Hàn Quốc- Những vị khách trả tiền để ngồi yên, nhìn vào trời mây hay cây cối, tĩnh lặng hoàn toàn. – Du lịch
Nằm khuất trong con đường nhỏ gần công viên Rừng Seoul (Seoul Forest) ở thủ đô là quán cà phê Green Lab, chỉ có 10 ghế. Điều kiện để khách ngồi trong quán là không nói chuyện, điện thoại để chế độ im lặng, bỏ giày dép bên ngoài. Quy tắc này được đặt ra nhằm giúp các vị khách hoàn toàn thư giãn.
Vào một buổi chiều trong tuần, Jung Jae-hwan, 38 tuổi, đưa đồng nghiệp đến quán. Là dân kinh doanh, Jung luôn tìm cách thư giãn để tạm ngắt nhịp hối hả của chốn thương trường. Anh từng tập pilates và yoga nhưng vẫn muốn tìm một nơi không phải làm gì. Cuối cùng Jung gắn bó với Green Lab.
“Tôi muốn nhấn nút dừng để có một khoảnh khắc cho riêng mình. Trong không gian này, quy định là không làm gì. Điều đó khiến tâm trí thả lỏng hoàn toàn”, Jung bày tỏ.
Tới đây, Jung có thời gian đọc sách, tận hưởng mùi tinh dầu, ngắm hoa, sáng tác thơ… Từ sau buổi đến quán cà phê này, Jung có thêm những ý tưởng mới trong công việc. Anh được tiếp thêm năng lượng và cảm thấy sảng khoái vì những thay đổi tích cực.
Ahn Areum, 32 tuổi, đồng nghiệp của Jung, cũng thích đến quán này. Cô tìm đến đây khi phải đối mặt với những lo lắng, căng thẳng hàng ngày trong đại dịch.
“Tôi đã rất mệt mỏi, không có thời gian nghỉ ngơi. Hết giờ làm việc, tôi về nhà và làm việc nhà. Tôi chỉ có 30 phút rảnh rỗi trước khi ngủ và đó là thời gian dành cho điện thoại. Với một thời gian biểu như thế, tôi không thể nghỉ ngơi hoàn toàn”, cô nói.
Green Lad mở cửa trước đại dịch, theo một xu hướng mới nổi khuyến khích thực hành “nghi lễ” chăm sóc bản thân hàng ngày. Ban đầu, khách hàng bỡ ngỡ với ý tưởng đến một quán cà phê để dành thời gian cho chính mình. Nhưng giờ quán gần như luôn kín chỗ mỗi ngày và ít khi thừa chỗ cho khách vãng lai, dù lượng ghế đã tăng gấp ba.
“Trong xã hội hiện đại Hàn Quốc hiện nay, khó có thể tìm được một không gian chấp nhận người ta ngồi không. Tôi nghĩ mô hình này cần thêm thời gian để trở nên phổ biến rộng rãi. Khi cuộc sống thường nhật thay đổi trong đại dịch, họ sẽ dần quen với khái niệm này”, Bae Hyun, nhân viên quán, chia sẻ.
Không chỉ Seoul, đảo Jeju cũng có một quán cà phê tương tự, Goyose. Quán có hai tầng, không gian trên lầu dành cho những người đặt chỗ trước và ngồi yên tĩnh một mình. Quán cũng bán các vật dụng đi kèm để khách có thể ngồi làm thơ, viết thư cho chính mình, nhâm nhi cà phê hay món tráng miệng. Một quán cà phê tại Busan cũng khuyến khích khách hàng ngồi nhìn chằm chằm vào màn hình tivi chiếu video một đống lửa trại.
Trên đảo Ganghwa, ngoài khơi bờ biển Hàn Quốc là quán cà phê mang tên Mung Hit. Quán xếp những chiếc ghế có tựa lưng, đối diện với gương. Khách ngồi vào ghế đó, và nhìn chằm chằm vào chính mình trong gương. Quán cũng có những góc yên tĩnh để khách ngồi thiền, đọc sách hoặc ngồi cạnh ao nước, ghế trong vườn, nhìn ngắm núi non trước mắt. Quán không tiếp trẻ em và vật nuôi.
Ji Ok Jung, quản lý, cho biết quán mở cửa từ tháng 4/2019 nhằm cung cấp một không gian để khách hàng có thể tự chữa lành. Trong đại dịch, quán thu hút lượng lớn khách hàng. “‘Hitting mung’ là một khái niệm để tâm trí và trái tim trống rỗng, từ đó bạn sẽ lấp đầy mình với những ý tưởng và suy nghĩ mới mẻ. Chúng tôi muốn tạo ra một nơi cho tất cả những ai kiệt sức vì cuộc sống hiện đại”, Ji nói.
Ta Jung Kim, 32 tuổi, tìm thấy quán cà phê này trên mạng và sắp xếp một buổi rời xa thành phố đến đây. Quán có những vị khách khác, nhưng cô tìm thấy đủ tĩnh lặng để ở một mình. “Khi tôi ngồi đó thư giãn, ngắm nhìn cảnh quan và uống cà phê, tôi cứ thế thả lỏng. Tôi cảm thấy thư thái, như thể trái tim rộng mở. Những suy nghĩ bận rộn trong đầu tự nhiên biến mất, và tôi quay trở lại với cuộc sống với cái nhìn tích cực hơn”, cô chia sẻ.
Người Hàn Quốc dùng tiếng lóng để chỉ xu hướng ngồi ngơ ngẩn này là “hitting mung”, trong đó “mung” là trạng thái trống rỗng. “Mung” có thể ghép với rừng cây vào cuối thu khi lá thay màu, đi với lửa cho những trải nghiệm ngắm nhìn đống lửa trại, và ghép với nước để chỉ những hoạt động thiền định ven sông hồ. Khái niệm này đang lan rộng ra một số không gian công cộng.
Những không gian và trải nghiệm như vậy không hẳn là một hiện tượng phổ biến. Nhưng giới nghiên cứu cho rằng chúng có thể phát triển ở Hàn Quốc vì mô hình này nắm bắt được cảm giác bị mắc kẹt và cô đơn của con người trong hai năm dịch bệnh. Nhà nghiên cứu tiêu dùng Yoon Duk-hwan hy vọng những cuộc trốn thoát để thư giãn này sẽ thành một xu hướng mới, giúp mọi người thoát khỏi tình trạng căng thẳng vì vật lộn với đại dịch thời gian qua.
Anh Minh (Theo Washington Post)