Khách quốc tế ‘du lịch như vua’ ở Nhật vì đồng yen giảm

Đồng yen yếu, nhiều du khách tại Nhật Bản thoải mái ăn ngon, ở khách sạn hạng sang và mạnh tay mua sắm hàng hiệu. – Du lịch

“Tôi đã mua 3 đôi giày, điều mà tôi thường không bao giờ làm”, Katia Lelievre, du khách Pháp, 36 tuổi, vừa cười vừa nói khi được phỏng vấn tại Asakura, một điểm du lịch mua sắm hút khách ở Tokyo.

Lelievre nói Nhật Bản có đầy đủ các nhãn hàng hiệu giống ở châu Âu, nhưng tỷ giá hối đoái “rất hời” do đồng yen mất giá. Do đó mọi thứ “đều rất đáng để mua” khi đến quốc gia này du lịch. Bên cạnh đó nhiều cửa hàng còn hoàn thuế 10% cho du khách nếu họ xuất trình hộ chiếu.

Khách quốc tế mua sắm tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP

Khách quốc tế mua sắm tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP

Dominique Stabile, 31 tuổi, đến từ Italy, cho biết đã “chi rất nhiều cho việc ăn uống” vì đồ ăn rẻ. Stabile giới hạn ngân sách chi tiêu khi đến Nhật nhưng có thể ăn uống thoải mái mà không vượt quá số tiền đó nên “cảm thấy rất vui”.

Nhiều du khách đang “du lịch như vua” tại Nhật Bản vì được ăn ngon, mặc đẹp, thoải mái mua sắm chi tiêu nhờ tỷ giá chênh lệch.

Khách mua sắm nhiều mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp địa phương. Saori Iida, nhân viên một cửa hàng bán quần áo truyền thống, cho biết nhiều du khách sau khi đổi giá từ đồng yen sang tiền nước mình đã rất hài lòng và quyết định mua hàng ngay lập tức. “Hôm qua có một vị khách đã mua 15 bộ kimono”, Iida nói.

Yuki Suzuki, 21 tuổi, làm việc tại một cửa hàng bán dao thủ công cho biết do đồng yen giảm, khách quốc tế đã mua nhiều sản phẩm ở đây. “Họ mua nhiều ngay cả khi chúng tôi tăng giá”, người này nói.

Tháng 3 năm nay Nhật ghi nhận số lượng khách quốc tế đạt kỷ lục mới (tính theo tháng) khi vượt 3 triệu lượt, tăng gần 12% so với cùng kỳ 2019. Chi tiêu bình quân đầu người mỗi du khách trong quý I tăng 52% so với cùng kỳ năm 2022.

Các du khách đã đưa ra một số ví dụ so sánh về biến động yen Nhật trong 5 năm qua. Năm 2019, 1 USD tương đương 112 yen nhưng hiện tại đổi được 158 – 160 yen, mức thấp nhất trong 34 năm trở lại. Một tô mì ramen năm 2019 có giá 1.000 yen, tương đương 8,9 USD. Năm nay, vẫn tô mì đó, du khách chỉ cần trả 6,3 USD. Một chiếc đồng hồ hoặc túi xách sang trọng hiện du khách mua được với giá 4.430 USD. Trong khi cũng món đồ đó trở lại năm 2019, họ cần 6.250 USD.

Nhật Bản thống kê du khách có chi tiêu bình quân nhiều nhất đến từ Australia, Anh và Tây Ban Nha. Tiền Nhật trượt giá được cho là một phần do chính sách lãi suất thấp của Ngân hàng Trung ương, trong khi các ngân hàng khác trên thế giới đều tăng lãi. Tiêu dùng trong hộ gia đình tại Nhật liên tục giảm từ tháng 3 năm ngoái do lạm phát. Đồng tiền yếu khiến hàng nhập khẩu trở nên đắt hơn, dẫn đến sức mua trong nước suy yếu.

Dù vậy, một số người Nhật tỏ ý không hài lòng khi khách đổ xô đến các cửa hàng mua sắm, ăn uống khiến những nơi yêu thích của họ đông đúc, ồn ào. Akiko Kohsaka, nhà kinh tế tại Viện Nghiên cứu Nhật Bản và là chuyên gia du lịch, cho biết du khách đang “nhận được giá trị lớn hơn số tiền bỏ ra”. Khách du lịch có thể chọn nghỉ ở những khách sạn tốt hơn bình thường, ở lại Nhật lâu hơn hoặc mua thêm các món hàng hiệu.

Kohsaka cho rằng Nhật Bản hiện giờ có thể tự tin coi mình như một điểm du lịch hút khách. Ngay cả khi đồng yen mạnh trở lại, Kohsaka vẫn tin rằng khách quốc tế đến Nhật vẫn chi tiêu mạnh tay như trước.

Anh Minh (Theo AFP)


Bài viết được đề xuất