Italy- Những du khách tới làng Coumboscuro tự hỏi không biết mình có đến nhầm nước không, khi người dân không nói tiếng Italy. – Du lịch
Có biệt danh là “tiểu Provence”, Sancto Lucio de Coumboscuro là ngôi làng biệt lập nằm ở vùng Piedmont, gần biên giới Pháp. Để tới đây, du khách cần bay đến Turin, đi tàu rồi bắt xe bus hoặc tự lái về phía nam từ Provence, Pháp. Những du khách đến đây thường đặt câu hỏi: họ có đến nhầm quốc gia không, bởi người địa phương nói một ngôn ngữ xa lạ, thay vì tiếng Italy, hoặc thậm chí là tiếng Pháp.
Thực tế, ngôn ngữ chính thức của làng là tiếng Provençal, một phương ngữ thời trung cổ được sử dụng trên khắp vùng Occitania của Pháp. Hiện chỉ có 30 người trong làng, và cuộc sống của họ không mấy dễ dàng. Phần lớn các hộ gia đình chăn cừu, và gia súc của họ thường bị sói hoang tấn công. Mùa đông thường không có điện trong nhiều tuần, mạng internet là điều xa xỉ. Bạn cũng cần “quên” các quán bar, nhà hàng và siêu thị hay những xu hướng hot trên mạng xã hội.
Đổi lại, họ có thể tận hưởng những bình nguyên yên bình, những cánh đồng hoa oải hương tím rực rỡ quanh làng. Đó là một nơi lý tưởng để bạn nghỉ dưỡng, tránh xa thành thị xô bồ. Ngoài ra, ngôi làng còn “chiêu đãi” khách đường xa ghé thăm bằng tầm nhìn ngoạn mục tới các đỉnh trên dãy Alpine. Mối quan tâm của người dân chỉ đơn giản là những sự kiện văn hóa của làng hay những chuyến đi hái nấm cuối tuần.
Người dân sống giản dị, chậm rãi và hòa mình vào thiên nhiên. “Chúng tôi không có tivi. Khi mất điện trong 15 ngày liên tiếp, chẳng có lý do gì để bạn phải sợ hãi: chúng tôi thắp đèn dầu như thời ông bà mình”, Agnes Garrone, 25 tuổi nói.
Garrone cùng anh em điều hành một trang trại cổ, mẹ cô trồng các loại thảo mộc để làm thuốc, và làm si rô từ lá cơm cháy và hoa bồ công anh. Garrone thường thức dậy vào lúc bình minh để chăm sóc đàn cừu và làm điều đó 365 ngày mỗi năm. Cô không nghỉ kể cả Giáng sinh hay năm mới, vì ngay cả trong lễ hội, đàn cừu vẫn cần được ăn và chăm sóc.
Trang trại của nhà Garrone tình cờ là nhà nghỉ duy nhất trong làng. Du khách đặt phòng sẽ ngủ trong những túp lều bằng gỗ truyền thống, nếm thử hoa trái tươi hái từ vườn. Họ cũng có thể mua len cao cấp từ lông cừu Sambucana – một giống cừu bản địa. “Mọi người đều được chào đón, chúng tôi muốn họ khám phá thế giới của mình. Chúng tôi không muốn bị lãng quên và nơi đây có rất nhiều di sản để chia sẻ”, Garrone bày tỏ.
Garrone coi tiếng Provençal là tiếng nói thông thường của mình hơn là tiếng Italy. Cô cho rằng, sử dụng ngôn ngữ này và trở thành một phần của cộng đồng văn hóa nơi đây khiến cô ý thức mạnh mẽ về nơi mình sinh ra. Điều này cũng dễ hiểu vì vùng Piedmont, nơi ngôi làng tọa lạc từng do người Italy và Pháp lần lượt cai trị nhiều lần trong quá khứ. Theo một cách nào đó, dân địa phương không thấy mình nói tiếng Italy hay Pháp. Với họ, hai ngôn ngữ ấy pha trộn, tạo ra tiếng Provençal.
Được bao quanh bởi những khu rừng trồng cây phỉ và tần bì, làng Coumboscuro gồm 21 cụm dân cư nhỏ nằm rải rác. Mỗi khu chỉ có một vài ngôi nhà làm bằng đá và gỗ. Để đi từ khu này sang khu khác, người ta băng qua hững con đường mòn đi bộ xuyên rừng, hoặc bạn có thể đạp xe, leo núi, cưỡi ngựa… Khu chính của làng chỉ gồm 8 ngôi nhà gỗ trang trí bích họa, quây quần quanh một nhà nguyện cũ có từ năm 1018.
Trong nhiều năm, dân số của làng cũng giảm. Nhưng nơi đây trải qua một cuộc hồi sinh vào những năm 1950. Một trong những người có công cho cuộc hồi sinh này là ông nội của Garrone, Sergio Arneodo. Ông là giáo viên, tiếp quản trường làng và nghiên cứu ngôn ngữ địa phương của tổ tiên. Ông đã giúp khôi phục nguồn gốc của ngôn ngữ Provençal cũng như nét hấp dẫn trong văn hóa dân gian, thúc đẩy cộng đồng ngày càng phát triển.
Italy chính thức công nhận sự tồn tại của cộng đồng thiểu số của vùng Occitania vào năm 1999 và tiếng Provençal hiện được luật pháp bảo vệ. Tuy nhiên, phương ngữ này vẫn có nguy cơ biến mất trong tương lai. UNESCO đưa tiếng Provençal vào Bản đồ những ngôn ngữ cần bảo tồn vào năm 2010.
Ngày nay, du khách có nhiều điều để khám phá ở làng Coumboscuro: xem các vở kịch nói mà các diễn viên mặc trang phục truyền thống, các chương trình nghệ thuật, hòa nhạc, lễ hội cùng các điệu múa dân gian… Ngoài ra, bạn có thể ghé thăm các cửa hàng bán đồ thủ công, bảo tàng Dân tộc học, trung tâm nghiên cứu…
Mỗi tháng 7, hàng nghìn người nói tiếng Provençal khắp thế giới đổ về đây, cùng mặc trang phục truyền thống tham gia vào cuộc hành hương khởi hành từ Provence, dọc theo dãy Alps để đến làng. Cuộc hành trình này đưa họ băng qua những đỉnh núi phủ tuyết, hẻm dốc và rừng dẻ, cùng con đường mà tổ tiên họ từng đi trước đó. Khi đến nơi, họ sẽ được người làng chào đón bằng một lễ hội lớn, nghỉ lại các căn lều dựng trong các trang trại.
Phù thủy, pháp sư đóng vai trò quan trọng trong thế giới của người làng. Truyền thuyết kể rằng một số người địa phương được ban tặng năng lực chữa lành vết gãy xương hay trẹo mắt cá chân. Nhiều người tin rằng khu rừng là nơi sinh sống của các nàng tiên dạy người làng cách làm bơ, phôi mai Toma và Castelmagno, trêu đùa nông dân bằng cách lấy trộm sữa tươi và những túi hạt dẻ.
Hàng năm, làng Coumboscuro tổ chức Boucoun de Sabre, một hội chợ ẩm thực nổi tiếng. Một trong số những món ngon có tiếng là La Mato, gồm cơm, gia vị, tỏi tây hay khoai tây hun khói bodi en balo, được nướng trong lò sưởi theo công thức cổ xưa. Aioli là loại nước sốt Địa Trung Hải nấu từ tỏi, ăn kèm những món ăn cổ điển của ẩm thực địa phương.
Anh Minh (Theo CNN)