Na Uy- Trong kỳ nghỉ tháng 8 vừa qua, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, Grete Lochen, tới thăm vùng đất được coi là thủ phủ của người Sámi – dân tộc sống gần cực Bắc. – Du lịch
Người Sámi là dân tộc sống gần cực Bắc nhất châu Âu, đã cư ngụ rất lâu trên lãnh thổ phía bắc các nước Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển và Nga trước khi đường biên giới các nước này được xác lập. Ước tính dân số Sámi ở Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan và Nga hiện vào khoảng 80.000 người, một nửa trong số đó sống ở Na Uy.
Nằm gần biên giới Phần Lan – Na Uy, cách thủ đô Oslo 1.600 km về phía bắc là Kautokeino và Karasjok – những điểm đến độc nhất vô nhị để tìm hiểu về văn hóa và lịch sử của người Sámi. Quay trở lại Na Uy nghỉ hè tháng 8 vừa qua, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, bà Grete Lochen đã chia sẻ với Du lịch.net trải nghiệm về chuyến đi của mình tới Kautokeino và Karasjok – nơi được coi là thủ phủ của người Sámi.
Đến Kautokeino và Karasjok, bạn sẽ được trực tiếp nghe người dân địa phương giao tiếp với nhau bằng tiếng Sámi, một ngôn ngữ rất khác so với tiếng Na Uy, được nghe “joik”, âm thanh của giai điệu Sámi cổ, chiêm ngưỡng những sản phẩm thủ công truyền thống và trải nghiệm văn hóa tuần lộc du mục lâu đời. Đây cũng là nơi nền văn hóa truyền thống giao thoa với cuộc sống hiện đại, khiến hành trình khám phá của du khách trở nên thú vị hơn.
Lối sống truyền thống vẫn được duy trì
Bao bọc bởi cực Bắc quanh năm lạnh lẽo, quê hương của người Sámi vẫn là một vùng đất bao la, hoang dã. Không có gì ngạc nhiên khi hoạt động truyền thống của người Sámi gắn liền với thiên nhiên. Suốt hàng nghìn năm lịch sử, những người Sámi định cư dọc bờ biển phía bắc kiếm sống bằng hái lượm, chế tác đồ thủ công, săn bắn, chăn nuôi gia súc, đánh cá ở các vịnh hẹp và sông ngòi. Trong khi đó người Sámi sống trong đất liền ở vùng đồng bằng Bắc cực rộng lớn của Kautokeino và Karasjok lại dựa vào chăn nuôi tuần lộc du mục – hoạt động truyền thống vốn được biết đến như là văn hóa và sinh kế của người Sámi.
Trên đường đi, bạn có thể gặp rất nhiều tuần lộc. Chúng đi lại trên đường phố, trong thị trấn và các khu đô thị cùng với người và xe cộ. Mùa hè, các đàn tuần lộc được di chuyển từ đất liền ra ven biển để chăn thả, sau đó lại được đưa lại về đồng bằng. Vì thế, cứ thu sang và đông về là Kautokeino và Karasjok lại có khoảng 75.000 con tuần lộc sinh sống. Tuần lộc cần diện tích chăn thả rộng lớn vì thế quá trình đô thị và hiện đại hóa ngày nay đã đặt ra nhiều thách thức đối với lối sống du mục và văn hóa của người Sámi.
Người Sámi ở Karasjok and Kautokeino hiện vẫn duy trì bản sắc văn hóa Sámi rất mạnh. Trẻ em học ở trường bằng tiếng Sámi. Thông tin công cộng và biển báo giao thông đều sử dụng hai ngôn ngữ là Sámi và Na Uy.
Đến Karasjok, bạn không thể không đến Bảo tàng Sámi – nơi trưng bày hơn 5.000 hiện vật nằm trong bộ sưu tập bảo tàng lớn nhất về lịch sử văn hóa Sámi ở Na Uy. Bảo tàng được thành lập năm 1972 như một cơ quan văn hóa Sámi đầu tiên ở Na Uy. Những bộ quần áo dân tộc nhiều màu sắc, công cụ lao động, đồ thủ công mỹ nghệ truyền thống và rất nhiều hiện vật khác trưng bày trong bảo tàng sẽ kể cho các bạn nghe một câu chuyện đầy màu sắc về lịch sử, văn hóa và cuộc sống của người Sámi.
Quốc Hội Sámi
Người Sámi có quốc hội riêng gọi là Sametinget, được thành lập năm 1989. Kể từ đó, bốn năm một lần, cộng đồng người Sámi ở Na Uy đi bỏ phiếu đề bầu chọn một 39 đại biểu của mình. Quốc hội Sámi có nhiệm vụ giải quyết các vấn đề liên quan đến người Sámi, nâng cao vị thế chính trị và thúc đẩy lợi ích của người Sámi. Vào ngày 13/9 sắp tới, cộng đồng Sámi ở Na Uy sẽ có các đại diện mới trong Quốc hội khóa mới của mình.
Tòa nhà Quốc hội Sámi ở thị trấn Karasjok là một công trình kiến trúc bắt mắt và độc đáo. Được thiết kế như một “lavvo”, chiếc lều truyền thống của người Sámi nên tòa nhà này là biểu tượng cho nền văn hóa du mục của dân tộc Sámi. Sametinget cũng là điểm du lịch mở cửa cho công chúng tham quan có hướng dẫn viên bằng ba thứ tiếng: Sámi, Na Uy và Anh.
Tham quan Sametinget lần này, tôi tình cờ được gặp một nhà thơ Sámi, chị Sara Vuolab. Sara Vuolab vừa được Thủ tướng Na Uy Erna Solberg và Bộ trưởng Văn hóa Abid Raja trao tặng giải thưởng quốc gia Na Uy năm 2021 về sức khỏe tâm thần. Chị nhận được giải thưởng vào đúng ngày tôi đến thăm Quốc hội Sámi.
Người Sámi trong thời đại mới
Thế kỷ XXI, văn hóa Sámi đang hòa nhập với thế giới hiện đại theo một cách mới. Người Sámi ngày nay không hoàn toàn sống theo phong cách truyền thống. Cuộc sống của họ giờ đã gắn với công nghệ hiện đại. Chẳng hạn, họ đã dùng thiết bị điện tử hoặc máy bay không người lái để theo dõi tuần lộc. Cộng đồng Sámi thường xuyên ưu tiên thảo luận các vấn đề về quyền sở hữu và sử dụng tài nguyên thiên nhiên của mình với chính quyền trung ương.
Cuộc sống hiện đại không làm cho người Sámi mất đi sự quan tâm tới việc duy trì bản sắc dân tộc. Ngược lại, họ chú trọng hơn tới phát triển làn điệu “joik”, nghề thủ công truyền thống “duoddji”, và tiếng mẹ đẻ Sámi. “Joik” giờ đã được kết hợp với nhịp điệu hiện đại. Người Sámi có những nghệ sĩ nổi tiếng. Họ vẫn không ngừng sáng tạo và sử dụng công nghệ hiện đại để làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc. Các đài phát thanh truyền hình Sámi phát sóng bằng tiếng Sámi và sử dụng các nền tảng mới. Đây chính là niềm hy vọng cho ngôn ngữ và văn hóa.
Grete Lochen
Đại sứ Na Uy tại Việt Nam