Cuộc sống ở nơi được ví như thiên đường

Du khách nhí được bố mẹ cho đi tham quan day tour tại các ngôi làng ở Fiji. Ảnh: Fiji islands

Đảo quốc Fiji được ví như thiên đường, nhưng cuộc sống hàng ngày của người dân lại phức tạp hơn vẻ ngoài du khách nhìn vào. – Du lịch

Đối với khách du lịch, Fiji là những bãi cát trắng mịn, ngôi nhà gỗ nằm trên mặt nước lý tưởng cho các cặp đôi hưởng trăng mật, biển xanh. “Thiên đường” cũng là từ đầu tiên nhiều người nghĩ đến khi nhắc tới Fiji.

Tuy nhiên, với những người dân sống trên đảo, bức tranh lại phức tạp hơn.

TJ Patel, chủ nhà hàng Vasaqa, là dân bản xứ ở thành phố Nadi, nơi có sân bay quốc tế. Anh đã quen với việc gặp gỡ mọi người từ khắp hành tinh đến nhà hàng của mình dùng bữa và sớm nhận ra rất ít người có thể tìm thấy Fiji trên bản đồ thế giới.

“Nếu bạn không thể tìm thấy Australia trên bản đồ thì cơ hội nhìn thấy chiếc kim lẫn trong đám cỏ khô rất hiếm”, Patel nói.

Du khách nhí được bố mẹ cho đi tham quan day tour tại các ngôi làng ở Fiji. Ảnh: Fiji islands

Du khách nhí được bố mẹ cho đi tham quan tại các ngôi làng ở Fiji. Ảnh: Fiji islands

“Kim trong đống cỏ khô” mà Patel miêu tả chính là Fiji, quần đảo nằm ở Nam Thái Bình Dương với dân số chưa đến một triệu người. Khoảng 50% trong số đó sống ở thủ đô Suva. Đảo quốc này có ba ngôn ngữ chính: tiếng Anh, tiếng Fiji và tiếng Hindi Fiji (được nói bởi những người gốc Ấn Độ). Chính sự mơ hồ về mặt địa lý này khiến nhiều du khách đưa ra các giả định không chính xác về cuộc sống thực sự tại đất nước này.

“Nhiều người nghĩ dân Fiji luôn ở cạnh các bãi biển”, chuyên gia quan hệ công chúng kiêm blogger phong cách sống người địa phương Evlyn Mani nói. Trên thực tế, Fiji không chỉ có những bãi biển và các ly cocktail nhiều màu sắc.

Trong định nghĩa của Patel, Fiji là quốc gia có tính gắn kết chặt chẽ, nơi mọi người đều biết nhau và những người rời đi nơi khác kiếm sống vẫn muốn quay về quê hương để tham gia các lễ kỷ niệm lớn.

Đảo chính ở Fiji có tên Viti Levu, bé đến mức chỉ mất 5 tiếng lái xe vòng quanh là đi hết mọi ngóc ngách. Do đó, một người chỉ cần sống đến tuổi hẹn hò là có thể quen biết hết những người khác trên đảo.

Cagi Ratudamu chụp ảnh tại khu nghỉ dưỡng nơi anh đang làm việc tại Fiji. Ảnh: CNN

Cagi Ratudamu chụp ảnh tại khu nghỉ dưỡng nơi anh đang làm việc tại Fiji. Ảnh: CNN

Sự kiện cộng đồng quan trọng nhất ở Fiji là nghi lễ kava. Kava là loại cây rễ có chất gây nghiện nhẹ được nghiền thành bột, trộn với nước. Mọi người sẽ múc thứ nước này từ một chiếc bát lớn gọi là tanoa để uống.

Khách quốc tế cũng được tham gia nghi lễ kava, được mời một bát nước. Đây là hành động chào mừng khách quý đến chơi nhà.

Cagi Ratudamu lớn lên ở làng Laselase và rất coi trọng các nghi lễ này. Anh nói bất kỳ ai đến thăm làng đều được chào đón bằng nghi lễ truyền thống của người bản địa. Người bản địa sẽ cài hoa dâm bụt hoặc hoa sứ lên tai trái với hàm ý thông báo còn độc thân, tai phải là đã có gia đình.

Radutamu làm việc tại khách sạn sang trọng Nanuku Resort gần thị trấn Pacific Harbour ở mũi phía nam của Viti Levu. Trong khi đó, hầu hết người trong làng anh kiếm sống bằng nghề trồng rau.

Chantae Reden, người Mỹ, chuyển đến Suva cùng chồng vào năm 2017. Cô thích lối sống cộng đồng của người dân địa phương nhưng phải mất thời gian để làm quen. Một trong những trải nghiệm cô cảm thấy thú vị nhất tại Fiji là đi xem phim. “Người Fiji thích hét vào màn hình, đặc biệt là khi xem phim kinh dị”, cô nói.

Mani, lớn lên ở Sigatoka, một thị trấn ở phía tây nam Viti Levu và hiện sống tại Suva, cho biết người Fiji rất thích tập thể dục do thời tiết trên đảo ôn hòa. Mani thích chạy, yoga. Cô kết bạn với mọi người tại phòng tập thể dục, khi đi bộ đường dài, bơi lội, lặn cũng như nhiều hoạt động ngoài trời khác. “Nếu bạn chơi bóng bầu dục, bạn có thể kết bạn với hầu hết người dân ở Fiji”, Reden nói.

Bóng bầu dục không chỉ là môn thể thao quốc gia mà còn được coi như một tín ngưỡng ở Fiji. Tuyển bầu dục nước này đã giành huy chương vàng tại Thế vận hội 2016 và 2020. Khi một trận bóng bầu dục của đội Fiji diễn ra, người dân sẽ bỏ hết mọi thứ đang làm để tập trung vào màn hình.

Chantae Reden và chồng chụp ảnh trên một bãi biển tại Fiji. Ảnh: CNN

Chantae Reden và chồng chụp ảnh trên một bãi biển tại Fiji. Ảnh: CNN

Với những người ít thích vận động, họ cũng sẽ luôn có thứ để làm tại Suva như thăm triển lãm nghệ thuật, vẽ tranh, chơi nhạc sống. Hai thành phố trên đảo, thủ đô Suva và Nadi, nơi có sân bay, tập trung nhiều trung tâm, tòa nhà cao tầng, thương hiệu quốc tế. Nhưng theo Reden, du khách không cần phải đi xa để thấy một khía cạnh khác của Fiji.

Trong thành phố, mọi người sống trong những căn hộ ba phòng ngủ bình thường. Nhưng khi ra vùng ngoại ô, du khách sẽ thấy nhiều ngôi nhà trông giống như các khu định cư, được làm từ gỗ, kim loại. Phần lớn các ngôi nhà này đều là nhà lắp ráp.

Fiji cũng được coi là trung tâm của Thái Bình Dương, do đó nhiều người dân bản ngữ nói tiếng Anh. Nơi đây cũng có wifi tốc độ cao và có nhiều chuyến bay thẳng đến Mỹ, Canada, Nhật Bản, Singapore, Australia.

Trong khi nhiều thứ ở nước ngoài du nhập vào Fiji, chất xám ở đảo quốc lại chảy ra ngoài. Thế hệ trẻ với trình độ cao đang tìm bến đỗ là những quốc gia khác để sinh sống, làm việc, kiếm nhiều tiền hơn như Australia, New Zealand.

Ngân hàng Thế giới xếp Fiji vào nhóm quốc gia “dễ bị tổn thương” với khoảng 1,3% người dân sống trong cảnh nghèo đói và hơn 50% dân số sống với mức dưới 7 USD một ngày.

Chồng Reden nói thêm không có nhiều cơ hội cho người nước ngoài tìm việc trên đảo vì chính quyền ưu tiên việc làm cho người dân. “Ngay cả việc làm tình nguyện cũng khó”, Reden nói.

Anh Minh (Theo CNN)


Bài viết được đề xuất