Nhật Bản thúc đẩy chiến lược cân bằng nhu cầu du khách và bảo tồn lễ hội truyền thống

Theo trang SCMP, ngôi đền Shinto thường tổ chức lễ hội thờ cúng các vị thần trong hàng thế kỷ và trở thành điểm đến thu hút lễ hội lớn ở cố đô Kyoto của Nhật Bản, một thành phố vốn đã quá tải vì lượng khách du lịch.

 Đội kéo xe hoa khổng lồ qua các con phố trong cuộc diễu hành Yamahoko tại Lễ hội Gion ở Kyoto, Nhật Bản, năm 2023. Ảnh: AFP

Quy định mới của lễ hội – sẵn sàng bán chỗ ngồi cho những người sẵn sàng trả nhiều tiền để có ghế VIP ngắm nhìn lễ hội không bị gián đoạn và được phục vụ đồ ăn uống – đang gây ra lo lắng cho người dân địa phương.

Những hoạt động tương tự cũng đang thịnh hành trên khắp Nhật Bản khi những người tổ chức lễ hội địa phương hy vọng sẽ có thêm doanh thu từ du khách quốc tế.

Khi những tấm vé đặc biệt được bán tại Lễ hội Gion nổi tiếng của Kyoto, Akiyoshi Nomura – sư trụ trì Đền Yasaka đã lên tiếng, đặc biệt là khi nhu cầu phục vụ đồ uống có cồn tăng mạnh.

Lập luận rằng lễ hội tôn giáo sâu sắc này “không phải là một buổi biểu diễn” mà là một sự kiện thiêng liêng, ông Akiyoshi Nomura nhấn mạnh lịch sử lâu đời và quan trọng của lễ hội tại đền thờ này đã bắt đầu từ thời Heian (794-1192). Sau đó, lễ hội đã trở thành lễ hội Thần đạo thường niên, theo văn phòng thành phố Kyoto.

Lễ hội Gion đã phát triển qua nhiều thế kỷ và trở thành một trong những lễ hội lớn và nổi tiếng nhất ở Nhật Bản.

Chỉ riêng sự kiện tiêu biểu là cuộc diễu hành xe hoa Yamahoko – được đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO – đã thu hút khoảng 140.000 người đến xem dọc theo tuyến đường diễn ra vào ngày 17/7/2024, theo cảnh sát Kyoto.

 Hàng nghìn người tham dự Lễ hội Gion năm 2023. Ảnh: AFP

Quyết định cung cấp chỗ ngồi độc quyền cho thấy chính quyền các thành phố Nhật Bản cảm thấy họ cần phải làm gì để đảm bảo sự tồn tại của các lễ hội. Nhiều lễ hội trong số đó bắt nguồn từ truyền thống và di sản của Thần đạo hoặc tín ngưỡng bản địa.

Những người quảng bá lễ hội Aomori Nebuta, một lễ hội lửa mùa hè ở tỉnh Aomori phía đông bắc, là một trong những người đầu tiên giới thiệu chỗ ngồi cao cấp. Họ có ý tưởng cung cấp chỗ ngồi VIP cho 8 người tại lễ hội nổi tiếng để xem các cuộc diễu hành xe hoa khổng lồ được chiếu sáng vào ban đêm.

Họ đã nhận được sự quan tâm lớn khi ban đầu chỉ bán chỗ ngồi tại lễ hội năm 2022 với giá 1 triệu yên (6.300 đô la Mỹ). Các gói vẫn tiếp tục được bán, với mức giá tăng lên 1,1 triệu yên vào năm 2024.

Lễ hội Awa Odori ở tỉnh Tokushima, miền tây Nhật Bản, cũng làm theo cách này vào năm 2023 bằng cách tung ra vé cao cấp cho ghế ngồi trong khán đài với giá 200.000 yên/người, bao gồm cả những ghế dành riêng cho du khách nước ngoài.
Những chiếc ghế hạng VIP cho phép du khách quan sát cận cảnh người biểu diễn. Tuy nhiên, sau đó người ta xác định rằng cấu trúc chỗ ngồi tạm thời không đáp ứng các tiêu chuẩn xây dựng hợp pháp, khiến ban tổ chức phải hoàn lại phí vé và ngừng dịch vụ.

Các lễ hội Aomori và Tokushima đều cung cấp đồ ăn và đồ uống đặc sản, bao gồm rượu sake và các loại đồ uống có cồn khác. Ngoài ra, người giữ vé còn được tiếp cận với các chuyên gia để biết thêm thông tin chi tiết về các buổi biểu diễn.

Lễ hội Gion ở Kyoto đã tham gia vào phong trào này vào năm 2023 và cung cấp vé cao cấp với giá 400.000 yên/ghế cho đoàn diễu hành rước kiệu Yamahoko.

Tổng cộng có 84 ghế ngồi cao cấp được lắp đặt vào năm 2023 và 60 ghế vào năm 2024 tại một ngã tư ở trung tâm thành phố phía tây.

Từ góc nhìn thuận lợi, du khách có thể xem những chiếc xe hoa quay 90 độ. Họ cũng được hướng dẫn bằng âm thanh đa ngôn ngữ để bổ sung cho trải nghiệm.

Cân bằng giữa du lịch và bảo tồn lễ hội truyền thống

Cân bằng giữa du lịch và bảo tồn lễ hội truyền thống là chiến lược đã đặt ra ngay trước sự kiện lễ hội năm 2024, khi sư trụ trì Nomura phản đối kế hoạch phục vụ đồ uống có cồn cho gói trải nghiệm cao cấp.

 Các nghệ sĩ Nhật Bản biểu diễn trong Lễ hội khiêu vũ Awa Odori ở tỉnh Tokushima. Ảnh: Shutterstock

Hiệp hội du lịch Kyoto đã xin lỗi về việc phục vụ đồ uống có cồn tại lễ hội và hứa sẽ chỉ phục vụ đồ uống có ga tại lễ hội năm 2024. Hiệp hội nhấn mạnh các nghi lễ truyền thống phải được tôn trọng đồng thời lưu ý việc cung cấp chỗ ngồi cao cấp vẫn sẽ được cân nhắc lại vào năm 2025.

Hiệp hội cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “duy trì đúng truyền thống”.

“Chúng ta phải tôn trọng các quy định nghi lễ”, hiệp hội cho biết

Các chuyên gia du lịch chỉ ra tầm quan trọng của việc duy trì sự cân bằng tinh tế giữa nhu cầu du khách và bảo tồn nghi lễ truyền thống khi tổ chức lễ hội.

Yoshihiro Sataki, Giáo sư du lịch tại Đại học Quốc tế Josai, có cơ sở tại Togane và Tokyo, cho biết ý tưởng cung cấp chỗ ngồi cao cấp xuất phát từ ” sự suy giảm lượng người tham gia lễ hội và số lượng khách du lịch đến Nhật Bản ngày càng tăng”.

Ông lưu ý rằng nhiều lễ hội đang gặp khó khăn do thiếu người tham gia và chi phí an ninh tăng cao. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng xu hướng mới nhất “có thể dẫn đến phản ứng dữ dội nếu truyền thống từng được bảo tồn cẩn thận đang bị phá vỡ”.

“Điều quan trọng là phải quan tâm đến cảm xúc của người dân địa phương, những người đã duy trì và truyền lại truyền thống qua nhiều thế hệ”, Giáo sư Yoshihiro Sataki nhấn mạnh.

Hồng Nhung

Báo điện tử Tổ Quốc – toquoc.vn – Đăng ngày 07/01/2025

Bài viết được đề xuất