Bên trong thế giới cửa hàng tiện lợi Hàn Quốc

Các cửa hàng tiện lợi Hàn Quốc phục vụ 24 tiếng mỗi ngày, khách có thể rút tiền mặt, sạc xe đạp điện và đổi ngoại tệ. – Du lịch

Nếu bạn cần lấy một gói hàng, nạp tiền thẻ tàu điện ngầm, ăn trưa hay rút một ít tiền mặt, ở nhiều thành phố sẽ phải đến bưu điện, ga tàu điện, nhà hàng hay cây ATM. Nhưng tại Hàn Quốc, những việc này hay nhiều hơn thế, đều có thể thực hiện tại cửa hàng tiện lợi gần nhất.

Hàn Quốc được xem là “vua” về các cửa hàng tiện lợi trên toàn cầu, cả trực tuyến và trực tiếp. Không chỉ người dân địa phương, các KOLs (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội) và khách du lịch tìm đến các cửa hàng tiện lợi khắp nước ngày càng nhiều.

Một người đàn ông đi ngang qua cửa hàng tiện lợi GS25 ở Seoul ngày 18/8/2023. Ảnh: Reuters

Một khách bước ra từ cửa hàng tiện lợi ở Seoul, năm 2023. Ảnh: Reuters

Theo Hiệp hội công nghiệp cửa hàng tiện lợi, tính đến cuối 2023, Hàn Quốc có hơn 55.200 cửa hàng phục vụ 52 triệu dân, tương đương 950 người dân một cửa hàng. Con số này nhiều hơn tổng số chi nhánh McDonald’s toàn cầu, vượt qua Nhật Bản để xếp số một thế giới về bình quân cửa hàng trên đầu người.

Chang Woo-cheol, Giáo sư du lịch và dịch vụ thực phẩm tại Đại học Kwangwoon ở Seoul, cho biết ngành công nghiệp cửa hàng tiện lợi ở Hàn Quốc nổi bật nhờ số lượng vượt trội cùng chiến lược đổi mới. Hệ thống cửa hàng tiện lợi trở thành kênh bán lẻ thiết yếu với thị phần lớn thứ hai về doanh số bán lẻ trực tiếp trên cả nước.

Tại Mỹ, các cửa hàng tiện lợi thường gắn liền với trạm xăng hoặc trung tâm thương mại, hiếm khi xuất hiện ở các khu dân cư. Tại các thành phố lớn ở Hàn như Seoul, các cửa hàng tiện lợi có mặt ở mọi ngóc ngách, đôi khi có nhiều cửa hàng của các công ty cạnh tranh nằm rải rác trên cùng con phố.

“Các cửa hàng mở cửa 24 giờ mỗi ngày, đóng vai trò thiết yếu trong cuộc sống bận rộn của mọi người”, giáo sư Chang nói.

Một người đàn ông đi ngang qua cửa hàng tiện lợi GS25 ở Seoul ngày 18/8/2023. Ảnh: Reuters

Một nhân viên văn phòng dùng bữa trưa tại cửa hàng tiện lợi ở Seoul. Ảnh: Reuters

Yếu tố giúp các cửa hàng ở Hàn Quốc khác biệt là cung cấp mọi thứ từ thực phẩm, đồ uống, hàng gia dụng và các dịch vụ thiết yếu. Khách có thể sạc điện thoại, thanh toán hóa đơn tiện ích, rút tiền mặt, đặt hàng trực tuyến và nhận hàng. Một số nơi, khách có thể sạc xe máy điện, đổi ngoại tệ, gửi thư quốc tế.

Chi nhánh Hàn Quốc của Deloitte, tổ chức chuyên về kế toán và dịch vụ, nhận xét các cửa hàng tiện lợi tại quốc gia này “nuông chiều khách hàng theo cách vô cùng tiện lợi”. Mọi người có thể ngồi quanh một chiếc bàn trong cửa hàng, phía trên là đống vỏ bia bừa bộn vừa uống hết trong một đêm cuối hè.

Đồ ăn được bán tại đây rất đa dạng, từ súp miso ăn liền đến mì ly đủ hương vị mà ít người ngờ tới, đồ ăn nhẹ đa dạng như kimbap, onigiri (cơm nắm của người Nhật), các suất ăn sẵn.

Giáo sư Chang nói nhu cầu sử dụng các cửa hàng tiện lợi của người dân tăng cao trong những năm qua, khi Hàn Quốc đô thị hóa và hơn 80% người dân sống tại trung tâm đô thị. Nhiều người rời nông thôn để tới làm việc ở các thành phố lớn. Bên cạnh đó ngày càng ít người Hàn kết hôn, sinh con dẫn đến có nhiều người sống một mình. Cửa hàng tiện lợi đáp ứng nhu cầu của những người độc thân, lựa chọn rẻ tiền, ăn uống đơn giản.

Nhiều công ty tận dụng nhu cầu cao này để mở thêm các cửa hàng nằm bên trong tụ điểm giải trí. Do đó, Seoul có các cửa hàng tiện lợi trong quán karaoke, trung tâm nghệ thuật.

Những cửa hàng tiện lợi này ngày nay xuất hiện nhiều trong các bộ phim Hàn Quốc, dẫn đến du khách quốc tế dần quen thuộc với không gian ăn uống nhanh gọn nhẹ này. Doanh thu từ các cửa hàng tiện lợi Hàn Quốc từ 2010 đến 2021 tăng hơn 4 lần, từ 5,8 tỷ USD lên 24,7 tỷ USD.

Trong các tìm kiếm về cửa hàng tiện lợi Hàn Quốc trên mạng xã hội, du khách cũng có thể thấy KOLs xuất hiện giới thiệu về những món như ramen ăn liền, đánh giá đồ ăn nhẹ hay đồ uống.

Jiny Maeng, KOL sinh ra ở Hàn Quốc và sống tại Australia, bắt đầu tạo video về chủ đề cửa hàng tiện lợi sau khi thấy những clip tương tự lan truyền trên mạng. Ba video được xem nhiều nhất của cô với tổng 76 triệu lượt xem, đều nói về các cửa hàng tiện lợi ở Hàn.

Jiny nói tại thành phố Sydney nơi cô đang sống, nhiều quán cà phê và cửa hàng đóng cửa lúc 15h, “sớm một cách lố bịch theo tiêu chuẩn Hàn Quốc”. Dù Australia có các cửa hàng 7-Eleven nhưng chúng cũng thường gắn liền với các trạm xăng giống ở Mỹ. Thực phẩm lựa chọn hạn chế, chỉ gồm những món đơn giản như bánh nướng nhân thịt, sandwich.

Các công ty mở cửa hàng tiện lợi Hàn Quốc kinh doanh thành công đến mức lập chiến lược mở rộng mô hình ra nước ngoài. Ba trong số thương hiệu lớn nhất tại Hàn là CU, GS25 và Emart24 đã có cửa hàng ở các khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam và Malaysia.

Jiny cho biết mức độ được quan tâm về các cửa hàng này đang bão hòa, lượt xem giảm dần. Dù vậy Jiny vẫn “chắc chắn” ghé thăm một cửa hàng tiện lợi nếu có dịp trở về Hàn Quốc.

Anh Minh (Theo CNN)


Bài viết được đề xuất