Người mẹ Dao đưa con 4 tuổi đi phượt khắp đất nước

Người phụ nữ mê phượt Dương Thị Kim Cảnh đưa con trai đi xuyên Việt bằng xe máy từ khi cậu bé mới 18 tháng. – Du lịch

Giàng – tên gọi ở nhà của cậu bé 4 tuổi Dương Phúc Bảo, người Dao – đến nay đã được đi hết 63 tỉnh thành, 4 cực Đông – Tây – Nam – Bắc của đất nước. Cậu bé có “thâm niên” đi phượt xe máy cùng mẹ từ lúc 18 tháng. Chị Cảnh, người dân tộc Dao, làm nghề bán thuốc nam ở Thái Nguyên, duy trì 3-4 chuyến phượt dài mỗi năm cùng con. Chuyến ngắn nhất tầm 5 ngày, còn lại khoảng 10 – 15 ngày. Chị Cảnh thường chọn đi xe máy, sau đó về lại bằng xe khách hoặc đi máy bay.

Từ cung đường Đông – Tây Bắc, xuôi xuống miền Trung rồi lên đến Tây Nguyên, hai mẹ con đều đã đặt chân đến. Những năm gần đây, chị ưu tiên cho con đến các tỉnh thành có đồng bào người Dao sinh sống, những di tích lịch sử nổi tiếng để con được giao tiếp với người Dao ở khắp nơi.

Hai mẹ con check in đèo Lò Xo, Lâm Đồng, năm 2022. Ảnh: Kim Cảnh

Hai mẹ con check in đèo Lò Xo, Kon Tum, năm 2022. Ảnh: Kim Cảnh

Gần đây nhất, tháng 4/2024, chị Cảnh đưa con đi thăm các bản làng người Dao ở Tây Nguyên, đến nhà lưu niệm anh hùng Núp ở Gia Lai, rồi ghé di tích Du kích Ba Tơ; khu chứng tích Sơn Mỹ, Quảng Ngãi. Từ đây, chị ra thành cổ Quảng Trị, Làng sen quê Bác ở Nghệ An để cùng con khơi gợi niềm tự hào dân tộc.

“Tôi là người rất yêu lịch sử Việt, yêu chiến công hiển hách của các trận đánh. Tôi mong con cũng có lòng yêu nước nồng nàn như vậy”, chị Cảnh nói.

Chị Cảnh cho biết lúc nào Giàng cũng háo hức di chuyển khắp nơi cùng mẹ. Cậu bé chưa bao giờ mè nheo, mệt mỏi hay ủ rũ. Giàng cũng không chịu ngồi sau yên mẹ vì cho rằng lưng mẹ to quá, em không nhìn thấy được gì. Giàng muốn ngồi đằng trước để quan sát cảnh đẹp, thiên nhiên hùng vĩ dọc đường đi. “Chỉ khi nào trời mưa quá, em mới đồng ý nép sau lưng mẹ”, chị Cảnh cho biết.

Mỗi lần đi chơi, chị Cảnh thường tíu tít nói chuyện với con bằng tiếng Dao. Cứ chạy xe khoảng 1 tiếng rưỡi đến gần 2 tiếng, chị sẽ dừng lại để hai mẹ con bắt đầu chơi hay đi tham quan các điểm dừng.

Chị thấy “rất khỏe” khi đi du lịch cùng con. Giàng tự lập mọi thứ từ ăn uống, đi vệ sinh, tự thay quần áo. Khi trời lạnh quá, phải mặc áo len dày, em mới nhờ đến mẹ vì không thể tự cởi áo.

Cậu bé cũng có sức khỏe tốt. “Có lẽ nhờ đi chơi cùng mẹ, con có sức đề kháng cao”, người mẹ nói. Thời tiết lạnh giá ở Sa Pa không làm con ốm. Con cũng “không ho hen” khi đi Huế, Quảng Trị, Quảng Nam. “Tôi thấy như thế là thành công vì đã giúp cho con trải nghiệm mọi thời tiết”, chị Cảnh nói.

Hai mẹ con check in đèo Lò Xo, Lâm Đồng, năm 2022. Ảnh: Kim Cảnh

Hai mẹ con cắm trại tại Sam Chiêm – Bắc Kạn, tháng 3/2022. Ảnh: Kim Cảnh

Những chuyến đi để lại nhiều kỷ niệm đáng nhớ cho hai mẹ con. Tháng 2/2022, khi chị Cảnh từ Điện Biên xuống Sa Pa, nhiệt độ giảm từ 6 độ xuống 0 độ C, khiến họ “chạy xe trong run rẩy”. Sau đó, trên đường từ Sa Pa đến Lào Cai, trời chuyển mưa kín lối. Thấy người dân đốt lửa, chị tạt xe vào xin cho con sưởi ấm ké.

Có lần, chị Cảnh cõng con khi đó mới 18 tháng tuổi leo đỉnh Chiêu Lầu Thi ở Hà Giang dưới cái lạnh 6-7 độ C. Giữa đường, chị bị tụt huyết áp, trong khi con khóc. Nhưng chị chỉ dừng lại lấy bánh kẹo ra ăn cho lại sức, dỗ dành con rồi lại đi tiếp.

Trong chuyến đi hồi tháng 4, xe của họ bị hết xăng khi đi qua rừng quốc gia Kon Tum. Đường vắng, không có điện hay sóng điện thoại. Chị Cảnh và con đứng chờ nửa tiếng mới gặp được anh kiểm lâm đi tuần rừng. Chị lấy hai chiếc khăn rằn trong balo buộc vào xe để anh kéo ra ngoài đường lớn cách đó 14 km đổ xăng.

Phượt với mẹ “vất vả” nhưng lâu lâu không đi, Giàng lại hỏi: “Khi nào mình đi tiếp hả mẹ”?

Bà mẹ có hơn 10 năm đi phượt cho biết sẽ tiếp tục đưa con đến những vùng có người Dao trước khi Giàng vào lớp 1. Chị mường tượng khi học đến bài Rừng Xà Nu, con sẽ thốt lên “tớ biết nơi này rồi, mẹ từng cho tớ đi”. Hay học tới biển Cửa Tùng, con cũng dễ dàng so sánh bài viết trong sách giáo khoa và thực tế. Giàng cũng biết tới dãy Trường Sơn, nơi nào có biển, ở đâu có rừng.

Theo chị, nếu muốn đi phượt cùng con, bố mẹ phải có kinh nghiệm đi, hiểu biết những vùng đất mà mình sẽ đến, phải tìm hiểu và lường trước những điều rủi ro dọc đường. Bố mẹ nên đảm bảo con mình khỏe mạnh, theo dõi xem con có gặp rủi ro nào về sức khỏe. Nếu con mệt mỏi, bố mẹ nên dừng hành trình ngay.

Chị cũng từng bị lạc con trong chốc lát vì sự hiếu động của Giàng. Nhưng người mẹ Dao luôn cảm thấy hạnh phúc sau mỗi chuyến đi. “Giàng biết rất nhiều thứ mới lạ mà nhiều bạn cùng quê chỉ biết qua hình ảnh hoặc trên tivi, điện thoại”, chị Cảnh nói.

An Vy


Bài viết được đề xuất