Món hủ tiếu sốt Thái của anh Trọng ấn tượng với mùi thơm từ nước xương bò hầm cùng rau củ trong nhiều giờ liền.
Hủ tiếu ở đây gây ấn tượng vì luôn nóng sốt, ngậy mùi thơm của ngò gai và nước xương hầm. Trên mặt tô là các nguyên liệu tôm, mực, bò viên, trứng cút, thịt, nạc, gan, cật heo, thêm bột ớt, mỡ hành, tóp mỡ và đậu phộng băm nhuyễn. Ngoài ra còn có giá và hẹ trụng chín, trộn ăn kèm cho khỏi ngấy.
Điểm đặc biệt của món hủ tiếu là có nước sốt màu đen sậm, sền sệt, ngọt vừa, thay vì trộn bằng sốt cà chua hay nước tương, dầu hào như nhiều quán khác. Anh Trọng, chủ quán cho biết công thức nước sốt anh học từ một người bạn. Trong đó thành phần chính là xương bò, gà hầm kèm thuốc Bắc, rau củ trong 15 tiếng. Rau củ ninh trong 2 giờ đầu để lấy vị ngọt, sau đó được vớt ra để không bị nát. Trước khi bắt đầu ninh sốt, xương bò sẽ được nướng để không còn mùi. Màu đen của nước sốt một phần do nước tương cùng các gia vị thêm vào.
Sau khi khách gọi món, nước sốt được cho sang nồi riêng, bỏ thêm nguyên liệu ăn kèm rồi nấu sôi để giữ nóng. Sau đó thêm bột ớt, sa tế, gia vị vào tô để trang trí cho đẹp mắt. Thời gian làm một tô hủ tiếu mất khoảng 10 phút.
Mỹ Phạm, thực khách đến quán ấn tượng với cách phục vụ cũng như món ăn này: “Trước khi ăn chủ quán sẽ hỏi mình ăn cay nhiều hay ít hoặc không cay rồi mới làm hủ tiếu. Tô mình ăn có vị cay, chua dịu, mằn mặn, hủ tiếu trụng mềm không bị vón cục và đồ ăn thì tươi, giữ vị ngọt”.
Quán có điểm cộng là chủ quán thân thiện, luôn ghi nhớ yêu cầu của khách và có trà đá miễn phí. Tuy nhiên quán có không gian nhỏ, chỉ kê vừa khoảng 3 bộ bàn ghế nên không hợp với nhóm khách đi đông người. Quán phục vụ từ 8h đến 20h hàng ngày. Do nằm cạnh đường và mái che nhỏ nên bạn nên đi vào buổi sáng hoặc chiều tối để không bị nóng.
Huỳnh Nhi