Ấn Hoàng đế tôn thân chi
Bảo tàng Lịch sử quốc gia
Ấn đúc bằng chất liệu vàng 10 tuổi, tạo thành 2 cấp hình vuông, quai là tượng rồng uốn khúc, đầu vươn về phía trước, hai sừng dài, đuôi xòe 9 dải hình ngọn lửa, chân rồng 5 móng.
Hình rồng trên ấn Hoàng đế tôn thân chi bảo. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia)
Trong khi đó, hình thức của các kim ấn khác trong sưu tập bảo vật hoàng cung triều Nguyễn lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, đa phần có quai ấn là hình tượng rồng theo tư thế đứng hoặc quỳ, đầu thẳng hay quay lại lưng, sừng dài, lưng cong, đuôi cụp lại với 7 hay 9 tia xoè hình ngọn lửa.
Đây là một trong những ấn được vua Minh Mệnh sau khi lên ngôi, tiếp tục cho đúc thêm để bổ sung vào hệ thống ấn tín của hoàng đế và vương triều, đồng thời cũng cho ban hành nhiều quy định, thể lệ trong việc chế tác và sử dụng ấn chương.
Ấn ngọc Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ
Ấn ngọc Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ là ngọc tỷ quan trọng bậc nhất trong bộ sưu tập Bảo vật của triều Nguyễn hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Ấn ngọc được chạm khắc bằng loại đá ngọc màu trắng đục hay gọi là bạch ngọc. Mặt ấn gần vuông, giật hai cấp. Ấn cao 14,5 cm; cạnh 12,8 cm và 13,2 cm. Quai ấn chạm khắc hình tượng rồng cuộn, đầu ngẩng cao, chân 5 móng, đuôi xoắn.
Ấn ngọc Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia)
Theo sử cũ ghi chép lại, vào năm Thiệu Trị 6 (1846) có người dân làng dâng lên Vua một viên ngọc cực lớn, vốn là sản phẩm của núi ngọc huyện Hòa Điền vùng đất Quảng Nam.
Nhà vua vô cùng mừng rỡ liền sai quân Hữu tư giũa mài thành Ngọc tỷ, một năm sau thì xong. Đó chính là Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ.
Đây là Ngọc tỷ thứ ba của Vua Thiệu Trị, cũng là ngọc tỷ quý và lớn nhất trong sưu tập Bảo vật triều Nguyễn. Bản thân nhà Vua làm lễ Đại tự cho khắc chữ trên mặt ấn Ngọc tỷ này không chỉ dùng trong Đại lễ Tế Giao hàng năm ở Đàn Nam Giao (Kinh đô Huế) mà còn dùng đóng trên những bản sắc mệnh ban cho các chư hầu, những việc ban bố cho thiên hạ, được bảo vệ và quý trọng như Kim bảo truyền quốc Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo.
Ấn vàng Sắc mệnh chi bảo
Ấn được đúc năm Minh Mệnh thứ 8 (1827), cùng với các ấn Hoàng Đế tôn thân chi bảo, Khâm văn chi tỷ, Duệ Vũ chi tỷ, Trị lịch minh thời chi bảo. Năm chiếc ấn này được Bộ Lễ cùng Phủ Nội vụ, ty Vũ khố nhận chỉ dụ đúc từ bằng vàng 10 tuổi.
Sắc Mệnh chi bảo có quai là tượng rồng ngồi, đầu vươn về phía trước, hai sừng dài, đuôi xòe 9 dải hình ngọn lửa, chân rồng 5 móng. Trên lưng ấn khắc 2 dòng chữ Hán: “Thập tuế kim trọng nhị bách nhị thập tam lượng lục tiền” (vàng 10 tuổi, nặng 223 lạng 6 tiền) và “Minh Mệnh bát niên thập nguyệt cát nhật tạo” (đúc vào ngày lành, tháng 10, năm Minh Mệnh thứ 8).
Ấn vàng Sắc mệnh chi bảo. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia)
Ấn vàng Sắc Mệnh chi bảo có vị trí đặc biệt quan trọng trong thiết chế quân chủ phong kiến triều Nguyễn. Đây là biểu trưng quyền lực của triều đình nhà Nguyễn, dùng để đóng trên các loại sắc phong của vương triều. Mỗi hình dấu của ấn trên văn bản được coi là một văn bản hoàn chỉnh và trung thực nhất.
Quả chuông chùa Vân Bản
Chuông chùa Vân Bản là một cổ vật độc bản, có niên đại thời Trần gắn với chùa Vân Bản, với tháp Tường Long xây dựng từ thời Lý ở vùng Đồ Sơn (Hải Phòng).
Quai rồng trên chuông. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia)
Chuông có quai rồng đúc nổi, băng cánh sen trên các núm gõ và vành miệng, cánh to xen cánh nhỏ, phản ánh đặc trưng nghệ thuật Phật giáo thời Trần. Chuông có bài minh văn là sử liệu văn bản quý đóng góp cho việc nghiên cứu lịch sử, chức danh và Phật giáo ở thời Trần.
Chuông có hình trụ cao, miệng loe. Quai chuông là kiểu cấu trúc rồng đôi đấu lưng vào nhau giống như nhiều quả chuông thời Lê. Nhưng hình rồng có tư thế và hình thể tương tự rồng trên quai chuông chùa Bình Lâm thời Trần ở huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Hàng vây trên lưng rồng nhô cao, đầu ngẩng lên, bờm cuộn hình ngọn núi, lưỡi cuốn lại 3 vòng, miệng há rộng lộ hàm răng đều đặn. Chỏm quai chuông đúc hình búp sen, thân rồng mập, trang trí vẩy cá chép.
Chuông hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam.
Bia Sùng Thiện Diên Linh
Bia Sùng Thiện Diên Linh có niên đại vào năm Thiên Phù Duệ Vũ thứ 2 (1121), ca ngợi Phật Thích Ca và giáo lý sâu sắc huyền diệu của đạo Phật; ca ngợi vua Lý Nhân Tông, thái úy Lý Thường Kiệt và ghi lại quá trình xây dựng bia.
Hai mặt bia trang trí đăng đối đôi rồng chầu vào tên bia, kéo dài thể hiện theo lối nhìn nghiêng, đầu rồng ngước lên cao. Thân rồng cuộn khúc uốn lượn thuôn dần đến cuối đuôi trùng khít với phần diềm của trán bia. Mình rồng tròn trơn uốn lượn mềm mại hình sin, các khúc uốn lượn phình to nhưng co lại gần nhau, đều đặn thon dần về đuôi. Rồng có ba chân đạp mây vươn về phía trước, mỗi chân đều có khuỷu và ba móng. Chung quanh rồng tạo thành những dải mây hình lửa đan xen quanh chân rồng. Trên lưng rồng lớn là một con rồng chầu nhỏ uốn lượn nằm trên bốn khúc lượn của rồng lớn, tạo nên một đôi rồng ổ (mẫu tử). Phía dưới phần tiếp giáp với đôi rồng tạo một đường băng hoa văn đối xứng nhau, được trang trí hình lá đề cách điệu, thành dạng dấu hỏi. Diềm trên trán bia hình vòng cung chạm khắc các con rồng nối tiếp nhau. Diềm dưới của trán bia hình chữ nhật cũng chạm các con rồng nối tiếp nhau, nhưng đáng chú ý là khoảng giữa có một ô trang trí lá đề.
Diềm bên của thân bia cũng được trang trí khá công phu tỉ mỉ với những con rồng nhỏ, thân mảnh, dàn đều trong khoảng rộng của diềm bia. Phần đuôi rồng uốn lượn hình sin thu dần về cuối đuôi. Đầu rồng ở diềm bia hai bên đều ở tư thế vươn lên phía trên hướng về trán bia.
Bia hiện đang được lưu giữ tại chùa Long Đọi Sơn xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.
Cây hương chùa Tứ Kỳ
Cây hương chùa Tứ Kỳ được phát hiện tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. Cây hương làm bằng đá, cao 2,7m, có niên đại thời Lê Trung Hưng (năm 1666).
Cây hương được dựng tại chùa Tứ Kỳ, tên chữ là Linh Tiên tự (chùa Linh Tiên) thuộc thôn Tứ Kỳ, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay thuộc phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội).
Khi phát hiện, cây hương nằm trên một gò đất nhỏ, chung quanh chỉ còn lại một vài vỉa gạch đổ nát. Năm 1959, cây hương được chuyển về trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia).
Cây hương chùa Tứ Kỳ. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia)
Bên cạnh những trang trí mang đặc trưng nghệ thuật thời Lê Trung Hưng qua các họa tiết: rồng, mây lửa, đao mác…, với các đề tài chủ yếu là linh vật và hoa lá thiêng, cây hương còn có đôi rồng chầu mặt trời trên đỉnh cột được tạo hình nổi khối. Thân rồng được thể hiện chắc khỏe, quấn vào nhau, 4 móng sắc nhọn. Đây là một tác phẩm chưa từng thấy trên các di vật điêu khắc đá cùng thời; hoặc hình ảnh rồng đuôi cá tạo sự liên tưởng đến câu chuyện dân gian cá chép hóa rồng (cá hóa long) nói lên ước vọng phát triển của người Việt.
Bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc
Bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc Tự là hiện vật gốc độc bản; thời Lý, có niên đại năm 1007. Những sự kiện được ghi lại trên bia đá liên quan tới nhân vật lịch sử Thái phó Hà Hưng Tông là người có công trong việc dựng bia và có tên trong sử sách. Thông qua các mối quan hệ của dòng họ này với triều đình nhà Lý có thể thấy được những sự kiện quan trọng trong chính sách đối nội của triều Lý đối với vùng biên giới.
Các vua thời Lý đã gả công chúa cho châu mục người dân tộc thiểu số, phong chức tước, kết làm anh em… để thu phục họ. Ràng buộc bằng danh lợi và hôn nhân là biện pháp chính trị khôn khéo giúp triều đình nhà Lý củng cố chính quyền quân chủ Đại Việt ở các vùng biên ải xa xôi.
Trán bia khắc dòng chữ lớn “Bảo Ninh Sùng Phúc tự bi”. Hai góc của trán bia khắc hình 2 con rồng với đặc trưng nổi bật của rồng thời Lý. Thân rồng hình tròn trịa có nhiều khúc uốn lượn, thân dài và nhỏ dần về phía đuôi, rồng uốn khúc nhẹ nhàng thanh thoát với nhiều hình tròn được nối với nhau thành một chuỗi dài liên tiếp. Đầu rồng cân đối với thân rồng và có bờm khá dài ở sau gáy. Hai con rồng chầu hai bên trán bia đều ở tư thế nhìn nghiêng và giống hệt nhau cả về kích thước cũng như kiểu dáng. Làm nền cho hình tượng rồng là các hoa văn hình vân mây và một số hoa văn hình chữ S, biểu hiện ý niệm về mây mưa, sấm chớp với mong muốn mưa thuận gió hoà, nhân tố thiết yếu đối với nền kinh tế nông nghiệp. Hình tượng con rồng cũng phản ánh ý thức sùng bái tổ tiên của người Việt (truyền thuyết con rồng, cháu tiên).
Bia hiện đang được lưu giữ tại Chùa Bảo Ninh Sùng Phúc, xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang.
Rồng đá – Xà thần
Rồng đá tại Đền thờ Lê Văn Thịnh, hay còn gọi là Xà thần, là hiện vật độc bản, được thể hiện độc đáo “nửa rồng nửa rắn”, có kích thước và trọng lượng rất lớn, mang các đặc trưng của nghệ thuật thời Lý.
Hiện vật có giá trị đặc biệt liên quan đến Lê Văn Thịnh, danh nhân tiêu biểu trong lịch sử dân tộc. Ông là Thủ khoa khai khoa của nền khoa bảng Hán học; đồng thời còn là bậc đại thần có công lao to lớn với vương triều Lý.
Xà thần được tạc bằng khối đá sa thạch màu xanh xám. Thân xà thần hình tròn không liền nhau mà được chia thành 2 phần chéo cuộn vào nhau khá cân đối. Phần thân đầu nằm phía dưới, qua đoạn giao cắt với thân trên thì đầu rồng vươn lên uốn cong rồi cúi xuống ngậm vào phần thân đuôi phía trên. Vết đứt của hai phần thân rồng khá phẳng, gọn, cho cảm giác đây là chủ định của tác giả chứ không phải là phần đứt gẫy bị mất chưa tìm thấy.
Toàn thân linh vật được bao phủ một lớp vảy tựa như vảy rồng. Đầu xà thần không râu, không bờm, không mào, lỗ mũi nhỏ, hai mang phình; miệng há rộng với hàm răng 12 chiếc dài, sắc nhọn. Đôi mắt xà thần tròn, lồi ra ngoài, hai vành tai nổi lên hai bên đầu phía trên mang. Tai bên phải đặc, tai trái có một lỗ nhỏ khá sâu. Chân xà thần khuỳnh rộng sang hai bên với những móng vuốt nhọn hoắt, gân guốc, mỗi chân xòe rộng năm ngón bấu chặt vào phần thân đuôi.
Phần thân đuôi có một hàng vây lớn chạy dọc sống lưng, phía cuối đuôi uốn cong hình xoắn ốc như muốn vận công lực bẻ quặt đuôi lên phía trước để ghì chặt lấy phần thân đầu phía dưới. Tuy không phức tạp như rồng nhưng nghệ thuật tạo tác vẫn thể hiện kỹ, tinh xảo, khối hình nuột khỏe, dáng vẻ và tư thế của xà thần hết sức sống động.
Hiện vật được lưu giữ tại Đền thờ Lê Văn Thịnh, thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.
Bậc thềm rồng điện Kính Thiên
Đây là phần còn sót lại của điện Kính Thiên, di tích quan trọng bậc nhất trong khu di tích Hoàng thành Thăng Long.
Bậc thềm rồng điện Kính Thiên.
Theo “Đại Việt Sử ký toàn thư”, điện Kính Thiên được xây dựng năm 1428 đời Vua Lê Thái Tổ và hoàn thiện vào đời Vua Lê Thánh Tông. Điện Kính Thiên được xây dựng trên núi Nùng, ngay trên nền cũ của cung Càn Nguyên – Thiên An thời Lý, Trần. Năm 1886, điện Kính Thiên bị phá hủy, hiện nay chỉ còn di tích thềm bậc và nền điện (trong khu Thành cổ Hà Nội ngày nay).
Mặt trước, hướng chính nam của điện Kính Thiên là thềm điện xây bằng những phiến đá hộp lớn gồm 10 bậc có 4 rồng đá chia thành 3 lối lên đều nhau tạo thành Thềm Rồng. Thềm bậc có kích thước: ngang 13,7 m, dọc 4,45 m, cao 2,1m với đôi rồng đá khắc chạm năm 1467 là những bộ phận điêu khắc bằng đá còn tương đối nguyên vẹn.
Rồng đá điện Kính Thiên là một di sản kiến trúc nghệ thuật tuyệt tác, tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc thời Lê sơ. Được chạm trổ bằng đá xanh, rồng đá có đầu nhô cao, đầu to, mắt tròn lồi, sừng dài có nhánh, bờm lượn ra sau. Thân rồng uốn lượn mềm mại thành nhiều vòng cung, nhỏ dần về phía nền điện, trên lưng có đường vây dài nhấp nhô như vân mây, tia lửa.
Phía bắc của nền Điện Kính Thiên còn có một thềm 7 bậc lên xuống nhỏ hơn so với bậc thềm chính ở phía nam. Hai bên bậc thềm có 2 rồng đá mang niên đại Lê Trung Hưng (thế kỷ 17-18), rồng dài 3,4m; uốn 7 khúc, thân có vẩy, lưng như hàng vây cá, chân rồng 5 móng… Hai bên lan can trang trí hoa sen, sóng nước, đao, lửa, vân mây…
Đôi rồng trong bộ thành bậc thời Lê Trung hưng cũng “đi” từ trên xuống với dáng cứng cáp, thân rồng vẫn uốn bảy khúc, có nhiều mào lửa, nhưng các khúc đuôi dãn ra hơn. Dưới thân rồng chạm các hình cá hóa long, chim phượng, hoa sen trên nền các cụm mây. Cả hai bộ thành bậc tạc rồng ở điện Kính Thiên mang giá trị nghệ thuật điêu khắc đá đặc sắc và độc nhất.
Đây cũng là một “di tích kép” mang các giá trị lịch sử – văn hóa từ thời trung đại và cả những giá trị lịch sử thời hiện đại. Trên nền cũ cung điện xưa là phòng họp của Tổng hành dinh thời kháng chiến chống Mỹ. “Nhà con rồng” đã ghi dấu nhiều quyết định lịch sử từ cấp cao nhất.
Đầu rồng thời Trần
Đầu rồng thời Trần được khai quật tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Đó là khối tượng tròn bằng đất nung khá lớn và nguyên vẹn, là một chi tiết quan trọng trang trí trên bộ mái các kiến trúc thời Lý, Trần, được đặt ở vị trí “con Kìm” (đỉnh đầu hồi của công trình) với hàm ý tâm linh cầu cho công trình tránh được hỏa hoạn.
Đầu rồng thời Trần. (Ảnh: VƯƠNG ANH)
Đầu rồng cao khoảng 60cm, thể hiện rồng như đang “bay”, bờm và mào hướng ra sau, miệng ngậm ngọc báu, mũi và môi trên biến thành mào lửa hình chữ S, răng nanh dài và uốn cong cùng theo mào lửa, lưỡi nhỏ dài bao ngoài ngọc báu và cũng uốn theo mào lửa rất sinh động…
Bảo vật này giúp các nhà nghiên cứu nhận diện bộ mái kiến trúc thời Lý, Trần, cũng minh chứng sự kế thừa và tiếp nối trong những chuyển biến nghệ thuật thời Trần so với nghệ thuật thời Lý. Hiện tại, hiện vật đang được lưu giữ và trưng bày tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long.
Bát sứ thấu quang thời Lê sơ
Hai chiếc bát sứ “ngự dụng” (đồ dùng của vua) thời Lê sơ có men trắng, rất nhẹ và thấu quang đã được công nhận Bảo vật quốc gia năm 2021. Trong lòng bát “in khuôn” nổi hai hình rồng chân có năm móng sắc nhọn nối đuôi (đuổi) nhau theo chiều kim đồng hồ. Hình rồng năm móng là biểu tượng cho quyền lực tối cao của nhà vua, khẳng định chắc chắn đây là đồ “ngự dụng”.
Bát sứ thấu quang thời Lê sơ. (Ảnh: VƯƠNG ANH)
Nếu so sánh thì những đồ gốm sứ “thường dụng” được làm để vua ban cho những người trong hoàng tộc hoặc tặng những người được đặc biệt ưu ái khác cũng được vẽ hình rồng nhưng chỉ có bốn móng. Hai chiếc bát bảo vật là bằng chứng thuyết phục về tài năng và trình độ chế tác đồ sứ rất cao của các nghệ nhân thời đó.
Cửa chạm rồng chùa Keo
Bộ cửa hai cánh chạm rồng của chùa Keo (Thái Bình) được coi là kiệt tác nghệ thuật chạm khắc gỗ thế kỷ 17. Đây là hai cánh cửa chính của tam quan nội chùa keo, được tạo từ hai cánh hình chữ nhật, mỗi cánh được ghép từ 4 miếng gỗ nhỏ. Mỗi cánh cửa lại chạm một rồng lớn, một rồng nhỏ và một nghê nhỏ, lẩn khuất trong rừng mây được chạm nổi cách điệu vươn lên theo chiều thẳng đứng, cực kỳ tinh xảo, tạo nên nhiều lớp không gian có chiều sâu.
Cửa chạm rồng chùa Keo được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. (Ảnh: TUYẾT LOAN)
Bộ cửa có giá trị nghệ thuật tiêu biểu cho hình thức chạm khắc trang trí cửa của các di tích kiến trúc nghệ thuật thế kỷ 17, còn khá nguyên vẹn và hoàn chỉnh.
Bộ cửa hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Rồng đá ở Khu di tích Cổ Loa
Cặp rồng đá thành bậc đền Thượng Cổ Loa được coi là tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc thời Lê Trung Hưng đầu thế kỷ 18.
Cặp rồng đá vuốt râu ở đền Thượng Cổ Loa. (Ảnh: Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội)
Đôi rồng được chạm từ đá nguyên khối, với hoa văn và cấu trúc tương đối giống nhau hai bên. Đôi rồng được chạm ở tư thế vận động từ trên xuống dưới theo chiều dọc của thành bậc. Đầu rồng ngẩng cao, trán dô, má hóp, mũi sư tử, mắt tròn, tai thú, đôi sừng có nhánh dài, chạm tới cả khúc thân thứ nhất, miệng rộng ngậm ngọc, lưỡi ngắn, nanh nhọn, viền chung quanh hàm dưới trang trí họa tiết dải mây xoắn nhỏ, râu mép uốn lượn trải dài từ mắt tới thân, lượn sóng bay về phía sau gáy. Điểm đặc biệt nhất là đôi rồng được chạm khắc ở tư thế tay vuốt râu.
Tuyết Loan
Nguồn: Báo Nhân Dân