Trong bảng xếp hạng của WEF, các quốc gia có điểm số cao về phát triển du lịch sở hữu hạ tầng tốt, nhiều tài nguyên và tính bền vững, chủ yếu ở châu Âu. – Du lịch
Theo số liệu từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố cuối tháng 5, 10/119 điểm đến toàn cầu có điểm số du lịch cao nhất theo thứ tự gồm Mỹ, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Pháp, Australia, Đức, Anh, Trung Quốc, Italy, Thụy Sĩ.
Mỹ là quốc gia dẫn đầu thế giới về chỉ số phát triển du lịch và lữ hành 2024 với tổng điểm 5,24 (thang 7 điểm). Theo WEF, Mỹ là thị trường du lịch “trưởng thành” khi nước này đã có sẵn cơ sở hạ tầng để chào đón du khách như đường hàng không kết nối mọi nơi trên thế giới; các điểm đến trong nước đều có hướng dẫn viên du lịch địa phương, xe cho thuê, phòng khách sạn, bản đồ để hỗ trợ khách du lịch. Ngoài ra, vị trí của Mỹ trên trường quốc tế cũng là điểm mạnh giúp quốc gia này trở nên nổi bật. Diện tích của Mỹ rộng lớn, sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên độc đáo, từ các vườn quốc gia đến các thành phố lớn, nhiều bãi biển đẹp và dịch vụ du lịch đầy đủ.
Thứ hạng được xác định dựa trên nhiều tiêu chí như cơ sở hạ tầng, tài nguyên thiên nhiên, tính bền vững, nguồn lao động sẵn có, giá cả cạnh tranh. Bên cạnh những tiêu chí sẵn có, WEF cũng đánh giá cao vào các hoạt động kinh doanh của khách sạn, sân bay, điểm tham quan, hãng hàng không.
Trong số 10 quốc gia dẫn đầu, châu Âu có 6 nước và Tây Ban Nha xếp vị trí cao nhất (thứ 2) với tổng điểm đạt 5,18. WEF nhận xét châu Âu là “một điểm đến linh hoạt với luồng du lịch nội khối mạnh mẽ” và đánh giá cao khả năng vận chuyển bằng đường sắt của lục địa này. Nền kinh tế mạnh, vị thế tốt của đồng euro và bảng Anh, khả năng người châu Âu đi du lịch nhiều hơn dẫn đến chi tiêu nhiều hơn là những lý do tiếp theo giúp châu lục này được đánh giá cao về chỉ số phát triển du lịch – lữ hành 2024.
Một yếu tố khác được tính đến là sức mạnh của hộ chiếu châu Âu. Bảng xếp hạng hộ chiếu quyền lực thường niên của Henley Index đã được WEF sử dụng trong việc xếp hạng các quốc gia. Năm 2024, 6 quốc gia có hộ chiếu quyền lực nhất gồm Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Singapore, Tây Ban Nha. 5 quốc gia trong đó xuất hiện trong top 10 của WEF. Singapore xếp thứ 13.
Châu Á có hai đại diện trong top 10 là Nhật Bản và Trung Quốc. WEF chỉ ra năm 2024 tăng trưởng du lịch toàn cầu dự kiến được củng cố nhờ sự bùng nổ du lịch ở châu Á, lục địa có một số quốc gia gỡ bỏ hạn chế ngăn ngừa dịch bệnh muộn nhất thế giới.
Nhật Bản, quốc gia đứng top 3 năm nay, được đánh giá “đang trải qua thời kỳ bùng nổ du lịch” kể từ khi mở lại biên giới đón khách. Trong khi đó, quốc gia đứng thứ 8 là Trung Quốc những tháng gần đây đã có nhiều động thái tạo điều kiện thuận lợi hơn cho du khách đến tham quan. Vào tháng 3, nước này đã miễn thị thực đối người dân một số nước châu Âu gồm Ireland, Thụy Sĩ và Hà Lan.
Người Mỹ hiện đến thăm Trung Quốc “dễ dàng hơn bao giờ hết”, vì không còn phải cung cấp hành trình hay chứng minh đặt phòng khách sạn để xin visa.
Tuy nhiên, xếp thứ hạng cao về lĩnh vực phát triển du lịch và lữ hành, theo nhiều chuyên gia chưa hẳn là điều tốt. Phát triển du lịch quá mức dẫn đến quá tải. Tại nhiều quốc gia, quá tải du lịch đang là vấn khiến chính quyền sở tại đau đầu do ảnh hưởng đến môi trường, thiếu bền vững.
Mỹ và Trung Quốc có lợi thế đất rộng giúp dàn trải dòng khách. Nhưng không phải điểm đến nào trong top 10 cũng may mắn như vậy. Tại Tây Ban Nha, người dân thành phố Barcelona đang bỏ phiếu để yêu cầu không cho tàu du lịch cập cảng trung tâm thành phố. Người dân quần đảo Canary đã xuống đường, thậm chí dọa tuyệt thực, để phản đối tình trạng quá tải du lịch. Italy, nằm ở vị trí thứ 9, cũng đang gặp khó khăn trong việc cân bằng thị trường du lịch, khi nơi này cũng đối mặt với vấn đề quá tải trong nhiều năm.
Anh Minh (Theo CNN)