc nhiều bộ đồ khác nhau, chụp ảnh lên không nhàm chán, mà lại giảm bớt được số quần áo mang theo. Áo khoác dày nặng của mùa đông chỉ nên mang 1-2 chiếc để thay đổi. Giày dép hãy cân nhắc chỉ mang tối đa hai đôi, vì vừa chiếm nhiều chỗ vừa có khả năng “làm khổ” bạn, nếu đó là những đôi giày đế cứng, giày cao gót, hoặc giày hầm hố to nặng không thích hợp để đi bộ.
Trước ngày lên đường, hãy xem dự báo thời tiết và lên đồ cụ thể cho từng ngày, mạnh dạn bỏ bớt những món quần áo có thể không dùng đến để giảm áp lực cho bản thân.
Chọn phòng nghỉ như thế nào?
Mỗi du khách có tiêu chí khác nhau về việc chọn phòng nghỉ nhưng sẽ có những đáp án chung cho câu hỏi, chọn phòng thế nào để phù hợp nhu cầu. Trước hết hãy tham khảo điểm đánh giá của khách sạn đó, đọc nhận xét của những khách từng đến. Phong cách phục vụ của nhân viên, độ sạch sẽ của khách sạn, đặc biệt là vị trí là những điểm thường được nhận xét nhiều nhất.
Về giá cả, nhiều ứng dụng đặt phòng chỉ phóng to mức giá cơ bản để thu hút du khách. Thoạt nhìn, giá khá dễ chịu nhưng khi thanh toán, các chi phí khác mới hiện ra (thuế, phí dịch vụ của khách sạn, phí dịch vụ của app đặt phòng, phí lưu trú nộp cho chính quyền thành phố) nên khiến tổng số tiền bạn phải trả lên hẳn một “tầm cao mới”. Vì thế trước khi đưa ra quyết định, bạn hãy so sánh giá phòng ở bước cuối cùng với ngân sách của bạn, và tham khảo trên nhiều ứng dụng khác nhau để có mức giá tốt nhất.
Ngoài ra hãy đọc kỹ các tiện nghi mà khách sạn hoặc homestay đó cung cấp (tủ lạnh, TV, máy giặt, wifi, ấm siêu tốc). Nếu bạn di chuyển nhiều, hãy chọn vị trí của khách sạn sao cho đi lại thật thuận tiện (gần nhà ga, bến tàu, bến buýt hoặc gần trung tâm, điểm tham quan).
Còn một cách khác để kiểm tra chất lượng dịch vụ là liên hệ trước với khách sạn, homestay để hỏi các vấn đề liên quan (cách đi từ sân bay, bến tàu về khách sạn, các điểm mua sắm gần đó). Tốc độ và nội dung trả lời của họ chính là cơ sở để bạn đánh giá dịch vụ có tốt hay không. Nếu bạn hoàn toàn không nhận được hồi âm từ khách sạn, hoặc khách sạn nhiều đánh giá tiêu cực thì hãy cân nhắc chọn nơi lưu trú khác. Và hãy nhớ ghi số điện thoại, email, add Viber, Zalo, Whatsapp, Wechat của họ trước khi lên đường để có thể liên lạc bất kỳ lúc nào.
Trịnh Hằng