Khách Tây tố bị lừa tiền cách ly ở Indonesia

Khách quốc tế đã tiêm vaccine ba mũi phải cách ly ba ngày khi đến Indonesia. Những người mới tiêm hai mũi cần cách ly năm ngày và bảy ngày với người tiêm một mũi. Ảnh: Antara

Bộ Du lịch Indonesia đang điều tra một đường dây lừa đảo có biệt danh “mafia kiểm dịch”, ép khách du lịch kéo dài thời gian cách ly. – Du lịch

Giới chức Indonesia nhận được nhiều phàn nàn từ khách quốc tế, phản ánh việc họ bị những người liên quan đến hoạt động của “mafia kiểm dịch” làm phiền.

Một du khách Ukraine nói rằng nhân viên khách sạn ở Jakarta yêu cầu cô cách ly lâu hơn thời gian quy định, và trả tiền thuê phòng cao hơn. Sự việc xảy ra vào ngày cách ly cuối cùng. Nữ du khách được thông báo có kết quả PCR dương tính. Sau khi nhận thông tin, Bộ Du lịch cử người đến xét nghiệm PCR lần nữa. Kết quả âm tính, nữ du khách được tự do.

Khách quốc tế đã tiêm vaccine ba mũi phải cách ly ba ngày khi đến Indonesia. Những người mới tiêm hai mũi cần cách ly năm ngày và bảy ngày với người tiêm một mũi. Ảnh: Antara

Khách quốc tế đã tiêm vaccine ba mũi phải cách ly ba ngày khi đến Indonesia. Những người mới tiêm hai mũi cần cách ly năm ngày và bảy ngày với người tiêm một mũi. Ảnh: Antara

Hồi tháng 1, Jade, một du khách Canada, cho biết cô nhận kết quả dương tính vào cuối kỳ cách ly 10 ngày. Cô bối rối vì thấy mình hoàn toàn khỏe mạnh và không có triệu chứng. Tờ kết quả ghi sai số phòng cùng ngày tháng năm sinh của Jade và một số thông tin khác.

Nữ du khách đã gọi điện tới đại sứ quán Canada tại Indonesia để nhờ giúp đỡ. Jade được xét nghiệm PCR lần hai và vẫn có kết quả dương tính. Nhưng điều khiến cô nghi ngờ là hai lần xét nghiệm đều do cùng một y tá tại khách sạn thực hiện. Dù vậy, Jade vẫn chấp hành cách ly 21 ngày với chi phí phát sinh hơn 2.000 USD. Hiện cô du lịch Lombok.

Một phát ngôn viên của đại sứ quán Canada xác nhận “có báo cáo về gian lận trong công tác xét nghiệm Covid-19 tại Indonesia” và “đang hỗ trợ những người bị ảnh hưởng”.

Bên cạnh nghi ngờ về kết quả dương tính giả, nhiều du khách phàn nàn về tiêu chuẩn lưu trú, chi phí cách ly tại Jakarta.

Matthew Joseph Martin, một người Mỹ, nói rằng anh nhận kết quả dương tính vào ngày cách ly cuối cùng tại khách sạn tự chọn. Anh và con trai buộc phải chuyển nơi khác để tiếp tục cách ly. Tại khách sạn mới, anh được yêu cầu ký thỏa thuận chấp nhận mọi khoản phí phát sinh. Nhưng thỏa thuận không ghi thời gian cách ly, cũng như chi phí. Ban đầu, Matthew từ chối nhưng nhân viên khách sạn đe dọa anh sẽ bị trục xuất khỏi Indonesia. Nếu điều đó xảy ra, anh sẽ không thể đoàn tụ cùng vợ con đang sống ở Bogor (cách Jakarta 60 km). Cuối cùng, Mathew ký thỏa thuận, sau khi yêu cầu thông báo rõ chi phí.

Anh gọi đây là một trò lừa đảo vì phải trả 1.700 USD cho một tuần lưu trú trong điều kiện khác xa tưởng tượng. “Khách sạn rất bẩn. Nó không có lợi cho sức khỏe của những người mắc Covid-19”, anh nói.

Mathew cũng gửi email phản ánh với Bộ Du lịch về tình trạng của khách sạn, đăng video quay lại phòng cách ly trên Instagram. Khách sạn nơi Mathew ở chưa lên tiếng về sự việc này.

1.700 USD là phí sinh hoạt anh và con trai ở trong một tuần, nhưng điều kiện khách sạn ở rất tệ. Ảnh: Matthew Martin

Matthew (trái) bị đe dọa trục xuất khỏi Indonesia nếu từ chối chuyển đến khách sạn cách ly tại Jakarta. Ảnh: Matthew Martin

Giới chức Indonesia quyết định ngăn các vụ lừa đảo này tiếp diễn bằng cách cho phép khách du lịch thực hiện xét nghiệm độc lập (sau khi nhận kết quả dương tính lần một khi nhập cảnh). Bộ trưởng Du lịch Sandiaga Uno cho biết những quy định và tiêu chuẩn mới đã được ban hành “để đối phó với ‘mafia kiểm dịch'”. Ông Uno cũng khẳng định Bộ đang điều tra và sẽ xử phạt nặng những người vi phạm luật pháp.

Ông Uno cho biết sẽ có một đường dây nóng bằng tiếng Anh và Bahasa để hỗ trợ những du khách đang cách ly. Bộ phận trợ giúp sẽ cung cấp thông tin, quy định mới nhất của chính phủ về kiểm dịch.

Phát biểu của ông Uno được đưa ra sau khi Tổng thống Joko Widodo ra lệnh cho cảnh sát quốc gia điều tra lỗ hổng trong hệ thống kiểm dịch. Cảnh sát đã lập một đội đặc nhiệm để xử lý các cáo buộc lừa đảo này. Tuy nhiên, họ chưa công bố chi tiết kết quả. Theo truyền thông địa phương, có 12 khách sạn nằm trong đường dây trên, với 300 người địa phương liên quan và 417 khách quốc tế đang lưu trú.

Đại diện cảnh sát Indonesia cũng cho biết sẽ có biện pháp cứng rắn với bất kỳ đối tượng nào liên quan đến các vụ lừa đảo cách ly, vì hành vi này đang làm tổn hại đến hình ảnh quốc gia trong mắt du khách quốc tế.

Hiệp hội Nhà hàng & Khách sạn (PHRI) bác bỏ cáo buộc về “mafia kiểm dịch”. Họ khẳng định các đơn vị cung cấp dịch vụ cách ly không phạm pháp và những trải nghiệm mà khách quốc tế gặp phải có thể do hiểu lầm. “Không có cái gọi là mafia kiểm dịch. Chúng tôi chưa hề tìm thấy bằng chứng sai phạm nào”,Vivi Herlambang, người phát ngôn của PHRI, nói.

Người phát ngôn của Lực lượng Đặc nhiệm Xử lý Covid-19, Wiku Adisasmito, cũng bác bỏ cáo buộc về nạn lừa đảo trong khách sạn cách ly. Ông cho rằng công chúng không nên phóng đại sự việc khi không có bằng chứng.

Theo dữ liệu từ lực lượng đặc nhiệm này, hơn 2.700 người âm tính với Covid-19 khi nhập cảnh Jakarta vào tháng 1 có kết quả dương tính khi kết thúc thời gian cách ly tiêu chuẩn (7 hoặc 10 ngày).

Anh Minh (Theo ABC)

Bài viết được đề xuất