Lần đầu đưa khách đến Tokyo gặp phải siêu bão, anh Khởi bình tĩnh giải quyết nhờ thông tin được cập nhật liên tục, khách sạn địa phương hỗ trợ. – Du lịch
Một tuần sau khi bão Hagibis đổ bộ Nhật Bản, anh Phạm Đình Khởi (HDV Vietravel chi nhánh Hà Nội) vẫn nhớ về chuyến đi Osaka – Tokyo ngày 12/10. Anh tự nhủ nếu ở một quốc gia khác, với sức gió giật hơn 250 km/h, đoàn của anh có lẽ đã bị ảnh hưởng rất lớn.
Tại Nhật Bản, công tác chuẩn bị tránh bão diễn ra chuyên nghiệp, giúp HDV như anh Khởi có thể chủ động trên suốt hành trình. Chính quyền khuyến cáo người dân đối phó với bão trước 3 đến 4 ngày và thông báo lịch cấm đường, ngày giờ hoạt động của tàu cao tốc… Trước khi bão đổ bộ 2 ngày, người Nhật đổ xô tới siêu thị và cửa hàng tiện lợi để mua đồ ăn dự trữ, bếp ga du lịch, đèn pin, nước uống…
Các bản tin trên truyền hình Nhật Bản và ứng dụng cập nhật 24/24h về đường đi của bão Hagibis. “Nhiều khách choáng trước độ phủ sóng thông tin tới người dân xứ sở mặt trời mọc”, anh kể. Theo HDV có 18 năm kinh nghiệm này, công tác phòng tránh bão vốn quen thuộc với người dân Nhật, bởi một năm có trên dưới 20 trận bão, động đất dưới 3 độ gần như ngày nào cũng có.
Nếu theo lịch trình, anh Khởi (51 tuổi) sẽ đưa đoàn tham quan núi Phú Sĩ, tắm khoáng và mua sắm vào 12/10. Tuy nhiên tài xế thông báo chính quyền sẽ cấm đường cao tốc khi bão đổ bộ, do đó anh Khởi cố gắng cho đoàn về sớm, đặt an toàn của khách lên hàng đầu. “Những người trong đoàn thường xuyên ra nước ngoài, hiểu mưa bão là chuyện bất khả kháng nên thông cảm khi tour bị thay đổi”, anh nói.
Đoàn về khách sạn ở trung tâm Tokyo trước giờ nhận phòng. Do đó, anh Khởi phải thương lượng để lễ tân ưu tiên xếp phòng nghỉ cho khách trước. Công ty đối tác Nhật Bản cũng hỗ trợ nâng hạng suất ăn cao cấp hơn. Thời gian đó, khách được khuyến cáo không ra khỏi nơi lưu trú. “Tôi còn nhận thông tin động đất 5,3 độ xảy ra ngoài khơi tỉnh Chiba, gần Tokyo, nhưng dư chấn tại Tokyo chỉ khoảng 3 độ nên khách không hay biết”, anh nhớ lại.
Khoảng 21h tối 12/10, trời bắt đầu có gió giật nhưng bão không đi thẳng vào Tokyo mà hướng sang Chiba, tỉnh hứng chịu nặng nề nhất. Đêm đó, anh Khởi thức giấc một lần vì điện thoại nhận thông báo về cầu sập ở thành phố Ueda, tỉnh Nagano ở miền trung.
Sáng 13/10, bão tan, HDV đưa khách khám phá Tokyo, lúc này tàu cao tốc vẫn bị cấm và xe buýt chưa hoạt động. “Thành phố đẹp và rất sạch, mưa bão nhưng không có cây đổ tại khu vực gần khách sạn. Trên đường có nhiều cảnh sát, điều đó mình hiếm khi thấy”, anh Khởi nói và cho biết cảnh sát và nhiều tổ chức thiện nguyện có mặt ngay để hỗ trợ người dân.
Đoàn sau đó vẫn đủ thời gian tham quan Hoàng cung và phố cổ Ginza trước khi ra sân bay vào buổi chiều. Sau cơn bão, hầu như mọi hoạt động giao thông tại Tokyo đều được khôi phục. Đoàn của anh Khởi mất 2 tiếng xếp hàng tại sân bay do đông hành khách làm thủ tục, sau khi gần 1.000 chuyến bay bị hủy vào hôm trước. Chuyến bay trở về Hà Nội bị trễ 40 phút và đoàn kết thúc chuyến đi theo đúng lịch trình.
Anh Khởi cho biết, trong suốt thời gian đi tour, HDV phải luôn chủ động nắm tình hình để lên phương án xử lý, từ tính toán lịch trình đến lo nơi lưu trú, bữa ăn cho khách. “Việc đầu tiên là đảm bảo khách không bị ảnh hưởng quá nhiều, nhất là về tính mạng. Sau đó, tôi phải cập nhật thông tin trên mạng, từ đối tác, những người xung quanh như nhân viên khách sạn, nhà hàng… để có đối sách”, anh chia sẻ.
“Nếu không có đồ ăn trong khách sạn, tôi phải tính mua cơm hộp từ đâu, đoàn không thể dùng ô vì gió to, tôi phải xem mua áo mưa thế nào. Nếu khách sạn không cho check-in sớm, tôi cần tính toán để khách nghỉ ở đâu, chơi gì cho đỡ buồn trong lúc chờ đợi”, anh nói.
Chuyến đi đầu tháng 10 là lần đầu tiên anh Khởi dẫn tour Nhật vào đúng dịp có bão. Với kinh nghiệm gần 20 năm trong nghề, anh cho rằng mọi khó khăn trong hành trình đều có thể giải quyết, điều quan trọng nhất là đảm bảo an toàn cho khách.
Phạm Huyền