Tại sao xăng máy bay xả trên trời không thành mưa xăng?

Ảnh: Aircraft Nerds

Để hạ cánh an toàn, máy bay phải nhẹ hơn so với lúc cất cánh. Điều này khá đơn giản khi máy bay đốt hàng trăm nghìn lít xăng suốt chuyến. – Du lịch

Tuy nhiên, trong các trường hợp đặc biệt phi công cần hạ cánh khẩn cấp và máy bay chưa giảm đủ trọng lượng tiêu chuẩn, việc xả bớt nhiên liệu trở thành ưu tiên hàng đầu. Hàng nghìn lít nhiên liệu sẽ được xả trực tiếp từ chiếc máy bay ngay trên bầu trời. Nhưng tại sao chúng ta chưa bao giờ thấy các thành phố bị phá hủy bởi cơn mưa xăng từ máy bay? Dưới đây là lý do.

Khi máy bay ở độ cao 1.500 m trở lên, nhiên liệu khi bị thải bỏ sẽ bốc hơi hoàn toàn. Các phi công chỉ cần đảm bảo không có máy bay nào ở gần có khả năng bị vướng vào dòng xăng từ vòi phun, và các hệ thống ngăn chặn nguy cơ thải hết toàn bộ nhiên liệu vẫn hoạt động. Một số máy bay có hệ thống phun nhiên liệu từ vòi phun trên cánh và có thể thải hàng nghìn lít nhiên liệu mỗi giây.

Ảnh: Aircraft Nerds

Ống xả nhiên liệu nằm trên cánh máy bay. Ảnh: Aircraft Nerds

Việc thải bỏ nhiên liệu không tạo nên những cơn mưa xăng xuống mặt đất nhưng hàng nghìn lít xăng đó cũng không biến mất hoàn toàn. Một phần sẽ lơ lửng trong bầu khí quyển, và một phần nhiên liệu bốc hơi còn lại sẽ ngấm xuống đất. Khi gió nổi lên, nhiên liệu bốc hơi thậm chí có thể bị gió cuốn tạo thành các mảng sương mù dày đặc.

Trong lịch sử đã có nhiều trường hợp phi công phải thải bỏ nguyên liệu khẩn cấp, ví dụ như chuyến bay mang số hiệu 89 của Delta Air Lines theo lịch trình từ Los Angeles, Mỹ đến Thượng Hải, Trung Quốc ngày 14/1 năm nay. Chiếc Boeing 777-200ER gặp sự cố ở động cơ ngay sau khi cất cánh và buộc phải quay lại sân bay.

Trên đường trở về, máy bay thải nhiên liệu xuống các khu vực đông dân cư tiếp giáp với thành phố Los Angeles. Máy bay đã hạ cánh an toàn, không có hành khách và phi hành đoàn bị thương nhưng ít nhất 56 người dân bị kích ứng da và phổi vì không khí sặc mùi xăng. Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) phải mở cuộc điều tra.

Chiếc máy bay của Delta Air Lines xả xăng từ tầm thấp xuống khu dân cư. Ảnh: AP

Chiếc máy bay của Delta Air Lines xả xăng từ tầm thấp xuống khu dân cư. Ảnh: AP

Một chuyến bay khác mang số hiệu 434 của Philippines Airlines gặp sự cố đáng tiếc vào ngày 11/12/1994 từ Cebu, Philippines đến Tokyo, Nhật Bản. Một quả bom nổ trên chiếc Boeing 747-283B, giết chết một hành khách và làm hỏng hệ thống điều khiển quan trọng, tạo ra một lỗ hổng dưới khoang chở hàng. Vụ đánh bom là một cuộc tấn công khủng bố Bojinka bất thành.

Cơ trưởng Eduardo “Ed” Reyes tắt chế độ lái tự động để tự điều khiển chiếc máy bay đang bị nghiêng sang phải, đồng thời thải bỏ nhiên liệu để giảm bớt sức ép lên bộ phận hạ cánh. Cơ trưởng kỳ cựu hạ cánh chiếc 747 hư hỏng nặng xuống sân bay Naha một giờ sau khi quả bom phát nổ, cứu sống 272 hành khách và 20 thành viên phi hành đoàn.

Thải bỏ nhiên liệu là biện pháp hiếm hoi được sử dụng trong trường hợp phi công cần hạ cánh khẩn cấp nhưng máy bay không kịp giảm đủ trọng lượng. Nếu có thời gian, máy bay có thể bay vòng quanh để đốt nhiên liệu, mở bánh trước hoặc cánh tà để đẩy nhanh quá trình này. Nhưng trong trường hợp thải bỏ xăng trực tiếp là cách duy nhất, nhiên liệu từ máy bay thường sẽ không gây nguy hiểm đến sức khoẻ con người.



Video: Joe Ogiba/YouTube

Bảo Châu (Theo Mental Floss)

Bài viết được đề xuất