Du khách đến Việt Nam bằng đường hàng không tăng 1,6 lần

Hai tháng đầu năm, Việt Nam đón hơn 3 triệu lượt khách quốc tế, trong đó có 2,6 triệu nhập cảnh bằng đường hàng không, chiếm 84,2%, theo Tổng cục Thống kê. – Du lịch

Số liệu của Tổng cục Thống kê công bố ngày 1/3 cho thấy, lượng khách đến bằng đường hàng không tăng gấp 1,6 lần cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó chỉ hơn 388.600 lượt đến bằng đường bộ và số còn lại là đường biển. Lý giải việc lượng khách di chuyển bằng đường hàng không vẫn tiếp tục tăng cao, bất chấp suy thoái kinh tế, đại diện Tổng Cục Thống kê cho biết phương tiện này giúp du khách có thể linh hoạt chọn thời gian, địa điểm. Ngoài ra, khách quốc tế cũng đề cao phục vụ chu đáo, sạch sẽ hơn so với các phương tiện khác.

Hơn 84% du khách chọn đến Việt Nam bằng đường hàng không. Ảnh: Bảo Nam

Hơn 84% du khách chọn đến Việt Nam bằng đường hàng không. Ảnh: Bảo Nam

Cũng theo Tổng cục Thống kê, Hàn Quốc vẫn là thị trường gửi khách quốc tế lớn nhất đến Việt Nam trong 2 tháng đầu tiên của năm 2024 với hơn 844.000 lượt, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn mức gần 800.000 lượt của hai tháng đầu năm 2019.

Những thị trường gửi khách đến Việt Nam đông nhất gồm: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ. Trong đó, Ấn Độ đang là thị trường khách tiềm năng của du lịch Việt Nam, tăng 231% so với năm 2019. Lý giải điều này, bà Bùi Thị Tua, Giám đốc Kinh doanh Threeland Travel – đơn vị chuyên đón khách Ấn Độ cho biết nguyên nhân chính là sự kết nối của các đường bay thẳng từ Việt Nam đến New Delhi, Mumbai, Ahmedabad, Kochi và Tiruchirappalli của các hãng hàng không Việt, giúp giá vé máy bay thấp hơn 30 – 50% so với trước năm 2019.

Mở rộng thị trường tới Ấn Độ từ năm 2019, Vietjet Air hiện kết nối Hà Nội, TP HCM với 5 thành phố lớn tại đây. Hãng hàng không này cũng tiên phong mở các đường bay đầu tiên kết nối Ahmedabad, Kochi và Tiruchirappalli với Việt Nam, mở ra cơ hội di chuyển dễ dàng, du lịch, giao thương giữa các địa phương hai nước.

Bên cạnh Ấn Độ, lượng khách tới từ Australia cũng ghi nhận kết quả tăng trưởng mạnh. Tính đến tháng 3, các hãng hàng không cung cấp 153.000 ghế giữa Việt Nam và Australia, vượt xa mức 61.000 trước đại dịch – tháng 3/2019.

Các hãng hàng không Việt luôn chủ động mở rộng thị trường, thêm các đường bay và đồng hành cùng các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam. Ngay trong những tháng đầu năm, Vietjet khai trương loạt đường bay mới như TP HCM – Thành Đô (Trung Quốc), TP HCM – Viêng Chăn (Lào), mở bán vé và chuẩn bị khai trương đường bay Hà Nội – Hiroshima (Nhật Bản) trong tháng 5 và khai trương hai đường bay Hà Nội – Melbourne, Hà Nội – Sydney trong tháng 6…

Chính sách xúc tiến, quảng bá Việt Nam như điểm đến an toàn cũng là những lý do giúp ngành du lịch đón lượng khách về bằng mức trước dịch. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là điểm đến mới tại châu Á, sở hữu nhiều danh thắng độc đáo, nổi tiếng như vịnh Hạ Long, Tam Cốc, Tràng An…

Mặt khác, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, hàng không cũng đang tích cực nghiên cứu thị trường, đưa ra giải pháp phù hợp để tăng sức hút cho Việt Nam. Ông Iko Putera, Giám đốc mảng vận chuyển Traveloka cho biết, mục tiêu của công ty là cung cấp trải nghiệm du lịch tối ưu cho người dùng, góp phần vào tăng trưởng bền vững của ngành du lịch Việt Nam. Công ty liên tục hợp tác với các bên liên quan để thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành, từ đó mang lại lợi ích cho người dùng, mạng lưới đối tác và các quốc gia đang hoạt động.

Cũng nhằm thu hút thị trường này, Vietluxtour đang tích cực làm mới các dòng sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp ở resort 5 sao, du thuyền sang trọng, du lịch cưới, MICE tour… Đặc biệt, đội ngũ nhân sự phục vụ thị trường khách Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc được doanh nghiệp chú trọng đầu tư đào tạo chuyên sâu về ngoại ngữ, kiến thức du lịch, văn hóa, ẩm thực…để khai thác hiệu quả và lâu bền.

Bên cạnh những sản phẩm truyền thống, các công ty du lịch đang đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng nhiều hơn các đối tượng khách hàng ở nhiều phân khúc. Đa số các công ty du lịch hiện nay hợp tác với các hãng hàng không ở cả Việt Nam và quốc tế để có mức giá ưu đãi hơn. Bằng sự kết hợp này, họ có thể tối ưu hóa các sáng kiến du lịch cho khách hàng, mở rộng phạm vi hoạt động ra ngoài thị trường Việt Nam.

Trong “Dự thảo Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác 2023 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2024” Cục Du lịch Quốc gia công bố tháng 12/2023, ngành du lịch đặt mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế năm 2024. Với mục tiêu này, du lịch Việt dự kiến phục hồi 95-100% so với năm 2019. Năm 2023, Việt Nam đón 12,6 triệu lượt khách, vượt mục tiêu đề ra đầu năm là 8 triệu lượt và bằng 70% năm 2019.

Việt Nam là điểm đến được truyền thông quốc tế đánh giá cao trong thời gian qua. Tạp chí du lịch Lonely Planet đề xuất Việt Nam là một trong 10 điểm đến hấp dẫn hàng đầu cho sinh viên sau tốt nghiệp. Giải thưởng Travelers’ Choice Awards Best of the Best của Tripadvisor cũng xếp biển An Bàng vị trí thứ 5 trong danh sách 10 bãi biển hàng đầu châu Á. Gần nhất, tại Lễ trao giải Giải thưởng MICE thế giới lần thứ 4 tổ chức ngày 6/3 tại Đức, TP HCM xuất sắc đạt danh hiệu Điểm đến MICE tốt nhất châu Á 2023; Hội An giành danh hiệu Điểm đến nghỉ dưỡng dành cho doanh nghiệp tốt nhất châu Á 2023.

Thanh Thư


Bài viết được đề xuất