Khách Australia chi mạnh tay thăm gấu tại Tam Đảo

Nữ du khách từ Sydney chi 4.300 USD cho trải nghiệm 13 ngày ở Việt Nam, trong đó có cuộc gặp “đầy mong chờ” với đàn gấu ở trung tâm cứu hộ Tam Đảo. – Du lịch

Cuối tháng 3, Anabel Dean, nữ du khách đến từ Sydney, Australia đã chia sẻ về chuyến du lịch đến Việt Nam 13 ngày. Một trong những trải nghiệm để lại nhiều cảm xúc nhất với cô chính là chuyến đi đến trung tâm cứu hộ gấu nằm ở thung lũng Chất Dậu, vườn quốc gia Tam Đảo, Vĩnh Phúc.

Anabel yêu động vật. Tại Sydney, cô đã quyên góp tiền để hỗ trợ những con gấu trong sở thú Taronga. Do đó cô sẵn sàng chi hơn 4.300 USD cho tour trải nghiệm 13 ngày ở Việt Nam, trong đó có cuộc gặp gỡ “đầy mong chờ” với những con gấu ở trung tâm cứu trợ gấu.

Các con gấu đang chơi đùa tại trung tâm cứu hộ gấu Tam Đảo. Ảnh: Anabel

Các con gấu đang chơi đùa tại trung tâm cứu hộ gấu Tam Đảo. Ảnh: Anabel

Anabel ngồi ôtô hơn một tiếng từ Hà Nội để đến trung tâm cứu hộ tại Tam Đảo. Đây là nơi cứu hộ gấu hiện đại hàng châu Á, thuộc dự án của Tổ chức Động vật châu Á (Animals Asia Foundation – AAF), được thành lập với mục đích giải cứu những con gấu bị nuôi nhốt lấy mật và đưa chúng trở lại tự nhiên. Cuối năm 2010, khu bảo tồn hoàn thành 4 nhà gấu trong đó có 2 khu hoang dã và 2 khu cách ly.

Một mục tiêu quan trọng khác của trung tâm là nâng cao ý thức cộng đồng về bảo tồn động vật hoang dã và môi trường tự nhiên. Mục tiêu này được lồng ghép với các hoạt động của vườn quốc gia về du lịch môi trường thân thiện, giúp khách tận mắt nhìn thấy những con gấu trong môi trường tự nhiên, nhận thức được cần phải chăm sóc, bảo tồn gấu cũng như giảm nhu cầu đối với mật gấu hay sản phẩm từ gấu.

Con gấu đầu tiên mà Anabel tiếp cận là QQ, thuộc loại gấu ngựa, đang cuộn tròn nằm trong chuồng sắt. QQ thích ăn bí ngô cắt nhỏ và đùa nghịch với chiếc võng. Con vật đã bị nuôi nhốt trái phép 24 năm để lấy mật và mới được giải cứu, đưa về trung tâm vài ngày trước lúc Anabel đến thăm. Một bác sĩ thú ý đang vỗ về QQ qua song sắt. Anabel ví người bác sĩ “giống như một vị thần với những hành động nhỏ bé nhưng đang tạo nên một điều kỳ diệu”.

Các con gấu đang chơi đùa tại trung tâm cứu hộ gấu Tam Đảo. Ảnh: Anabel

Jill chụp ảnh cùng gấu Murry và Star tại trung tâm cứu hộ gấu Tam Đảo. Ảnh: Traveller

Hướng dẫn viên của Anabel trong chuyến tham quan lần này là Jill Robinson, người sáng lập Tổ chức Động vật châu Á và là chuyên gia hàng đầu thế giới về nuôi gấu lấy mật. Jill đã bay từ Hong Kong đến Việt Nam để khai trương một khu cứu hộ thứ hai tại vườn quốc gia Bạch Mã vào cuối năm ngoái.

Năm 1998, Jill thành lập AAF để giám sát xây dựng các khu bảo tồn gấu ở Trung Quốc và Việt Nam. Cho đến nay, AFF đã giải cứu gần 700 con gấu bị nuôi nhốt bất hợp pháp.

Hiện, Trung tâm cứu hộ gấu tại Tam Đảo đang chăm sóc 199 con gấu đen châu Á. Hằng ngày, các con vật sống trong các khu chuồng cỏ có nhiều hồ bơi, cây cối, đường hầm và xích đu. Việc xây dựng này nhằm kích thích, hỗ trợ gấu quay trở lại cuộc sống bình thường sau thời gian dài bị nuôi nhốt, lấy mật và gặp nhiều bệnh như viêm khớp, tim, chân tay bị gẫy cùng tâm lí sợ hãi. Không một con gấu nào có thể quay về sống cuộc sống hoang dã với các hành vi tự nhiên được nữa. “Chúng cần được chăm sóc đặc biệt trong suốt quãng đời còn lại”, Jill nói.

Lấy mật gấu để làm thuốc chữa bệnh không còn xa lạ ở châu Á, được ví như “vàng lỏng”. Tuy nhiên, đến nay chưa có nhiều tài liệu chứng minh chắc chắn mật gấu thật sự có lợi cho sức khỏe con người.

“Để tôi cho bạn xem cái này”, Jill nói và dẫn Anabel đi dọc theo một con đường quanh co để đến bệnh viện gấu. Cả hai mặc đồ vô trùng, đeo bọc chân và bước vào bên trong căn phòng được ngăn bằng một cánh cửa kim loại. Bên trong là Barli, một con gấu đang ngồi nghịch quả dừa. Barli vừa trải qua một cuộc phẫu thuật. Các bác sĩ thú ý đã chăm sóc Barli trong nhiều năm nhưng túi mật của nó không thể chữa khỏi. Gấu ngựa Barli thuộc loài gấu hiền lành nhất nhưng việc nuôi gấu lấy mật đã khiến con vật bị tổn thương nghiêm trọng. Các nhân viên ở đây đang chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất.

Anabel cho biết Barli được an tử vài ngày sau đó, chôn ở nghĩa trang gấu, cũng là nơi cuối cùng Anabel ghé thăm trước khi rời khỏi trung tâm.

Trung tâm cách Hà Nội khoảng 70 km, thích hợp cho chuyến đi ngắn trong ngày hoặc 2 ngày 1 đêm. Thung lũng Chắt Dậu mở cửa đón khách hàng ngày. Tuy nhiên trung tâm cứu hộ chỉ mở cửa vào 2 ngày thứ 7 hàng tháng, du khách nên liên hệ trước với ban quản lý vườn quốc gia. Các tour tham quan có nhân viên tại trung tâm trực tiếp hướng dẫn, thuyết trình bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Vé vào cửa miễn phí nhưng du khách có thể tùy tâm đóng góp, mua các món hàng lưu niệm để ủng hộ chăm sóc gấu. Ngoài vào khu cứu hộ, du khách có thể tiếp tục khám phá thiên nhiên tại thung lũng Chắt Dậu – khu vực được Vườn quốc gia thiết kế thành khu tham quan giáo dục kết hợp du lịch sinh thái.

Anh Minh (Theo Traveller, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Vĩnh Phúc)


Bài viết được đề xuất