Du khách quốc tế ngày càng quan tâm nhiều hơn đến ẩm thực cao cấp Nhật Bản, tuy nhiên không phải lúc nào cũng có cơ hội thưởng thức. Lý do thường thấy chính là không gian của nhà hàng phong cách Nhật thường có diện tích nhỏ, số ghế ít nên thường xuyên gặp tình trạng kín bàn từ sớm.
Satoru Araki chế biến sushi tại nhà hàng Sushi Satoru, nhà hàng này từng được nhắc đến trong cuốn Cẩm nang Michelin Tokyo mới nhất. Ảnh: Phoebe Amoroso
Từng là võ sĩ quyền anh chuyên nghiệp, Araki đã mở Sushi Satoru vào tháng 7/2022 -một quầy bán đơn giản gồm 6 chỗ ngồi đã tạo được tiếng vang trong làng sushi ở Tokyo. Trong cuốn Cẩm nang Michelin Tokyo 2024, Sushi Satoru cũng được nhắc đến lần đầu tiên. Tuy chưa giành được sao Michelin, nhưng xuất hiện trong danh sách đề xuất của Michelin đã giúp thu hút sự quan tâm của du khách quốc tế đến Nhật Bản.
“Chúng tôi đang nghĩ đến việc mở dịch vụ đặt bàn trực tuyến trên Omakase – một trang web đặt chỗ cho du khách nước ngoài. Cửa hàng của chúng tôi thường không có nhiều khách ngoại quốc. Chúng tôi cũng muốn có thêm nhiều cơ hội để họ đặt bàn”, chủ cửa hàng Araki chia sẻ.
Sushi Satoru là một ví dụ minh họa điển hình cho thấy việc đặt bàn trước khi muốn thưởng thức ẩm thực cao cấp ở Tokyo không hề đơn giản. Các giải thưởng quốc tế đã tạo ra cơn sốt với nền ẩm thực ở thành phố Tokyo, nơi tự hào có 183 nhà hàng đạt sao Michelin, trong đó có 12 nhà hàng đã nhận 3 sao và là điểm đến hàng đầu trong danh sách 50 Nhà hàng Tốt nhất Châu Á năm 2023.
Tuy nhiên, nhiều cơ sở chưa thể đáp ứng hết nhu cầu của thực khách, trừ những vị khách siêu giàu, vì số lượng thực khách muốn trải nghiệm ẩm thực cao cấp đang vượt xa nguồn cung.
Ông Araki cũng muốn tiếp đón khách nước ngoài nhiều hơn nhưng việc đặt bàn đang trở nên khó khăn khi nhà hàng ngày càng nổi tiếng. Ảnh: Phoebe Amoroso
Nhu cầu thưởng thức ẩm thực hạng sang tăng mạnh
Nhật Bản đang tìm cách chuyển trọng tâm du lịch từ số lượng sang chất lượng, nhằm giảm bớt áp lực của tình trạng quá tải du lịch.
Ông Naomi Mano, Giám đốc điều hành của Luxurique – công ty quản lý khách sạn và sự kiện chuyên về du lịch hạng sang, cho biết ẩm thực đẳng cấp thế giới của Nhật Bản là một yếu tố chính trong việc thu hút các du khách khá giả chi tiêu nhiều hơn.
“Khách hàng sẽ đưa cho chúng tôi danh sách các nhà hàng mà họ muốn đến trong năm, và nói rằng, ‘chúng tôi muốn đến du lịch vào mùa xuân 2025, hãy cho tôi biết khi nào chúng tôi có thể đến, chẳng hạn như vậy. Và họ sẽ bay đến. Chúng tôi thường đặc biệt phục vụ các vị khách cao cấp vì họ có thời gian linh hoạt để làm việc này.”
Nhà hàng Michelin Lurra ở Kyoto: Nhu cầu thưởng thức ẩm thực cao cấp đang vượt xa nguồn cung ở Nhật Bản. Ảnh: Phoebe Amoroso
Khác với nhóm khách siêu giàu, nhóm khách khá giả xem việc đặt bàn trước tại một nhà hàng hạng sang ở Nhật Bản như một trò xổ sổ may rủi. Và với một số nhà hàng gắn sao Michelin, du khách phải đặt trước từ cách đó nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.
Kentaro Emoto, đồng sở hữu ở nhà hàng đạt sao Michelin – Kabi (Tokyo) và người đồng sở hữu đầu bếp Shohei Yasuda dường như không quá để tâm đến như những tác động bên ngoài ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh.
Emoto cho biết trên 50% khách hàng của chúng tôi hầu hết đều là khách quen đã đến ăn nhiều lần. Ngay cả khi nền kinh tế Nhật Bản đang gặp khó khăn, thì phần lớn khách hàng của chúng tôi vẫn là thực khách Nhật.
“Chúng tôi vẫn phát triển, cung cấp thực phẩm chất lượng nhất và dịch vụ tốt nhất, bất kể khách hàng của chúng tôi đến từ đâu. Dù không đặt nặng vấn đề kinh tế, nhưng chi phí nguyên liệu ngày càng tăng nên giá của chúng tôi cũng tăng theo. Khi bắt đầu vào năm 2017, thực đơn của chúng tôi có giá 10.000 yên, và bây giờ là 18.000 yên, gần như tăng gấp đôi. Nhưng khách hàng của chúng tôi vẫn đến đều đặn”, ông Kentaro Emoto nói.
Bên cạnh đó, Mikako Mochizuki, quản lý của nhà hàng TableCheck cũng cho biết nhiều nhà hàng có xu hướng tập trung vào việc xây dựng mối quan hệ lâu dài với khách hàng địa phương.
“Du khách nước ngoài chỉ có thể ghé qua nhà hàng một lần. Họ không thể trở thành khách hàng thường xuyên. Thực tế là vẫn còn một số nhà hàng nỗ lực thu hút thêm thực khách bản xứ, và khiến họ trở thành khách quen”, Mochizuki nói.
Theo dữ liệu từ 7.000 nhà hàng ăn uống cho thấy số lượng đặt bàn của khách hàng Nhật Bản đã tăng trở lại 70% so với mức trước đại dịch và nhưng tốc độ tăng đã giảm dần. Ngược lại, số lượng đặt bàn của khách hàng nước ngoài lại tăng mạnh, lượt đặt chỗ vào tháng 12/2022 tăng hơn gần 280% so với năm 2019.
Năm ngoái, nhà hàng TableCheck cũng bắt đầu hợp tác với Michelin Guide, đưa hơn 200 nhà hàng được đề xuất lên trang web đặt bàn trực tuyến, động thái này giúp du khách nước ngoài dễ tiếp cận với ẩm thực Nhật Bản hơn./.
Thanh Thảo
Báo điện tử Tổ Quốc – toquoc.vn – Đăng ngày 08/5/2025
Nguồn: Trung Tâm Thông tin Du lịch