Gà xào măng chua hay canh thụt của người Mạ là những đặc sản lạ của tỉnh miền núi Tây Nguyên. – Du lịch
Sự đa dạng về dân tộc sinh sống tại Đắk Nông mang đến sự đa dạng ẩm thực cho vùng đất này. Một số đặc sản bạn có thể thử khi đến đây:
Rượu cần M’Nông
Khi đến với vùng đất này, du khách có cơ hội thưởng thức món rượu cần của dân tộc M’Nông. Đây là dân tộc đông dân thứ hai, chỉ sau người Kinh tại Đắk Nông. Đối với họ, rượu cần là “thức uống của thần linh”, không thể thiếu khi đón khách quý hay trong các lễ hội và những dịp trọng đại. Văn hóa rượu cần còn hàm chứa tinh thần đoàn kết cộng đồng, tình yêu và khát vọng về cuộc sống hạnh phúc, no ấm của các dân tộc nơi đây.
Rượu được nấu bằng men, ủ từ những nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên như lá, rễ cây, vỏ cây rừng, gạo nếp cái hoa vàng, gạo lứt hay gạo địa phương. Được sản xuất theo quy trình lên men tự nhiên, rượu thường được ủ từ 2 đến 6 tháng để ngấm men hoàn toàn. Khi đó, rượu sẽ quánh lại như mật ong, có màu nâu vàng với hương vị riêng biệt.
Canh thụt người Mạ
Canh thụt là món ăn phổ biến của người M’Nông và người Mạ. Nguyên liệu gồm có rau nhíp, măng, thịt hoặc cá suối, ít con mối và vài con dế dũi. Tất cả nguyên liệu được cho vào ống lồ ô tươi, bịt kín đầu. Khi nấu, ống lồ ô phải để nghiêng trên lửa và quay tròn cho canh chín đều. Khi nấu vừa chín tới, người ta thường lấy đoạn dây mây có gai đâm vào trong ống cho các nguyên liệu nhừ nát, hòa quyện vào nhau. Khi đó, muối, ớt được bỏ vào, thụt đều, có thể thêm rau thơm rồi thưởng thức.
Gà xào măng chua
Theo người Mạ, gà xào cùng với măng chua mới đúng điệu. Măng thu hoạch về được bóc vỏ và thái lát mỏng, ngâm trong ché (chum) nước muối, đậy kín khoảng 2 tuần là có thể dùng được. Măng chua lấy từ trong ché đem vắt khô nước, sau đó cho vào nồi thịt gà đã ướp gia vị. Hai loại nguyên liệu được trộn đều rồi bắc lên bếp xào. Bí quyết riêng của người Mạ là đun lửa đều, để thịt, măng chín mà không bị cháy. Sau khi đun liu riu khoảng 30-45 phút, thịt gà chín mềm, măng chua toả mùi thơm. Trước khi ăn, họ thường rắc thêm ít tiêu rừng giã, để tăng thêm độ thơm ngon cho món ăn.
Thanh Hằng