Xu hướng mới của giới trẻ mang lại thách thức cho ngành du lịch Việt Nam

Mặc dù du lịch nước ngoài ngày càng thu hút giới trẻ,
tuy nhiên ngành du lịch Việt Nam vẫn có cơ hội lớn để cạnh tranh nếu cải
thiện hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ và học hỏi từ các mô hình
phát triển bền vững của quốc tế nhằm thu hút và giữ chân du khách trẻ.

Từ du lịch trong nước đến sức hút của nước ngoài

Trong bối cảnh hậu đại dịch COVID-19, ngành du lịch trong nước đã có những bước phục hồi ấn tượng.

Theo Tổng cục thống kê, chỉ trong 8 tháng năm 2024, Việt Nam đã đón gần
114 triệu lượt khách quốc tế, với hai thị trường lớn nhất là Hàn Quốc và
Trung Quốc, chiếm lần lượt là 26% và 21%. Trong đó, chỉ riêng TP Hồ Chí
Minh ước đón hơn 27,35 triệu lượt khách nội địa trong 9 tháng năm 2024,
góp phần đưa tổng thu du lịch TP Hồ Chí Minh đạt hơn 140.398 tỷ đồng.

Xu hướng du lịch của giới trẻ hiện nay là thích trải nghiệm sự mới mẻ của hiện đại và văn hóa, giải trí kết hợp. Ảnh: STB

Một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự bùng nổ của du lịch
trong nước là sự đa dạng hóa các loại hình du lịch. Các điểm đến như Hội
An, Huế và Hà Nội không chỉ thu hút du khách nhờ vào bề dày lịch sử và
văn hóa mà còn bởi các hoạt động trải nghiệm độc đáo như tham quan làng
nghề, tham dự lễ hội và tham gia các lớp học ngắn hạn về nghệ thuật, thủ
công.

Bên cạnh đó, du lịch mạo hiểm và phiêu lưu tại các địa điểm như Sapa,
Ninh Bình và Vịnh Hạ Long cũng trở thành một phần không thể thiếu trong
hành trình của giới trẻ, đáp ứng nhu cầu khám phá và thử thách bản
thân.

Trong khi du lịch trong nước thu hút giới trẻ bởi sự gần gũi và chi
phí hợp lý, du lịch nước ngoài lại mang đến những trải nghiệm hoàn toàn
mới mẻ với sự hiện đại và đa dạng văn hóa. Theo Tổng cục Du lịch
Singapore (STB), Singapore vẫn đang có sức hút đối với du khách Việt và
lượng khách Việt Nam đến Singapore vẫn tăng trưởng ổn định mỗi năm.

Singapore nổi bật với các sự kiện văn hóa quốc tế, nhịp sống về đêm
sôi động và các khu mua sắm hiện đại, khiến nơi đây trở thành điểm đến
lý tưởng cho giới trẻ yêu thích sự năng động và hiện đại. Theo STB,
Singapore nằm trong top 3 thành phố châu Á có trải nghiệm về đêm hấp dẫn
nhất, thu hút đông đảo du khách nhờ vào các club nổi tiếng như Zouk và
Marquee cùng với các bữa tiệc underground đầy sáng tạo.

Bên cạnh đó, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng là những điểm đến hàng đầu
được giới trẻ lựa chọn. Nhật Bản không chỉ gây ấn tượng với sự kết hợp
giữa truyền thống và hiện đại mà còn bởi sự phong phú của các hoạt động
văn hóa như lễ hội, các trung tâm công nghệ tiên tiến. Hàn Quốc thì với
làn sóng Hallyu, thu hút du khách trẻ nhờ vào nền âm nhạc, điện ảnh và
thời trang độc đáo.

 Triển
lãm Monet Inside tại Groundseesaw ở Parkview Square, Singapore vào
tháng 10 tới đây đang thu hút giới trẻ quan tâm mua vé du lịch kết hợp
trải nghiệm văn hóa. Ảnh: STB

Thêm vào đó, sự phổ biến của các ứng dụng du lịch như Klook,
Traveloka và Agoda đã mang lại nhiều tiện ích vượt trội, làm thay đổi
cách thức du lịch của giới trẻ hiện nay. Các ứng dụng này không chỉ giúp
đơn giản hóa quá trình đặt vé, tour và các dịch vụ du lịch mà còn mang
đến nhiều tính năng và ưu đãi hấp dẫn, thậm chí là các tour 0 đồng khi
khám phá địa phương. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn
tạo động lực cho giới trẻ lên kế hoạch cho những chuyến đi xa, bao gồm
cả các điểm đến nước ngoài.

Thách thức và cơ hội cho du lịch Việt Nam

Báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho thấy, mặc dù lượng khách quốc tế đến
Việt Nam trong 8 tháng năm 2024 đã đạt gần 114 triệu lượt, nhưng vẫn
còn nhiều yếu tố cần cải thiện để duy trì và tăng cường sự hấp dẫn đối
với du khách, đặc biệt là trong phân khúc du khách trẻ tuổi.

Đây là một trong những thách thức lớn nhất mà ngành
du lịch Việt Nam đang phải đối mặt. Để cạnh tranh với các điểm đến nước
ngoài, báo cáo Nghiên cứu và phân tích xu hướng thị trường du lịch năm
2024 của Appotapa chỉ ra rằng, Việt Nam cần tập trung vào việc nâng cao
chất lượng dịch vụ du lịch để giữ chân du khách, đặc biệt là giới trẻ ở
lại lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn.

Trong đó, việc cải thiện hạ tầng du lịch là một yêu cầu cấp bách. Bởi
thực tế, các vấn đề liên quan đến giao thông, cơ sở hạ tầng tại các
điểm du lịch và chất lượng dịch vụ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của
nhiều du khách, đặc biệt là khi so sánh với các nước trong khu vực.
Chẳng hạn, theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, trong khi TP Hồ Chí Minh
đã đón hơn 27,35 triệu lượt khách nội địa trong 9 tháng năm 2024, vẫn có
nhiều phàn nàn về tình trạng kẹt xe, ô nhiễm môi trường và dịch vụ
không đồng đều.

 Núi Bà Đen Tây Ninh – một trong điểm du lịch tâm linh của Việt Nam.

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần học hỏi từ các quốc gia phát triển trong
khu vực về việc phát triển du lịch bền vững, kết hợp bảo tồn văn hóa với
phát triển kinh tế. Điển hình, những sáng kiến của Klook trong việc
thúc đẩy du lịch bền vững và hỗ trợ cộng đồng địa phương đã giúp Klook
đóng góp 72 tỷ USD vào nền kinh tế du lịch châu Á – Thái Bình Dương
trong năm 2023, đồng thời tạo ra hơn 219.000 việc làm.

Điều này chứng tỏ, sức mạnh của việc kết hợp giữa phát triển du lịch
với bảo tồn văn hóa và phát triển cộng đồng địa phương là rất cần thiết.
Theo đó, Việt Nam có thể tận dụng tiềm năng này bằng cách phát triển
các sản phẩm du lịch bền vững, khuyến khích du khách tham gia vào các
hoạt động bảo vệ môi trường và tôn trọng văn hóa địa phương. Bằng cách
này, Việt Nam không chỉ có thể thu hút du khách quốc tế mà còn giữ chân
chính những người trẻ trong nước, giúp họ khám phá và yêu thêm quê hương
mình.

Song song đó, việc đẩy mạnh quảng bá hình ảnh đất nước một cách sáng
tạo và hiệu quả cũng là một yếu tố không thể thiếu. Các chiến dịch quảng
bá cần tập trung vào việc giới thiệu những trải nghiệm độc đáo và khác
biệt mà Việt Nam có thể mang lại, từ các di sản văn hóa phong phú đến
những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ. Đồng thời, các chiến dịch này cũng
cần phải nhấn mạnh vào việc phát triển bền vững và bảo tồn văn hóa, nhằm
thu hút những du khách quan tâm đến các giá trị này.

Nhìn chung, xu hướng du lịch của giới trẻ hiện nay đang biến đổi
nhanh chóng, với sự ưu tiên dành cho các trải nghiệm mang tính cá nhân
hóa, hiện đại và đa dạng văn hóa. Ngành du lịch Việt Nam với những nỗ
lực không ngừng, đang dần khẳng định vị thế của mình trên bản đồ du lịch
thế giới, tuy nhiên để cạnh tranh và thu hút giới trẻ, Việt Nam cần
thay đổi cách làm du lịch mới hơn. Chỉ có như vậy, Việt Nam mới có thể
bắt kịp xu hướng và trở thành điểm đến hấp dẫn không chỉ với du khách
quốc tế mà còn với chính những người trẻ trong nước.

Hải Yên

Nguồn: Báo Tin tức

Bài viết được đề xuất