Du khách có xu hướng đăng kí tour du lịch nước ngoài nhiều hơn sau giá vé máy bay tăng giá từ tháng 3.
Tác động đến kích cầu du lịch nội địa
Dịp lễ 30/4 và 1/5, gia đình chị Ngô Thị Duyên, ngụ ở thành
phố Thủ Đức, dự định đi du lịch Hà Nội. Tuy nhiên, sau khi tham khảo giá
vé máy bay dịp lễ trên các trang web của hãng, chị thấy giá vé đang ở
mức cao. Cụ thể, giá vé bay ngày 26 – 27/4 dao động từ 3,4 – 5,4 triệu
đồng/khứ hồi. Nếu chọn đi du lịch bằng máy bay, cả nhà sẽ phải mất chi
phí từ 13 – 21 triệu đồng, chưa kể các chi phí khách sạn, ăn ở… Với mức
giá này, so với thu nhập của hai vợ chồng sẽ là quá cao nên chị Duyên
đã quyết định chọn nghỉ lễ dịp 30/4 và 1/5 tại TP Hồ Chí Minh hoặc sẽ đi
các tỉnh lân cận như Bình Dương, Tây Ninh… bằng đường bộ.
Du khách du lịch bằng đường hàng không giảm sút sau khi giá vé máy bay được điều chỉnh tăng từ tháng 3.
Theo đại diện các công ty lữ hành tại TP
Hồ Chí Minh, việc các hãng hàng không tăng giá vé là một trong những
nguyên nhân khiến lượng khách nội địa sụt giảm. Theo đó, nhiều người đã
quyết định chọn đi nước ngoài nhiều hơn chọn tour trong nước do giá tour
nước ngoài rẻ hơn. Ví dụ, tour du lịch khởi hành từ TP Hồ Chí Minh đi
các tỉnh Đông Bắc, Tây Bắc 5 ngày 4 đêm dịp lễ 30/4 và 1/5 đang có giá
10,5 triệu đồng/người; hoặc 6 ngày 5 đêm có giá từ 11 – 14,5 triệu
đồng/người. Trong khi, tour du lịch từ TP Hồ Chí Minh đi Thái Lan đang
có giá khuyến mãi trọn gói 5 ngày 4 đêm, nghỉ khách sạn 4 sao, chỉ dao
động từ 6 -7 triệu đồng/người. Sở dĩ du lịch Thái Lan rẻ là do các hãng
hàng không Thái thường có chương trình liên kết với doanh nghiệp lữ hành
để có giá tour cạnh tranh nhất cho du khách. Còn tại Việt Nam, các
ngành hàng không, du lịch và điểm đến vẫn chưa liên kết với nhau, vẫn
còn tình trạng mạnh ai người đó làm.
Bà Trần Phương Linh, Giám đốc Tiếp thị –
Công nghệ thông tin BenThanh Touris, cho biết, hiện các tour nội địa sử
dụng dịch vụ hàng không tăng gần 30% so với thời điểm trước ngày 1/3.
Trong khi đó, tour đến các thị trường gần như Thái Lan, Malaysia,
Singapore… vẫn không thay đổi, thậm chí giá rẻ hơn nên rất nhiều du
khách có xu hướng lựa chọn du lịch nước ngoài thay cho du lịch trong
nước.
Ngành du lịch TP Hồ Chí Minh tổ chức lễ đón khách nước ngoài “xông đất” dịp đầu năm mới 2024.
Bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Tiếp thị
Truyền thông, Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cũng nhận
định, việc tăng giá trần vé máy bay từ 1/3 đã khiến mảng du lịch nội địa
bị ảnh hưởng. Xét về lâu dài, giá vé máy bay cao còn ảnh hưởng đến sự
phục hồi của ngành du lịch nội địa trong năm 2024. Bởi theo tính toán,
giá vé máy bay chiếm khoảng 30 – 40% trong cơ cấu giá tour trọn gói. Vì
vậy, nếu giá máy bay không điều chỉnh phù hợp, thì chắc chắn giá tour
trong nước sẽ tăng từ 10 – 15% trong năm 2024.
Ngoài ra, theo các công ty lữ hành
khác, giá vé máy bay tăng còn ảnh hưởng đến việc định vị lại thị trường
du lịch trong giai đoạn phục hồi của ngành du lịch Việt Nam hiện nay. Cụ
thể, giá vé máy bay sẽ khiến các điểm đến, nhà hàng, khách sạn… cũng
bị ảnh hưởng vì thiếu vắng khách.
Chuyển đổi để thích ứng
Theo các doanh nghiệp lữ hành, thực tế
sau khi giá vé máy bay tăng đã xuất hiện xu hướng du lịch tự túc bằng ô
tô, không đăng ký mua tour, khiến doanh nghiệp lữ hành cũng thất thu. Vì
vậy, nhiều doanh nghiệp đã tìm cách ứng phó bằng cách khuyến khích
khách hàng đặt tour sớm, không chọn giờ bay đẹp, chuyển sang dịch vụ di
chuyển bằng tàu hỏa, xe ô tô…
Bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội
Du lịch TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Du lịch Việt Nam cho biết,
du lịch nội địa đang bị cạnh tranh từ giá cả, chất lượng sản phẩm, dịch
vụ… với du lịch các nước. Để ứng phó với giá vé máy bay tăng, các
doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ đang xoay trở xây dựng tour tuyến mới theo
hướng tăng tour đi bằng xe chất lượng cao ở những chặng ngắn; kết hợp
đi máy bay và tàu hỏa, ô tô…
“Hiện nay, TP Hồ Chí Minh có rất nhiều
doanh nghiệp linh hoạt bằng cách đẩy mạnh tour chặng ngắn từ TP Hồ Chí
Minh tới các điểm đến trong khu vực Đông Nam Bộ như Tây Ninh, các tỉnh
đồng bằng sông Cửu Long, Phan Thiết, Nha Trang, Phú Yên. Cùng với ô tô,
tour kết hợp đi tàu lửa, về máy bay hoặc ngược lại thêm sự lựa chọn cho
du khách, vừa tiết giảm chi phí. Hiện Hiệp hội đang phối hợp với các địa
phương như Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai… xây dựng thêm nhiều tour
đường bộ hấp dẫn để thu hút khách”, bà Nguyễn Thị Khánh cho biết.
Du khách TP Hồ Chí Minh tham quan tại một điểm du lịch của tỉnh Hà Giang.
Tương tự, theo ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám
đốc truyền thông và marketing Công ty TSTtourist, trong bối cảnh hàng
loạt tuyến cao tốc Bắc – Nam đã hoàn thiện, các doanh nghiệp lữ hành nên
tận dụng đưa vào khai thác, “vẽ lại bản đồ” du lịch nội địa. Ngoài ra,
khi đa dạng hóa loại hình du lịch sẽ giúp chi phí tour trọn gói giảm,
đồng thời còn tạo sự hấp dẫn cho hành trình tham quan của du khách khi
gắn kết giữa đường bộ, tàu hỏa – loại hình vận chuyển yêu thích của du
khách quốc tế để ngắm cảnh khi đi hành trình dài, từ đó có thể ngắm
nhiều vùng địa hình khác nhau gồm: đồng bằng, cao nguyên, biển…
“Về lâu dài, hệ lụy của việc tăng giá vé
máy bay không chỉ ảnh hưởng đến người Việt Nam đi du lịch trong nước,
mà còn khiến cho việc hút khách nước ngoài vào Việt Nam kém cạnh tranh
hơn so với các nước. Bởi đa phần, du khách nước ngoài vào Việt Nam
thường đi dài ngày và di chuyển tới nhiều tỉnh, thành tại Việt Nam. Do
đó, giá vé máy bay tăng khiến chi phí du lịch của du khách cũng bị đội
lên, điều này sẽ làm cho du khách nước ngoài cân nhắn nên đến Việt Nam
hay đi du lịch các nước khác để có chi phí tối ưu nhất”, ông Nguyễn Minh
Mẫn phân tích.
Du khách mua tour du lịch tại Ngày hội Du lịch TP Hồ Chí Minh lần thứ 20.
Thực tế, việc vận chuyển bằng hàng không
của Việt Nam luôn bị khách du lịch phàn nàn nhiều vì giá tăng bất
thường, đặt chỗ rất khó, nhất là vào cao điểm cuối năm, mùa lễ, Tết, mùa
du lịch hè…; tình trạng chậm, hủy chuyến, đổi giờ bay sớm diễn ra
thường xuyên. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, về lâu dài, ngành hàng
không và du lịch nên tính chuyện làm ăn lâu dài với nhau, từ đó tránh
tình trạng khó khăn cho du khách.
Tuy nhiên, để làm được điều này cần có
sự tham gia của Chính phủ với tư cách điều phối giá vé làm sao không quá
thấp so với giá sàn. Bởi nhìn sang du lịch Thái Lan, ngành này đang
nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ “nhạc trưởng” là Tổng cục Du lịch làm đầu
mối liên kết giữa hàng không với du lịch, giúp giảm giá vé máy bay và
tour cho khách. Bù lại, ngành du lịch thu lại nguồn thu từ việc chi tiêu
của du khách khi đến Thái Lan quanh năm. Cách làm này ngành du lịch
Việt Nam cũng nên học hỏi để có thể giữ chân du khách nước ngoài lâu
hơn.
Nguồn: Báo Tin tức