Ngoài xe buýt hai tầng, xích lô hay buýt sông, khách nước ngoài đến TP HCM còn lựa chọn khác là tham gia tour Vespa cổ khám phá thành phố. – Du lịch
Anh Hoài Nam, sinh sống tại TP HCM, cho biết chiều 28/12 bắt gặp một đoàn chạy xe Vespa cổ, tài xế mặc áo đội nón màu cam nổi bật, di chuyển trên đoạn đường từ Trần Hưng Đạo đến đường Calmette, quận 1. Trên mỗi xe đều có một vị khách ngoại quốc ngồi sau, “gây tò mò” cho nhiều người di chuyển trên đường.
Anh Nam chia sẻ đây là lần đầu nhìn thấy đoàn đông chạy xe cổ chở khách nước ngoài trên đường phố Sài Gòn. Trước đây anh chỉ thấy xe xích lô chở du khách dạo phố nên loại hình du lịch bằng xe Vespa cổ lạ lẫm với anh.
Tài xế tại một đơn vị tổ chức tour Vespa cổ tại TP HCM chia sẻ tour thường có lịch trình vào các buổi trong ngày. Khung giờ thu hút khách quan tâm thường là tour buổi tối và mỗi công ty thiết kế chương trình riêng, đưa khách đến những điểm dừng tham quan, ăn uống khác nhau. Các hoạt động trong tour thường là đưa du khách dạo quanh các tuyến đường trung tâm tại qua quận 1, quận 3, trải nghiệm ẩm thực tại các quán ăn đường phố, quán núp hẻm hoặc nhà hàng sang trọng. Mỗi tour thường kéo dài 4 tiếng, giá dưới 2 triệu đồng mỗi khách.
“Ngoài trách nhiệm lái xe, tài xế trong tour cần chăm sóc du khách chu đáo như đội, tháo mũ bảo hiểm cho khách, trò chuyện và giới thiệu những nét đẹp của thành phố, gợi ý những món ăn, đồ uống địa phương”, tài xế tour Vespa cổ nói.
Đại diện Klook Việt Nam cho biết nền tảng thương mại điện tử về du lịch và trải nghiệm này đang cung cấp khoảng 16 chương trình tham quan bằng xe Vespa cổ ở 4 quốc gia gồm Việt Nam, Italy, Campuchia, Malaysia. Tại Việt Nam, có hai tour ở nội thành TP HCM giá 1,6 triệu đồng và tour từ Hà Nội đi Ninh Bình giá 1,7 triệu đồng. Chương trình tại Sài Gòn thường diễn ra vào buổi tối từ 17h30 đến 21h, đưa du khách đi qua những điểm du lịch nổi tiếng thành phố, đến những con hẻm nhỏ nơi phản ánh rõ nét cuộc sống người dân địa phương, trải nghiệm ẩm thực đường phố và thưởng thức bia tươi.
Ông Trần Tường Huy, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu du lịch xã hội, cho biết tour khám phá thành phố bằng xe Vespa cổ là loại hình du lịch không mới ở các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội hay Hội An. Tại TP HCM, tour Vespa cổ đầu tiên xuất hiện cách đây gần 20 năm. Vài năm gần đây, một số đơn vị tổ chức tăng độ nhận diện bằng cách sơn lại xe, đội nón bảo hiểm và mặc áo màu sắc, in logo nổi bật.
Tour vespa nằm trong nhóm city tour tại TP HCM, cùng với một số sản phẩm tương tự như tour xe buýt hai tầng, tour đêm quận 1, tour đường thủy nội đô, đưa du khách qua các khu vực trung tâm thành phố. Mỗi tour cho du khách trải nghiệm một loại phương tiện giao thông khác nhau. Tour Vespa cổ thu hút hầu hết khách inbound vì xe máy là “đặc sản” tại Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng. Khám phá thành phố bằng xe máy cho khách nước ngoài cảm nhận gần gũi hơn về nhịp sống của người dân địa phương.
“Những tour khám phá thành phố bằng phương tiện giao thông địa phương không phải chỉ có ở Việt Nam. Mỗi quốc gia có một loại hình du lịch tương ứng với phương tiện giao thông đặc trưng. Chẳng hạn, Thái Lan cũng có city tour di chuyển bằng xe tuk tuk cũng chủ yếu thu hút khách nước ngoài trải nghiệm”, ông Huy nói.
Theo ông Huy, tour sử dụng xe Vespa cổ xuất xứ từ Italy, khiến du khách nước ngoài, nhất là nhóm khách châu Âu “cảm thấy quen thuộc”. Giai đoạn 1960-1970, loại xe này xuất hiện nhiều trên đường phố các nước châu Âu, đến nay không còn nhiều. Vì thế khi qua Việt Nam, những vị khách Tây dễ tìm lại cảm giác gần gũi khi ngồi trên những chiếc xe này dạo quanh phố phường.
Ông Huy cho rằng tour khám phá thành phố bằng xe máy về cơ bản là là một loại hình du lịch trải nghiệm, đóng góp vào kinh tế du lịch thành phố. Để tour này phát triển và tránh cảnh bát nháo trên đường phố tại những đô thị vốn nhộn nhịp như TP HCM, nên có một số quy định về việc đỗ xe đón, chờ khách.
Bên cạnh loạt sản phẩm du lịch mới ra mắt, tour Vespa cổ vẫn âm thầm có chỗ đứng riêng tại TP HCM. Tháng 9, trang thông tấn của Ấn Độ Press Trust of India (PTI) có bài viết ca ngợi tour khám phá Sài Gòn bằng xe máy cổ, gọi đây là “hành trình đầy sống động”.
Bích Phương