Hướng dẫn viên Nhàn xúc động và không cầm được nước mắt khi nhận tiền tip từ đoàn khách là công nhân của một công ty thức ăn gia súc. – Du lịch
Nguyễn Hữu Nhàn tốt nghiệp đại học vào năm 2007 và đang là hướng dẫn viên (HDV) tại công ty Vietravel. Dưới đây là chia sẻ của nam HDV về các “quy định” cho tip.
Có một kỷ niệm tôi vẫn không thể nào quên với đoàn khách là công nhân của một công ty thức ăn gia súc. Ngày chia tay khi kết thúc hành trình, một người trong số họ đứng ra để thu tiền tip cho anh em chúng tôi. Trong số tiền trưởng đoàn đưa tôi, những tờ tiền lẻ được xếp thẳng thớm rồi mới trao.
Khi biết đoàn khách có thu nhập không cao, chúng tôi không nghĩ rằng sẽ nhận tiền tip của họ. Việc phục vụ khách hàng thật tốt là trách nhiệm của chúng tôi. Nhưng khoảnh khắc cầm “xấp tiền” ấy trên tay thật sự khiến tôi khóc vì xúc động, như từ tấm lòng chạm đến tấm lòng. Với tôi, ngay lúc đó, tiền nhiều hay ít đã không có ý nghĩa gì nữa.
Cũng có lần, tôi nhận được 20.000 đồng tiền tip từ một gia đình 3 người trong tour từ Sài Gòn lên Đà Lạt. Tôi nhận khoản tiền ấy bằng cả tấm lòng để ghi nhận tình cảm của du khách dành cho mình. Mỗi lần như thế, tôi lại trân trọng nhiều hơn nghề nghiệp mà mình đã chọn.
Trong ngành dịch vụ, tiền tip là một khoản trả thêm ngoài chi phí cố định – thường rất phổ biến. Tiền tip dựa theo tình cảm, sự hài lòng của bên được phục vụ, tuỳ theo thực tế tài chính của khách hàng.
Nếu thường xuyên đi tour du lịch nước ngoài, bạn sẽ biết khoản tip được thể hiện rõ trong hợp đồng hoặc chương trình tour khi nhân viên các công ty tư vấn cho khách. Việc thu tiền tip của HDV tour nước ngoài được thực hiện một cách rõ ràng. Tuy nhiên, với tour nội địa, khoản tip không bắt buộc, không được đề cập trong hợp đồng. Đây cũng là một thiệt thòi đối với HDV nội địa.
Tôi không so sánh công việc của một HDV tour trong nước và quốc tế khác nhau hay bên nào nặng hơn, nhưng tour nội địa và nước ngoài cơ bản có nhiều điểm khác nhau. Điều này dẫn đến đặc thù của các HDV.
Gọi là HDV tour quốc tế, nhưng công việc của người này thường là trưởng đoàn (tour leader). Công việc của trưởng đoàn sẽ được san sẻ với đối tác của công ty ở nước ngoài. Ngoài thuyết minh, giới thiệu thông tin điểm đến cho khách, HDV tour trong nước phải trở thành đại diện của công ty để kiểm tra chất lượng dịch vụ trong cả chuyến đi, từ bữa ăn đến phòng ngủ, phương tiện đi lại. Một HDV nội địa giỏi đòi hỏi cần có nhiều thứ, quan trọng là sự kiểm soát và nắm bắt tốt, giải quyết được bất kỳ tình huống nào có thể xảy ra.
Khi một hành trình khép lại, đánh giá tour thành công trọn vẹn hay không là ở sự hài lòng của khách hàng, mà đó là kết quả làm việc từ nhiều bộ phận, không chỉ riêng HDV. Tôi cho rằng, khoản tiền tip được xem là một cử chỉ thiết thực, khẳng định rõ rệt sự hài lòng của du khách trong suốt chuyến đi. Khoản tip sẽ được chia đều ra cho các bộ phận trực tiếp phục vụ du khách suốt hành trình: HDV, tài xế, phụ xe…
Tuy nhiên, trong gần 15 năm làm nghề, tôi gặp không ít trường hợp du khách cảm thấy bất bình khi lần đầu tiên nghe đến việc phải trả tiền tip hoặc tiền tip quy định quá cao. Từng quốc gia bạn đi qua sẽ có văn hóa “tip” khác nhau. Hiểu được điều ấy giúp bạn thoải mái hơn trong việc cư xử và hưởng thụ kỳ nghỉ của mình.
Tôi cảm thấy, người Việt hầu như chưa quen việc tip cho người phục vụ. Nhiều người không biết đây cũng là một khoản phí dịch vụ bắt buộc tại nhà hàng hoặc một số khách sạn. Nhưng ngược lại, tôi cũng gặp nhiều đoàn khách không chỉ tip cho HDV, lái xe mà cả bell-man (người khuân vác hành lý trong khách sạn). Đôi khi khoản này không nhiều, nhưng tôi cho rằng, người nhận được sẽ cảm thấy vui, thậm chí là hạnh phúc.
Để tránh gây ra sự lầm tưởng hay những điều không đáng có cho người mua tour du lịch về khoản tip, tôi cho rằng nhân viên tư vấn của các công ty nên nói cho khách hàng hiểu ngay từ đầu. Nếu khoản tip đã đề cập rõ trong hợp đồng mua tour nước ngoài, cần có những quy định tương tự cho tour trong nước.
Tip không phải là khoản phí bắt buộc, cũng không phải là thu nhập chính đối với HDV, nhưng khoản tiền dù lớn hay nhỏ đều là một sự động viên tinh thần lớn, thiết thực nhất đối với những người phục vụ.
Phong Vinh ghi
Những câu chuyện về hướng dẫn viên là loạt bài do Du lịch phối hợp cùng Vietravel thực hiện. Đây là nơi để hướng dẫn viên Việt chia sẻ những kinh nghiệm cuả mình trên mỗi hành trình, cũng như cung cấp những thông tin hữu ích trên đường cho du khách.