Canada- Một trong những câu chuyện khó tin và ấm lòng nhất đã diễn ra tại thị trấn Gander, ngay trong thời điểm đen tối của nước Mỹ. – Du lịch
Nằm ở mũi đông bắc của đảo Newfoundland, Canada là sân bay quốc tế Gander. Xung quanh là thị trấn cùng tên, hình thành vào cuối những năm 1950. Khi vụ khủng bố xảy ra vào ngày 11/9/2001, các máy bay đang trên đường vào không phận Mỹ đều phải chuyển hướng. 38 máy bay phải hạ cánh khẩn xuống Gander, mang theo khoảng 7.000 hành khách. Những vị khách bất đắc dĩ này phải ngồi hàng giờ để chờ đợi nhà chức trách địa phương kiểm soát tình hình.
Năm 2001, không vị khách nào trên máy bay có điện thoại kết nối internet như bây giờ. Có người không có điện thoại. Không ai có thể liên lạc với người thân ở nhà để tìm hiểu tình hình. Tiếp viên đã phải làm dịu bầu không khí lo lắng trên máy bay bằng việc cung cấp rượu, đồ ăn miễn phí.
Cuối cùng, họ được rời máy bay, và từng người lần lượt đi xuống mà không được mang theo hành lý. Nhiều người trong số đó không biết mình đang đi đâu. Kevin Tuerff, người gốc Texas đã có mặt trên chuyến bay của Air France, một trong 38 máy bay hạ cánh xuống Gander khi đó, cũng nằm trong số này. “Tôi không biết chúng tôi đang ở đâu, cũng chẳng thể phân biệt được sự khác nhau giữa Newfoundland với Greenland hay Iceland”, Tuerff nói.
“Chúng tôi đã kiệt sức. Nhưng khi vượt qua cổng kiểm soát an ninh, cứ như thể chúng tôi bước vào một bữa tiệc bất ngờ vậy. Hàng trăm người đứng đợi chúng tôi ở đó để cung cấp đồ ăn. Bạn có thể tưởng tượng được không, đó là một nơi mà mọi người đơn giản chỉ muốn mời bạn đồ ăn, thức uống và không đòi hỏi gì hơn”, anh nhớ lại.
“Họ chào đón chúng tôi bằng nụ cười và sự trấn an. Họ thân thiện và cởi mở. Họ chỉ đơn giản là đón tiếp chúng tôi mà không quan tâm là ai, đến từ đâu, trong ví có bao nhiêu tiền hay làm công việc gì. Họ nói sẽ chăm sóc và giúp đỡ chúng tôi”, nữ hành khách Diane Kirschke, nhớ lại. Khi sự cố xảy ra, bà đang từ Anh trở về Mỹ sau chuyến thăm cậu con trai.
Sau đó, những vị khách đi máy bay được đưa tới các nơi ở trong thị trấn để nghỉ ngơi. 7.000 vị khách được 10.000 dân địa phương chào đón, mời vào nhà của họ, mặc quần áo của họ, mời ăn uống và chăm sóc chu đáo. Tuerff nói, không có sự giải thích nào hơn ngoài việc người dân nơi này có tấm lòng từ bi. “Chúng tôi đều là người lạ và có khả năng là những kẻ khủng bố trà trộn. Họ không cần phải cho chúng tôi vào nhà. Nhưng họ đã làm vậy. Thị trấn có 10.000 dân đã đón tới 7.000 vị khách. Điều đó có nghĩa là gần như tất cả mọi người ở đây đã giúp đỡ chúng tôi”.
Tuerff sau đó đã trở lại Gander vài lần nhưng không lần nào ở khách sạn. Anh luôn được mời đến gia đình của một người dân địa phương – người anh đã gặp trong sự cố năm 2001 đó. “Họ coi tôi như con trai”, anh nói. Trong một chuyến thăm gần đây tới Gander, Tuerff gặp một gia đình tị nạn người Syria. Họ được cộng đồng Gander mở rộng vòng tay. Tuerff nhận ra rằng sự khoan dung, nồng hậu của người dân vẫn còn nguyên vẹn sau 20 năm, kể từ lần đầu anh gặp họ.
Sự tử tế này đã truyền cảm hứng cho Tuerff. Nhiều năm sau đó, vào mỗi ngày 11/9, anh lại đóng cửa văn phòng làm việc ở New York, tặng mỗi nhân viên 100 USD. Anh khuyến khích họ làm điều tốt với người lạ, giống như những gì anh đã nhận được từ những người Gander.
Cựu thị trưởng Gander Claude Elliott nói rằng, với tư cách là thị trưởng khi đó, quyết định chào đón những vị khách đi máy bay là điều không cần bàn cãi. Đó là lễ nghĩa của con người đối với nhau và Elliott muốn truyền tải một thông điệp khắp toàn cầu về sự hy vọng và lòng trắc ẩn.
Câu chuyện cổ tích về tình người giữa đời thực của người dân thị trấn Gander cũng được dựng thành vở nhạc kịch, với tựa đề Come From Away. Vở kịch thành công, được nhiều người yêu thích và giúp Gander xuất hiện trên bản đồ du lịch. Khi nhiều người biết đến câu chuyện có thật về thị trấn, họ cảm động, tò mò và háo hức muốn đặt chân đến nơi này.
Ngày nay, khi du khách tới thị trấn, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với những vách đá hiểm trở, khu rừng xanh mướt và vùng nông thôn rộng lớn tuyệt đẹp là những điều gây ấn tượng với họ. Và họ cũng ghé thăm sân bay, nơi đã trở thành một phần của lịch sử 11/9. Phòng chờ nổi tiếng của sân bay đang được cải tạo với chi phí 1,5 triệu USD. Trong đại dịch, Newfoundland không bị ảnh hưởng nặng nề bởi các ca nhiễm. Tuy nhiên, ngành du lịch ở đây cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Cơ quan quản lý sân bay cho biết năm 2020 lưu lượng hành khách tại Gander giảm 70% so với 2019.
Anh Minh (Theo CNN)
Nơi đàn ông và phụ nữ nói hai ngôn ngữ khác nhau