Khi đến Gate of Hell, Thúy Anh thầm nghĩ nơi này chính xác phải gọi là “địa ngục trần gian”, vì nhìn rất đáng sợ và luôn rực lửa. – Du lịch
Hoàng Thúy Anh, Việt kiều Mỹ sống tại Texas, từng đi du lịch hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ. Turkmenistan là quốc gia mới nhất cô ghé thăm, nằm trong hành trình ba tuần đi 4 nước “stan” vào đầu tháng 9. Ba nước còn lại gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan.
Trước khi làm thủ tục cho Thúy Anh lên máy bay, nhân viên tại sân bay quốc tế Khiva, Uzbekistan đã hỏi đi hỏi lại: “Bạn có chắc là đến Turkmenistan không? Nơi đó khó lắm!”.
Khi Thúy Anh gật đầu, nữ nhân viên ngạc nhiên rồi gọi thêm 4 đồng nghiệp nam nữa đến kiểm tra toàn bộ giấy tờ tùy thân của cô trong 25 phút, rồi mới đồng ý cho bay.
Đó cũng là 25 phút chờ đợi mà Thúy Anh cảm nhận “dài nhất cuộc đời”. Cô sợ họ sẽ không đồng ý cho bay đến Turkmenistan vì đây là một trong những quốc gia chưa quá cởi mở với khách du lịch. Cô nhìn quanh, những người xếp hàng tại quầy phía sau hầu hết đều cầm hộ chiếu Turkmenistan và dường như chỉ có bản thân là du khách.
Theo tờ Times of India, Turkmenistan là một trong những quốc gia đón ít khách quốc tế nhất thế giới năm 2023 khi chỉ có gần 20.000 lượt khách ghé thăm. Quốc gia này cũng thuộc nhóm mở cửa đón khách trở lại muộn nhất thế giới, từ tháng 3/2023.
Bên cạnh mục tiêu đặt chân đến mọi nơi trên Trái Đất, Thúy Anh nói muốn đến Turkmenistan vì bị thu hút khi xem gợi ý 5 điểm đến đáng sợ nhất thế giới của BBC. Gate of Hell (Cổng địa ngục) nằm trong số đó.
“Đường đến Cổng địa ngục thật gian nan”, Thúy Anh nói từng nhiều lần nghĩ đến bỏ cuộc rồi sau đó tự động viên để có thêm quyết tâm.
Trong 5 tiếng ngồi trên máy bay từ Uzabekistan, Thúy Anh ngậm kẹo ho liên tục. Nữ khách phải tìm mọi cách để giữ ấm cổ do máy bay lạnh cóng. Tại sân bay quốc tế Ashgabat, khách đến vẫn phải làm xét nghiệm cúm. Nếu ho, Thúy Anh sợ họ sẽ không cho cô nhập cảnh.
Cô đến thủ đô Ashgabat lúc 2h, sân bay chia làm hai hàng dài: một hàng đứng đợi làm xét nghiệm test nhanh, một hàng đợi nhập cảnh. Trong lúc không biết nên bắt đầu từ đâu, Thúy Anh nhìn thấy hướng dẫn viên địa phương, Ella Azizova, đang cầm bảng ghi tên mình.
Câu đầu tiên Ella hỏi khi gặp Thúy Anh là có phải cô đã đi hơn 100 nước trên thế giới rồi không. Nữ du khách gốc Việt bất ngờ vì đúng là cô đã đi rất nhiều nơi nhưng thông tin này được giữ kín, chưa từng chia sẻ với công ty du lịch khi mua tour. Ella cho biết “chỉ có những ai đi hơn 100 nước, không biết đi đâu nữa thì mới đến Turkmenistan”.
Sau đó, Thúy Anh được Ella hướng dẫn “cắt hàng” để làm thủ tục nhanh chóng, điều khiến cô khá sốc. “Có thể khách du lịch được ưu ái hơn chăng”, cô đoán.
Trong lúc chờ đến lượt nhập cảnh, hai người đàn ông Romania bắt chuyện với Thúy Anh. Họ đến Turkmenistan vì công việc và ngạc nhiên khi thấy cô đến đây du lịch vì “nơi này rất kỳ lạ”.
“Tôi lại tự trấn an đã đến được đây rồi thì cứ đi thôi”, Thúy Anh nói.
Vào ngày thứ ba ở Turkmenistan, Thúy Anh được hướng dẫn viên đưa đến Gate of Hell, điểm du lịch nổi tiếng nhất nước.
Được biết đến với tên biệt danh “Cổng địa ngục”, hố khí Darvaza có đường kính 70 m, sâu 20 m được bao quanh bởi những cồn cát tại sa mạc Karakum xa xôi. Từ thủ đô Ashgabat, Thúy Anh phải ngồi xe 5 tiếng, đi qua những con đường đất gồ ghề và đầy bụi.
Hơn 50 năm trước, các nhà thám hiểm Liên Xô đã đến Turkmenistan để khoan tìm khí đốt và được cho là đã tạo ra hố khí Darvaza. Ngày nay, Darvaza là một hố lửa khổng lồ, được khách tìm kiếm nhiều nhất tại quốc gia này, theo CNN.
Cảm nhận đầu tiên Thúy Anh khi đến Cổng địa ngục chính là “nóng”. Đứng quanh miệng hố, du khách có thể cảm nhận được sức nóng dữ dội tỏa ra khi lửa táp vào mặt.
“Tôi mong khi chết sẽ được lên thiên đàng, vì đã đến địa ngục lúc còn sống rồi”, cô hài hước chia sẻ suy nghĩ của mình khi đứng trên Cổng địa ngục.
Trước đây, Thúy Anh thường được nghe kể về quỷ Satan luôn muốn thoát ra khỏi địa ngục. Khi đến Gate of Hell, cô đã hiểu rõ lý do Satan lại làm vậy. “Vì ở địa ngục quá nóng”, chị nói và “nóng kinh khủng” là những gì nữ khách nhớ nhất về hố lửa này.
Khi lên kế hoạch, Thúy Anh đã nghiên cứu và tìm hiểu các thông tin trên mạng. Một trong số đó là lời khuyên của một du khách Canada, người được kênh truyền hình Mỹ National Geographic tài trợ đến khám phá Cổng địa ngục. Người này tư vấn du khách nên mặc quần áo chống lửa, mặt nạ phòng độc khi đến gần vì hố Darvaza cháy nhờ khí metan. Tuy nhiên, công ty du lịch địa phương không đưa ra bất kỳ khuyến cáo nào cho Thúy Anh.
Buổi tối, Thúy Anh nhờ hướng dẫn viên cùng lái xe và ông chủ cho cô thuê lều bạt gần đó dẫn ra tham quan Cổng địa ngục một lần nữa, cho giống các trải nghiệm được hướng dẫn trên mạng.
Ban đêm nhiệt độ thấp hơn nhưng miệng hố vẫn rất nóng, cộng thêm gió nóng sa mạc thổi mạnh nên cô chỉ dừng lại quan sát một lúc nhanh rồi trở về lều. Đêm đó, cô cũng ra ngoài lều để ngắm dải ngân hà – điều mà Thúy Anh khó có thể tìm thấy ở những vùng đô thị khác trên thế giới do ô nhiễm ánh sáng.
Sau 5 ngày, Thúy Anh bình yên quay về Mỹ và chuẩn bị đồ cho chuyến du lịch tiếp theo đến quần đảo Malta & Cyprus. Ngoài cổng địa ngục, điều cô nhớ nhất về quốc gia Trung Á là đường phố luôn sạch sẽ dù bị sa mạc bao quanh. Ban ngày hay buổi đêm, thủ đô Ashgabat luôn vắng bóng người, cô hầu như không gặp bất kỳ người dân nào đi bộ trên đường ngoại trừ học sinh.
Đồ ăn tại Turkmenistan rẻ, 1-2 USD một món và đều là suất “khổng lồ”, 2-3 người ăn mới hết. Giá một bữa ăn tại khách sạn 5 sao với thực đơn 7 món chỉ tốn của Thúy Anh 10 USD. Mức giá của các nhà hàng bên ngoài cũng tương tự, chưa tới 10 USD cho bữa ăn 4-5 món.
Điều duy nhất Thúy Anh không thích là người dân “chặt chém” khách du lịch. Khi ghé thăm một ngôi làng, cô mua đồ lưu niệm và sử dụng dịch vụ massage, tẩy da chết toàn thân. Khi biết cô là người Mỹ, họ tính giá cao gấp 6 lần so với người dân địa phương – 95 USD cho dịch vụ massage. “Khi tôi từ chối vì quá đắt, họ mới tính 15 USD theo giá người trong vùng”, Thúy Anh kể.
Có những vùng đất cô quay lại rất nhiều lần nhưng Turkmenistan không phải điểm đến như vậy. “Một lần là đủ rồi”, nữ du khách gốc Việt chia sẻ.
Phương Anh