Chuyển đổi số trong phát triển du lịch là một
thay đổi tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường và
xu thế của thời đại, tạo nên điểm nhấn và tăng cường năng lực cạnh tranh
cho ngành du lịch.
GVC, TS. Nguyễn Tư Lương
Trường Đại học Thủy lợi
Email: [email protected]
Tóm tắt
Phát triển du lịch thông minh là một
định hướng chiến lược cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Phát
triển du lịch thông minh (DLTM) không còn là vấn đề quá mới, tuy nhiên
để phát triển DLTM một cách hiệu quả, bền vững tại Việt Nam, thì vẫn còn
nhiều vấn đề cần giải quyết. Bài viết này sẽ đánh giá tổng quan về hiện
trạng phát triển DLTM tại Việt Nam, thảo luận về một số vấn đề liên
quan đến chủ trương, định hướng chính sách… trong phát triển DLTM. Qua
những phân tích trên, bài viết đi đến đề xuất một số giải pháp trọng tâm
nhằm thúc đẩy DLTM tại Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, để Du
lịch Việt Nam trở thành một điểm đến DLTM và có năng lực cạnh tranh trên
bản đồ du lịch thế giới.
ĐẶT VẤN ĐỀ
Dưới tác động mạnh mẽ của Cách mạng công
nghiệp 4.0, Du lịch thông minh (DLTM) đã phát triển ở nhiều khu vực
trên thế giới. Nhiều mô hình DLTM được triển khai thành công tại Hà Lan,
Đức, Phần Lan, Đan Mạch, Mỹ, Canada, Australia, New Zealand… Ở Châu Á,
Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan và Malaysia cũng đã tăng cường
đầu tư phát triển và đạt được nhiều thành tựu nổi bật về DLTM, tạo sức
ép cạnh tranh trực tiếp cho du lịch Việt Nam.
Trước xu thế đó, Việt Nam cũng đã triển
khai DLTM và mang lại nhiều thay đổi tích cực. Tuy nhiên, DLTM vẫn chỉ
mới hình thành tại một số trung tâm du lịch lớn với một số ứng dụng nhất
định, chưa mang lại thay đổi một cách toàn diện cho ngành Du lịch. Việc
đánh giá hiện trạng phát triển và đề xuất một số giải pháp nhằm thúc
đẩy DLTM tại Việt Nam, để Du lịch Việt Nam trở thành một điểm đến DLTM
và có năng lực cạnh tranh trên bản đồ du lịch thế giới là một nhiệm vụ
cấp thiết và có tính khả thi. Bài viết này sẽ bàn về DLTM tại Việt Nam
qua: Hệ thống hóa và có phát triển ở mức độ nhất định về một số vấn đề
lý luận cơ bản; phân tích những chủ trương, chính sách phát triển DLTM;
công tác quản lý nhà nước về du lịch; những thành tựu đạt được và những
rào cản đặt ra; đề xuất một số giải pháp cơ bản để phát triển DLTM trong
thời gian tới.
DỮ LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Bài viết này sử dụng phương pháp nghiên
cứu chính là phương pháp nghiên cứu tại bàn (desk research). Tác giả đã
sử dụng các dữ liệu thứ cấp như: Các chính sách, chủ trương, quy định,
tài liệu, báo cáo, sách, bài báo khoa học, cơ sở dữ liệu trực tuyến (tìm
kiếm với sự hỗ trợ của công cụ Google Scholar), và các nguồn thông tin
khác để thu thập dữ liệu và phân tích.
Ngoài ra, bài viết cũng sử dụng phương
pháp nghiên cứu thực địa và phương pháp chuyên gia. Dựa trên những khảo
sát thực địa qua kiểm chứng thực tiễn phát triển du lịch tại Việt Nam và
ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch. Trên cơ sở đó, kết
hợp tổng hợp, phân tích, đối sánh các tư liệu thứ cấp, từ đó hình thành
kết quả và đề xuất các ý tưởng khoa học cho chủ đề nghiên cứu nêu trên.
MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH THÔNG MINH
Khái niệm về du lịch thông minh
Du lịch thông minh (smart tourism): Thuật ngữ “Du lịch thông minh”
được ra đời dưới sự tác động mạnh mẽ của Cách mạng công nghệ 4.0, đặc
biệt là sự phát triển của công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông đã
được ứng dụng rộng rãi và mang lại nhiều thành tựu quan trọng trong lĩnh
vực du lịch.
Đã có nhiều nghiên cứu với các mục đích
và góc độ tiếp cận khác nhau về DLTM. Tổ chức Du lịch Thế giới (World
Tourism Organization – UNWTO) đã đề cập đến khái niệm “du lịch thông
minh” nhằm mục đích thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành Du lịch
trên phạm vi toàn cầu thông qua việc sử dụng CNTT và AI.
Theo UNWTO, DLTM là việc sử dụng công
nghệ một cách thông minh để tạo ra giá trị bền vững cho tất cả các bên
liên quan trong ngành du lịch nhằm:
– Tăng cường trải nghiệm du lịch:
Cải thiện trải nghiệm của du khách thông qua việc cung cấp thông tin cá
nhân hóa, gợi ý hoạt động dựa trên sở thích và tạo ra trải nghiệm tương
tác và độc đáo.
– Quản lý bền vững: Quản lý lưu
lượng du khách, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và văn hóa
địa phương, đồng thời tạo ra các giải pháp phát triển du lịch bền vững.
– Kinh doanh và tiềm năng tăng trưởng: Phát
triển các mô hình kinh doanh dựa trên công nghệ để tạo ra cơ hội tăng
trưởng và tăng cường năng lực cạnh tranh trong ngành Du lịch.
– Quản lý rủi ro và an ninh: Sử
dụng công nghệ để quản lý rủi ro và đảm bảo an toàn cho du khách, bao
gồm cả bảo mật thông tin cá nhân, đồng thời cải thiện quản lý và giám
sát vùng du lịch.
Căn cứ thực tiễn phát triển của du lịch
Việt Nam, với mục tiêu và nhiệm vụ đặt ra, tác giả xin đề xuất quan điểm
về DLTM như sau: “Du lịch thông minh là mô hình phát triển du lịch
được xây dựng dựa trên nền tảng ứng dụng những công nghệ hiện đại trong
lĩnh vực thông tin và truyền thông để tăng cường trải nghiệm du lịch.
Việc sử dụng công nghệ một cách thông minh giúp hoạt động du lịch trở
nên hiện đại hơn, tối ưu hơn, hiệu quả hơn, thuận tiện hơn và mang lại
lợi ích tốt nhất, đáp ứng tối ưu nhu cầu đa dạng của khách du lịch và
doanh nghiệp du lịch, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, cộng đồng và
hướng tới phát triển du lịch bền vững”.
Các thành phần cơ bản của du lịch thông minh
Các nội dung cơ bản để triển khai DLTM bao gồm:
– Ứng dụng di động và trang web: Cung
cấp một nền tảng kỹ thuật số cho du khách để tìm kiếm thông tin, đặt
dịch vụ và lập kế hoạch cho chuyến đi của họ.
– Cảm biến và IoT: Sử dụng các thiết bị
công nghệ để thu thập dữ liệu về lưu lượng du khách, điều kiện môi
trường, tình trạng an ninh và các yếu tố khác.
– Công nghệ thực tế ảo (VR – Virtual
Reality) và thực tế tăng cường (AR – Augmented Reality): Để cung cấp
trải nghiệm tương tác và hấp dẫn cho du khách.
– Dữ liệu và phân tích: Thu thập dữ
liệu, phân tích dữ liệu về hành vi và nhu cầu của khách du lịch, từ đó
tối ưu hóa trải nghiệm du lịch và chiến lược marketing.
– Quản lý tài nguyên du lịch: Sử dụng
công nghệ để quản lý tài nguyên du lịch và các nguồn lực phát triển du
lịch một cách hiệu quả và bền vững.
– Giao tiếp và tương tác: Cung cấp các
kênh giao tiếp và tương tác dễ dàng giữa du khách và nhà cung cấp dịch
vụ du lịch, hỗ trợ khách hàng trực tuyến.
– An toàn và bảo mật: Đảm bảo an toàn và
bảo mật cho thông tin cá nhân của du khách, cũng như đảm bảo an toàn
cho du khách khi họ tham gia du lịch.
Lợi ích của việc phát triển du lịch thông minh
Phát triển DLTM là phát triển, ứng dụng
những thành tựu của khoa học và công nghệ hiện đại để hỗ trợ và mang lại
lợi ích cho ba chủ thể: Nhà quản lý du lịch, doanh nghiệp du lịch và
khách du lịch, bao gồm:
– Đối với nhà quản lý du lịch: Giúp tăng
tính hiệu quả, hiện đại hóa công tác quản lý; đảm bảo tính liên thông,
đồng bộ trong công tác quản lý; tăng cường năng lực cạnh tranh của ngành
Du lịch, tăng nguồn thu từ du lịch; giúp giảm thiểu tác động tiêu cực
đến môi trường và văn hóa địa phương; hoàn thiện hệ thống hạ tầng công
nghệ…
– Lợi ích cho doanh nghiệp du lịch: Giúp
doanh nghiệp hiểu rõ hơn về khách hàng do việc thu thập và phân tích dữ
liệu tốt hơn; phát triển marketing tối ưu; tối ưu hóa quản trị; tối ưu
hóa hoạt động, tăng doanh thu và lợi nhuận; nâng cao chất lượng dịch vụ;
quản trị nhân sự; quản lý hệ thống kinh doanh; phát triển và triển khai
các sản phẩm và dịch vụ sáng tạo dựa trên công nghệ…
– Giá trị do DLTM mang lại cho khách du
lịch: Dễ dàng truy cập thông tin; tăng cường trải nghiệm du lịch; giúp
tăng cường an toàn và an ninh cho du khách; tối ưu hóa chi phí và thời
gian; tiếp cận thuận tiện; tối ưu hóa lợi ích; được hưởng các dịch vụ du
lịch với chất lượng cao hơn…
PHÁT TRIỂN DU LỊCH THÔNG MINH TẠI VIỆT NAM VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA
Về chủ trương, định hướng và chính sách phát triển du lịch thông minh
Trước những tác động mạnh mẽ của cuộc
Cách mạng công nghiệp 4.0 vào mọi lĩnh vực của đời sống và nền sản xuất
xã hội. Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã có những chủ trương, định hướng
và chính sách quan trọng nhằm ứng dụng những thành tựu của khoa học và
công nghệ hiện đại để hỗ trợ đẩy mạnh phát triển DLTM:
– Nghị quyết 36-NQ/TW do Bộ Chính trị
ban hành (1/7/2014) về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu
cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Nghị quyết đã xác định:
“Công nghệ thông tin phải được ứng dụng rộng rãi và trở thành một ngành
kinh tế có tác động lan tỏa trong phát triển kinh tế – xã hội”.
– Nghị quyết 08-NQ/TW do Bộ Chính trị
ban hành (16/1/2017) đã khẳng định quan điểm: “Phát triển du lịch trở
thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát
triển đất nước… Để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, cần
phải thực hiện nhiều giải pháp, trong đó tất yếu phải đẩy mạnh ứng dụng
khoa học công nghệ hiện đại”.
– Luật Du lịch Việt Nam năm 2017 (Luật
số: 09/2017/QH14 ngày 19/6/2017) đã khẳng định: “Nhà nước có chính sách
trong việc khuyến khích hỗ trợ các hoạt động ứng dụng khoa học, công
nghệ hiện đại phục vụ quản lý và phát triển du lịch”.
– Chỉ thị số 16/2017/CT-TTg (4/5/2017)
cũng đã chỉ rõ: “Ưu tiên phát triển công nghiệp nghệ số, nông nghiệp
thông minh, du lịch thông minh”. Đây là lần đầu thuật ngữ “du lịch thông
minh” được nhắc đến trong văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam.
– Quyết định 1671/QĐ-TTg (30/11/2018)
của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể ứng dụng CNTT trong
lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025.
– Quyết định 749/QĐ-TTg (3/6/2020) của
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến
năm 2025, định hướng đến năm 2030: “Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn
định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới;
đổi mới cơ bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ,
hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm
việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhăn văn, rộng
khắp”.
– Quyết định 147/QĐ-TTg (22/1/2020) của
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến
năm 2030, trong đó đặt ra nhiệm vụ: “Phát triển hệ sinh thái thông
minh, ứng dụng công nghệ số để kết nối nhằm hỗ trợ và tăng trải nghiệm
cho khách du lịch”.
– Quyết định 411/QĐ-TTg (31/3/2022) của
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số
và xã hội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đã nhấn mạnh: “Phát
triển hệ sinh thái DLTM, ứng dụng công nghệ số để kết nối nhằm hỗ trợ và
tăng trải nghiệm cho khách du lịch; mở rộng năng lực cung cấp dịch vụ
kết hợp giữa kênh thực và kênh số; sử dụng tối đa các giao dịch điện tử
trong hoạt động du lịch; ứng dụng công nghệ hiện đại vào phát triển các
phần mềm, tiện ích thông minh hỗ trợ công tác quản lý và phục vụ khách
du lịch”.
Những văn kiện trên đã tạo cơ sở cho Bộ
Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL); Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam
trong chỉ đạo, điều hành; đồng thời đây cũng là hành lang pháp lý thuận
lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân triển khai nghiên cứu, ứng
dụng tiến bộ CNTT và truyền thông trong phát triển DLTM.
Công tác quản lý nhà nước cấp trung ương về phát triển du lịch thông minh
Trên cơ sở các chủ trương, định hướng và
chính sách của Đảng, Chính phủ về tăng cường áp dụng CNTT và truyền
thông; Bộ VHTTDL đã ban hành nhiều văn bản về ứng dụng CNTT và truyền
thông để phát triển DLTM:
– Quyết định số 3611/QĐ-BVHTTDL
(31/12/2021) của Bộ trưởng Bộ VHTTDL phê duyệt Chương trình chuyển đổi
số của Bộ VHTTDL đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
– Quyết định số 172/QĐ-BVHTTDL
(25/1/2022) của Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ban hành Kế hoạch phát triển du
lịch số giai đoạn 2021-2025.
– Quyết định số 3570/QĐ-BVHTTDL
(21/12/2022) của Bộ trưởng Bộ VHTTDL phê duyệt Đề án “Ứng dụng công nghệ
của công nghiệp 4.0 để phát triển DLTM, thúc đẩy du lịch trở thành
ngành kinh tế mũi nhọn”.
Mục tiêu chung của Đề án nhằm ứng dụng
công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển hệ sinh thái
DLTM tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch trong
thời đại số, hỗ trợ kết nối hiệu quả giữa cơ quan quản lý nhà nước về
du lịch, doanh nghiệp, khách du lịch và các chủ thể liên quan. Phát
triển DLTM đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu đổi
mới, quản lý nhà nước ngày càng hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực
phát triển của du lịch Việt Nam, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi
nhọn, đảm bảo phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Mục tiêu cơ bản đến năm 2025 bao gồm:
Phát triển hệ sinh thái DLTM đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong phát
triển đô thị thông minh bền vững; Ứng dụng các công nghệ tiên tiến phát
triển các nền tảng, ứng dụng phục vụ khách du lịch, các chủ thể liên
quan; Hoàn thành Cổng thông tin du lịch; Tích hợp các ứng dụng tiện ích
hỗ trợ khách du lịch, các chủ thể liên quan; Hoàn thành nền tảng quản
trị và kinh doanh du lịch nhằm đẩy mạnh ứng dụng các mô hình kinh doanh
du lịch trực tuyến và thương mại điện tử trong du lịch (e-tourism); Xây
dựng các sản phẩm được ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để nâng
cao trải nghiệm cho khách du lịch; Phát triển hệ thống dữ liệu số, cơ sở
dữ liệu ngành Du lịch làm nền tảng cho xây dựng các ứng dụng DLTM; Kết
nối, chia sẻ hệ thống thông tin về du lịch từ Trung ương đến địa phương
và doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch; Hình thành Trung tâm
điều hành du lịch và đi vào vận hành thử nghiệm, kết nối thí điểm với
một số địa phương phát triển DLTM.
Ưu tiên phát triển DLTM đồng bộ tại các
tỉnh, thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, TP Hạ Long (Quảng
Ninh), TP Huế (Thừa Thiên Huế), TP Đà Lạt (Lâm Đồng), Hà Giang, Quảng
Trị, An Giang và Kiên Giang.
– Quyết định số 405/QĐ-BVHTTDL ngày
24/02/2023 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL về việc ban hành Kế hoạch chuyển đổi
số của Bộ VHTTDL năm 2023.
Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cũng đã
phối hợp, hỗ trợ giúp các địa phương, các điểm đến xây dựng các điểm đến
thông minh, qua các đề án, dự án, chương trình ứng dụng CNTT và truyền
thông để phát triển DLTM.
Những kết quả trong phát triển du lịch thông minh tại Việt Nam
Các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch
tại Việt Nam đã phối hợp cùng với các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong và
ngoài nước tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị, tọa đàm với quy mô cấp quốc
tế, quốc gia, cấp tỉnh, cấp ngành… để đánh giá thực tiễn, cơ hội và
tiềm năng, thống nhất nhận thức và hành động về phát triển DLTM tại Việt
Nam.
Những chủ trương của Đảng, Chính phủ, Bộ
VHTTDL đã được Tổng cục Du lịch tích cực thực hiện và đã xây dựng các
nền tảng số hỗ trợ hoạt động du lịch phát triển như: Hệ thống cơ sở dữ
liệu du lịch Việt Nam; hệ thống vé – thẻ điện tử, thẻ DLTM; hệ thống
thuyết minh DLTM (multimedia guide); triển khai kênh truyền thông của
Tổng cục Du lịch trên nền tảng số vào năm 2022; các ứng dụng “Du lịch
Việt Nam – VietnamTravel” và nền tảng số quốc gia “Quản trị và kinh
doanh du lịch”; phát hành thẻ “Thẻ Việt – Thẻ Du lịch thông minh”, xây
dựng website “Trang vàng du lịch Việt Nam: http://trangvangdulichvietnam.vn”, triển khai ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” để hỗ trợ khách du lịch.
Ngành Du lịch cũng đang đầu tư, hoàn
thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, thông tin cho ngành qua việc xây dựng cổng
thông tin điện tử (http://nentangso.vietnamtourism.gov.vn.)
để cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý, doanh nghiệp du lịch,
người dân và khách du lịch nhằm tăng cường tương tác và trao đổi dữ liệu
đa chiều, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch.
Các địa phương đều đã tập trung nghiên
cứu, ứng dụng công nghệ hỗ trợ du lịch, triển khai Cổng thông tin điện
tử DLTM để hỗ trợ khách du lịch khá hiệu quả. Những mô hình dẫn đầu là
Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh; ngoài ra nhiều địa phương khác cũng
triển khai thành công: Hà Giang, TP Hạ Long, Ninh Bình, Quảng Trị, TP
Huế, Khánh Hòa, TP Đà Lạt, Cần Thơ, An Giang và Kiên Giang. Nhiều điểm
du lịch đã áp dụng thành công công nghệ hỗ trợ để tổ chức trình diễn và
sự kiện: Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng lịch sử quốc gia, Văn miếu –
Quốc Tử Giám; Cố đô Huế; Bảo tàng điêu khắc Chăm; Công viên Ấn tượng Hội
An…
Nhiều địa phương đã lắp đặt các trạm phát wifi miễn phí tại các thành phố, điểm du lịch để du khách thuận tiện truy cập dữ liệu.
Nhiều app DLTM được vận hành thành công
như: Du lịch Hà Nội; Hanoi Offline Map and Travel Guide; Hanoi Bus; Ho
Chi Minh City Travel Guide; Vibrant Ho Chi Minh City; Sai Gon Bus;
DaNang Tourism; Đà Nẵng cũng đã sử dụng ứng dụng chabot DaNang
Fantasticcity…
Các sàn giao dịch du lịch trực tuyến đã
xuất hiện, cho phép du khách tìm kiếm, so sánh, lựa chọn, cập nhật thông
tin về dịch vụ du lịch (Tripi, IVIVU…).
Một số địa phương đã thực hiện chuyển
đổi số ngành Du lịch, xây dựng cơ sở dữ liệu ngành Du lịch và số hóa tài
nguyên. Nhiều công nghệ hiện đại để hỗ trợ hoạt động du lịch đã được
nghiên cứu, triển khai: Thẻ, vé điện tử; phần mềm kiểm soát an ninh; hệ
thống thuyết minh tự động, trợ lý hướng dẫn viên ảo; áp dụng mã QR; sử
dụng công nghệ âm thanh, ánh sáng để tổ chức các sự kiện và lễ hội…
Các doanh nghiệp lớn có tiềm lực cũng đã
ứng dụng công nghệ trong khai thác phục vụ nhằm tăng trải nghiệm cho
khách như: SunGroup; VinGroup; FLC… với các ấn phẩm, trò chơi giải trí
công nghệ, phim 3D, 4D, 9D, 12D và tổ chức trình diễn các sự kiện giải
trí nghệ thuật công nghệ.
Nhiều sản phẩm DLTM đã tạo nên tiện ích
cho cả doanh nghiệp và du khách: Hệ thống cảm biến tự động; Hệ thống đặt
chỗ trực tuyến; Phần mềm quản lý doanh nghiệp; Hệ thống quản lý dịch vụ
tại khách sạn, hãng hàng không, chuỗi nhà hàng…; Bãi đỗ xe thông minh;
Máy bán hàng tự động; Hợp đồng điện tử, hóa đơn điện tử và chữ ký số;
Khai thác mạng xã hội để quảng bá và kinh doanh du lịch…
Những rào cản khi phát triển du lịch thông minh tại Việt Nam
Phát triển DLTM đã mang lại nhiều thành
tựu quan trọng, góp phần hiện đại hóa ngành Du lịch, nâng cao hiệu quả
công tác quản lý và khai thác tài nguyên du lịch, đa dạng hóa sản phẩm
du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả kinh tế, tạo nên sự
thuận lợi cho du khách… Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đáng khích
lệ ban đầu, vẫn còn nhiều trở ngại đặt ra cho ngành Du lịch và các bên
liên quan:
– Nhận thức và ý thức về phát triển
DLTM: Sự thiếu hiểu biết về bản chất, ý nghĩa của phát triển DLTM và các
kiến thức, kỹ năng cụ thể đối với cán bộ quản lý, chủ doanh nghiệp,
nhân viên phục vụ và đặc biệt là đối với các du khách và cộng đồng địa
phương có trình độ kỹ thuật thấp. Khi hiểu biết về DLTM còn có những chỗ
chưa thống nhất, thì sẽ không nhất quán trong cách thức phối hợp, triển
khai các hoạt động cụ thể trong hệ sinh thái DLTM. Bên cạnh đó, thay
đổi văn hóa trong việc sử dụng công nghệ thông minh trong du lịch để
hình thành thói quen trong công việc, trong hành vi tiêu dùng du lịch
cũng là một thách thức.
– Quản lý và hợp tác chưa hiệu quả: Cần
có sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan như chính phủ, doanh
nghiệp, và cộng đồng địa phương để đảm bảo rằng các giải pháp DLTM được
triển khai một cách hiệu quả và bền vững.
Những nỗ lực của Chính phủ và một số địa
phương, doanh nghiệp lớn đã có nhiều kết quả, nhưng sự khác biệt trong
cách tiếp cận, trong điều kiện thực hiện và ý chí chủ quan cũa mỗi bên
dẫn đến sự thiếu đồng nhất, đồng bộ và hạn chế khả năng liên thông, kết
nối để tạo thành hệ sinh thái DLTM cho ngành Du lịch Việt Nam. Sự phát
triển của DLTM làm thay đổi cơ bản phương thức hoạt động của các chủ thể
liên quan trong triển khai hoạt động du lịch, trong khi các quy định về
pháp lý không theo kịp thực tiễn và bối cảnh phát triển.
– Hạ tầng kỹ thuật yếu: Mặc dù đã có sự
cải thiện, nhưng hạ tầng kỹ thuật tại một số địa phương, nhất là các
điểm du lịch ở vùng sâu, vùng xa vẫn còn hạn chế, gây khó khăn trong
việc triển khai các công nghệ thông minh và cung cấp dịch vụ du lịch
hiện đại. Sự thiếu đồng bộ trong CNTT và truyền thông, hạ tầng và các
thiết bị di động và các ứng dụng thông minh cũng là một hạn chế đáng kể
khi khai thác hiệu quả các ứng dụng thông minh trong hoạt động du lịch.
Nhiều ứng dụng công nghệ thông tin còn
hạn chế, chưa được đầu tư nghiên cứu, phát triển đầy đủ nên không đảm
bảo chất lượng, không đảm bảo tính hiện đại – thông minh, hạn chế tính
năng, thông tin nghèo nàn và không đảm bảo cập nhật… Ở nhiều địa phương,
tồn tại quá nhiều ứng dụng công nghệ thông minh khiến cho du khách bị
rối loạn khi lựa chọn thông tin.
– Thiếu nhân lực chất lượng: Đội ngũ
nhân lực về xây dựng DLTM còn chưa được đào tạo chuyên nghiệp. Sự thiếu
hụt nhân lực có kỹ năng, kiến thức và năng lực để vận hành hiệu quả về
công nghệ thông minh trong ngành Du lịch là một thách thức đối với việc
triển khai các giải pháp thông minh.
– Còn thiếu các doanh nghiệp đủ tiềm lực
tham gia đầu tư phát triển DLTM: Các doanh nghiệp, bao gồm cả doanh
nghiệp công nghệ và doanh nghiệp du lịch ở Việt Nam đa số là các doanh
nghiệp nhỏ, hạn chế về nguồn lực (tài chính, nhân sự, khả năng khai thác
thị trường…). Sự tham gia phát triển DLTM hiện còn chưa phổ biến, mà
chỉ tập trung vào một số tập đoàn lớn: VNPT, FPT, Viettel, VinGroup,
SunGroup, FLC, một số thương hiệu du lịch lớn khác… Khi phát triển DLTM
mà chỉ dựa vào một số ít doanh nghiệp lớn như hiện nay, sẽ tiềm ẩn nhiều
rủi ro cho phát triển ngành Du lịch của một quốc gia vì sẽ phụ thuộc
hoàn toàn vào tình trạng tài chính của các doanh nghiệp đó.
– Sự phát triển không đồng đều giữa các
địa phương: DLTM hiện chỉ phát triển thuận lợi ở những địa phương, địa
điểm có điều kiện kinh tế xã hội và giàu tiềm lực, có hạ tầng công nghệ
hoàn thiện, thu hút được lượng lớn du khách. Trong khi đa số vùng lãnh
thổ thì do hạn chế về điều kiện kinh tế, hạ tầng công nghệ, nhận thức và
hiểu biết… nên không thể đầu tư cho phát triển DLTM.
– Bảo mật thông tin: Vấn đề bảo mật
thông tin và quản lý dữ liệu cá nhân, đảm bảo quyền riêng tư của du
khách vẫn còn là một vấn đề đang phải đối mặt, đặc biệt là khi triển
khai các dịch vụ trực tuyến và ứng dụng di động.
– Giá cả và chi phí: Một số giải pháp
công nghệ thông minh có thể đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu cao, làm tăng
chi phí và trở thành rào cản cho các doanh nghiệp và tổ chức du lịch,
đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Để vượt qua các thách thức này, cần phải
giải quyết nhiều vấn đề khác nhau: Từ hiểu biết, nhận thức của các cấp
và các bên liên quan về phát triển DLTM; quyết tâm và ý chí phát triển
DLTM; những thành tựu về CNTT và truyền thông; sự phát triển của thị
trường du lịch… theo một lộ trình khoa học, phù hợp với thực tiễn phát
triển của bối cảnh kinh tế – xã hội, của ngành du lịch tại Việt Nam.
MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN DU LỊCH THÔNG MINH TẠI VIỆT NAM
Phát triển DLTM ở Việt Nam đang đứng
trước nhiều cơ hội khá thuận lợi: Vai trò và vị thế của nền kinh tế Việt
Nam đang ngày càng quan trọng trên trường quốc tế; nền kinh tế và ngành
Du lịch Việt Nam đang phục hồi và phát triển năng động; nguồn tài
nguyên du lịch của Việt Nam có sức thu hút khách du lịch quốc tế; Đảng
và Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách quyết liệt nhằm phát
triển DLTM; hạ tầng CNTT và truyền thông của Việt Nam tương đối phát
triển; các doanh nghiệp CNTT Việt Nam đã làm chủ được nhiều công nghệ,
kỹ thuật hiện đại; sự tham gia của các thương hiệu quốc tế uy tín trong
lĩnh vực du lịch và công nghệ số tại Việt Nam; nguồn nhân lực dồi dào và
có chất lượng cao trong lĩnh vực IT ở Việt Nam…
Từ những phân tích trên, căn cứ vào các
bối cảnh phát triển của nền kinh tế, của ngành Du lịch Việt Nam và xu
thế phát triển DLTM, tác giả đề xuất một số giải pháp cơ bản để phát
triển DLTM trong thời gian tới ở Việt Nam như sau:
Thứ nhất, tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển du lịch thông minh
Phát triển DLTM cần có sự phối hợp của
Nhà nước, chính quyền các cấp và các bên liên quan: Các bộ ngành; các
doanh nghiệp CNTT và truyền thông; các doanh nghiệp du lịch; cộng đồng
dân cư; khách du lịch. Do vậy, cần có sự thống nhất ý chí, hành động và
sự đồng thuận trên cơ sở hiểu biết, nhận thức đúng, đầy đủ về lợi ích do
DLTM mang lại cũng như những kiến thức, năng lực trong phát triển DLTM.
Việc tuyên truyền và nâng cao nhận thức
về DLTM cần được tiến hành theo nhiều hình thức: Tổ chức các sự kiện và
hội thảo; Xây dựng và phát hành tài liệu để giải thích và giáo dục về
DLTM; Sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội để chia sẻ thông tin,
kinh nghiệm về DLTM, thu hút sự quan tâm và thảo luận từ cộng đồng mạng;
Tổ chức các chương trình giáo dục và thông tin trong các trường học,
trường đại học, cơ quan chính phủ và các tổ chức xã hội để truyền đạt
thông điệp về DLTM; Tổ chức các chiến dịch tuyên truyền để tạo ra sự chú
ý và tăng cường nhận thức về DLTM; Hợp tác với các tổ chức địa phương,
doanh nghiệp và cộng đồng để phát triển các chương trình tuyên truyền và
giáo dục cộng đồng về DLTM; Tạo ra các cơ hội cho cộng đồng tham gia
vào quá trình phát triển và quản lý DLTM…
Thứ hai, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho phát triển du lịch thông minh
Nhà nước cần nghiên cứu bối cảnh và điều
kiện phát triển của ngành Du lịch để xác định mục tiêu, chiến lược và
lộ trình phát triển DLTM. Trên cơ sở đó, Bộ VHTTDL, Cục Du lịch Quốc gia
Việt Nam cần nghiên cứu, ban hành hoặc tham mưu đề xuất một số cơ chế,
chính sách thúc đẩy phát triển DLTM: Xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế
hoạch, đề án phát triển du lịch quốc gia theo định hướng phát triển
DLTM; Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu phát triển CNTT và truyền
thông, phát triển công nghệ thông minh; Hỗ trợ doanh nghiệp CNTT và
truyền thông đầu tư phát triển hạ tầng CNTT; Hỗ trợ, khuyến khích các
địa phương, các doanh nghiệp tăng cường đầu tư ứng dụng công nghệ, phát
triển DLTM; Khuyến khích nghiên cứu xây dựng các mô hình và ứng dụng
thông minh trong phát triển du lịch…
Bộ VHTTDL, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam
cần nghiên cứu đề xuất cơ chế hợp tác giữa chính phủ, doanh nghiệp và
các tổ chức phi chính phủ để thúc đẩy sự phát triển và triển khai các
giải pháp DLTM một cách đồng bộ, nhịp nhàng, trong đó có cơ chế hợp tác
công tư.
Thứ ba, đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông minh trong lĩnh vực du lịch
– Hỗ trợ nghiên cứu và phát triển công
nghệ: Chính phủ có thể hỗ trợ (công cụ tài chính, cơ chế…) khuyến khích
nghiên cứu và phát triển các công nghệ thông minh.
– Tiến hành công nhận, cấp bằng phát
minh sáng chế, sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm công nghệ, ứng dụng thông
minh trong phát triển du lịch.
– Thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông minh
trong du lịch: Khuyến khích doanh nghiệp và cá nhân phát triển các ứng
dụng và giải pháp công nghệ thông minh.
– Hợp tác với các cơ sở đào tạo: Tăng
cường hợp tác giữa chính phủ, doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo để thúc
đẩy nghiên cứu và ứng dụng công nghệ; phát triển các chương trình đào
tạo về công nghệ thông minh trong du lịch.
– Triển khai các chương trình, đề án, kế
hoạch nghiên cứu, phát triển các công nghệ và ứng dụng, tiện ích thông
minh trong phát triển du lịch.
– Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng công
nghệ (internet, hệ thống GPS, hệ thống định vị, các thiết bị thông
minh…) để triển khai các giải pháp DLTM.
Thứ tư, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực
Phát triển DLTM trước hết cần phải có những con người thông minh.
– Tổ chức các chương trình đào tạo và
huấn luyện về công nghệ thông minh trong du lịch, bao gồm cả các khóa
học về phát triển ứng dụng di động, trải nghiệm thực tế ảo, quản lý dữ
liệu và quản lý dự án.
– Hợp tác với các cơ sở đào tạo: Xây
dựng các chương trình hợp tác giữa ngành du lịch và các cơ sở đào tạo để
phát triển chương trình đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng và kiến thức
về công nghệ thông minh.
– Tạo ra các cơ hội và hỗ trợ cho những
tổ chức và cá nhân tham gia vào các dự án nghiên cứu và sáng tạo trong
lĩnh vực DLTM với sự hỗ trợ của chính phủ, ngành Du lịch, ngành Thông
tin truyền thông và các doanh nghiệp, nhà tài trợ.
– Tăng cường hợp tác với doanh nghiệp
nước ngoài để người lao động Việt Nam có thể tiếp cận kiến thức, kinh
nghiệm, năng lực sáng tạo và kinh nghiệm quản lý, vận hành công nghệ
thông minh trong du lịch.
Thứ năm, tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển du lịch thông minh
Là một quốc gia đang trong giai đoạn đầu của phát triển DLTM, Việt Nam cần tăng cường hợp tác quốc tế trên các khía cạnh sau:
– Hợp tác nghiên cứu và phát triển: Hợp
tác với các tổ chức và các nhà nghiên cứu để phát triển các công nghệ và
giải pháp thông minh cho ngành Du lịch.
– Chia sẻ thông tin, kinh nghiệm: Nhận
được sự chia sẻ từ các quốc gia về chính sách, các dự án, mô hình, quy
trình, quản lý và điều phối DLTM.
– Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực:
Qua hỗ trợ các chương trình đào tạo và trao đổi kiến thức, trao đổi
chuyên gia, tài liệu, đào tạo và cấp chứng chỉ…
– Xây dựng liên kết với các doanh
nghiệp: Chính phủ, ngành Du lịch, các doanh nghiệp du lịch trong nước
hợp tác với các đối tác quốc tế để cung cấp những sản phẩm và dịch vụ
DLTM.
– Thúc đẩy du lịch bền vững: Hợp tác
quốc tế cũng có thể tập trung vào việc thúc đẩy du lịch bền vững thông
qua việc chia sẻ các phương pháp và chính sách quản lý du lịch hiệu quả,
phát triển thị trường, phát triển marketing số…
KẾT LUẬN
Chuyển đổi số trong phát triển du lịch
là một thay đổi tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị
trường và xu thế của thời đại, tạo nên điểm nhấn và tăng cường năng lực
cạnh tranh cho ngành Du lịch. Việt Nam là một quốc gia có nhiều cơ hội
và đã đạt được những thành tựu ban đầu trong phát triển DLTM. Bài viết
này đã hệ thống hóa một số cơ sở lý luận về phát triển DLTM; trao đổi về
thực tiễn phát triển DLTM tại Việt Nam; qua đó tác giả đã đề xuất các
giải pháp cơ bản để phát triển DLTM tại Việt Nam trong thời gian tới.
Để phát triển DLTM thành công trong
tương lai, cần có sự phối hợp của không chỉ ngành Du lịch và lĩnh vực
thông tin truyền thông, mà còn có sự chung tay của tất cả các cấp, các
ngành, các địa phương và các bên liên quan. Xây dựng và thực thi chiến
lược phát triển DLTM chỉ được thực hiện thành công nếu chúng ta có một
lộ trình khoa học, sáng tạo. Việc triển khai các định hướng mà bài viết
đề cập cần căn cứ vào thực tiễn phát triển của ngành Du lịch, của ngành
Thông tin truyền thông và bối cảnh thực tiễn của thị trường du lịch để
lựa chọn những bước đi linh hoạt, phù hợp với những thay đổi không ngừng
của thị trường và công nghệ./.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ VHTTDL (2022), Quyết định số
3570/QĐ-BVHTTDL về việc Phê duyệt Đề án “Ứng dụng công nghệ của công
nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành
ngành kinh tế mũi nhọn”.
2. Dimitrios Buhalis, (2021), Smart Tourism: A Critical Review of the Literature. Annals of Tourism Research, 36(1), 26-39.
3. Gretzel, U., Mariana Sigala, Zheng Xiang, Chulmo Koo (2015), Smart tourism: Foundations and developments, Electronic Markets, 25 (3), 179-188.
4. Thủ tướng Chính phủ (2018), Quyết định 1671/QĐ-TTg ban hành Đề án tổng thể ứng dụng CNTT trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025.
5. Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
6. Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định 411/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Ngày nhận bài: 14/11/2024; Ngày phản biện: 25/11/2024; Ngày duyệt đăng: 02/12/2024
Nguồn: Tạp chí Kinh tế và Dự báo