4 lý do khiến ĐBSCL là ‘vùng trũng’ du lịch Việt

Các chuyên gia chỉ ra 4 lý do khiến du lịch ĐBSCL chưa phát triển cho dù có tiềm năng lớn. – Du lịch

Sản phẩm du lịch nghèo nàn, hạ tầng giao thông kém, du lịch mang tính mùa vụ, thiếu tổ hợp dịch vụ quy mô lớn là 4 lý do khiến du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) kém phát triển, theo nhận định của các chuyên gia.

Tại họp báo về việc tổ chức Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam – Cần Thơ 2023 chiều 7/8 ở TP HCM, một số chuyên gia cho rằng ĐBSCL có đầy đủ điều kiện để trở thành trung tâm du lịch hàng đầu cả nước với nhiều tiềm năng và nét đặc sắc, nổi bật nhất là du lịch sinh thái. Tuy nhiên, vùng này vẫn bị xem là “vùng trũng” của du lịch Việt.

Du khách ngồi thuyền vào tham quan rừng tràm Trà Sư, An Giang. Ảnh: Khánh Thiện

Du khách ngồi thuyền tham quan rừng tràm Trà Sư, An Giang. Ảnh: Khánh Thiện

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch, cho rằng nhiều địa phương ở ĐBSCL hiện chưa đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch trong khi vẫn nói tỉnh mình giàu tài nguyên, tiềm năng lớn.

“Khách du lịch không đi xem tiềm năng, họ mua dịch vụ, thưởng thức cái mà địa phương có. Muốn hút khách, doanh nghiệp cần đến từng nơi khảo sát, khai thác các tài nguyên thiên nhiên, văn hóa bản địa để tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng”, ông Bình nói và so sánh ĐBSCL với các tỉnh Tây Bắc hay Đông Bắc. Theo ông, những năm qua Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu… đã có những bước phát triển vượt bậc về du lịch.

Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Flamingo Redtours, nhận định ĐBSCL còn nhiều khó khăn để phát triển du lịch dù tài nguyên giàu có. Nguyên nhân là hạ tầng giao thông kém, di chuyển từ TP HCM đi các tỉnh miền Tây “không mấy thuận tiện”. Khoảng cách di chuyển giữa các tỉnh trong vùng ngắn, chỉ khoảng vài chục km nhưng xảy ra tình trạng tắc đường liên tục, kéo dài hàng tiếng.

Miền Tây từ trước đến nay du lịch thường chỉ theo mùa. Ông Hoan cho hay du lịch trong vùng chủ yếu khai thác các sản phẩm tập trung vào mùa nước nổi từ tháng 10 đến tháng 12, thời gian khác không có hoạt động gì đặc sắc. Các địa phương có ẩm thực đa dạng, nhiều nét văn hóa độc đáo nhưng “không có điểm nhấn, khách chỉ tham quan 1-2 lần và ít khi quay lại”, chưa biết khai thác rộng hơn vào những mùa thấp điểm hoặc khi đó không biết giới thiệu sản phẩm gì.

Ngoài ra, các tỉnh miền Tây không có tổ hợp dịch vụ du lịch quy mô lớn. Doanh nghiệp du lịch chỉ tập trung khai thác đoàn khách lẻ, số lượng nhỏ 15-20 người, khó tiếp cận nhóm khách du lịch MICE số lượng lớn.

Vì quy mô nhỏ, hầu hết sản phẩm du lịch cộng đồng “mang tính trình diễn”, trong khi khách du lịch hiện nay chú trọng trải nghiệm chân thật.

Theo ông Hoan, để tận dụng tiềm năng và “đánh thức” du lịch miền Tây, các địa phương nên phát triển du lịch liên kết vùng. Mỗi tỉnh, thành phố xác định sản phẩm đặc trưng về cảnh quan, di tích hoặc ẩm thực sau đó kết hợp tạo thành sản phẩm liên kết.

Ngoài ra, để tạo bước đột phá cho cả vùng, cần thu hút nhà đầu tư lớn, xây dựng tổ hợp du lịch lớn. Ông Hoan lấy ví dụ Nha Trang được Vinpearl đầu tư, Cát Bà có Flamingo, Đà Nẵng có Bà Nà Hills, đều là những điểm đến hút khách trong và ngoài nước. Hiện các khu vui chơi giải trí ở miền Tây chủ yếu là địa điểm công cộng.

“Cần phát triển mạnh du lịch đường thủy, nghỉ dưỡng trên sông. Đây là nét đặc trưng của du lịch miền Tây. Có thể kết hợp phát triển tuyến từ Châu Đốc, Hà Tiên sang tỉnh miền nam Campuchia, phát triển sản phẩm du lịch dọc sông Mekong. Ngoài ra, ĐBSCL có mặt tiền biển mạnh nhưng chưa khai thác hết tiềm năng. Cần xác định, đầu tư phát triển theo nhóm sản phẩm riêng như du lịch biển, du lịch đường sông, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái”, ông Hoan nói.

Bích Phương


Bài viết được đề xuất