Quảng Ninh- Ban quản lý vịnh Hạ Long đề nghị không phát triển thêm các bãi tắm để bảo vệ di sản sau thông tin du khách “khát” bãi tắm ở khu vực này. – Du lịch
Ban quản lý vịnh Hạ Long hồi cuối tháng 7 gửi văn bản tới Sở Du lịch Quảng Ninh, nêu lý do không phát triển các bãi tắm trên vịnh, trong đó nhấn mạnh “vấn đề bảo vệ tính toàn vẹn và bảo vệ các yếu tố gốc cấu thành giá trị của Di tích quốc gia đặc biệt, Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long”.
Đề nghị này được đưa ra sau khi các chủ tàu và nhiều du khách mong muốn được trải nghiệm tắm biển thêm ở vịnh Hạ Long. Ban quản lý vịnh hồi tháng 3 cũng từng đề xuất phương án khai thác cụm bãi tắm Trà Sản – Cống Đỏ, cụm gồm 8 bãi tắm có diện tích từ 100 m2 đến 800 m2. Tuy nhiên, theo UBND thành phố Hạ Long, phương án này đến nay chưa được phê duyệt vì còn chờ Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long giai đoạn 2021 – 2023, tầm nhìn đến 2050 được phê duyệt.
Hiện vịnh Hạ Long có khoảng 200 bãi cát ở chân các đảo đá nhưng chỉ hai bãi Soi Sim và Ti Tốp được đón khách. Tuy nhiên, bãi Soi Sim dừng hoạt động từ năm 2019 nên cả vịnh chỉ còn duy nhất bãi tắm Ti Tốp.
Ông Lê Minh Tân, Phó trưởng Ban quản lý, cho biết hầu hết bãi cát trên vịnh Hạ Long đều nhỏ, nằm ở ven chân đảo, có độ dốc lớn, nhiều đá ngầm, dòng chảy mạnh. Khi triều cường, hầu hết bãi cát này bị chìm ngập. Để phát triển các bãi cát trên vịnh trở thành bãi tắm du lịch, ngoài việc phải đổ thêm cát để đảm bảo an toàn cho du khách, cần đầu tư hạ tầng bãi tắm theo quy định như hệ thống điểm neo đậu, bến cập tàu, nhà tắm tráng, nhà vệ sinh, nhà quản lý, trạm quan sát.
“Những hoạt động này sẽ gây tác động tiêu cực trực tiếp đến tính toàn vẹn và các yếu tố gốc cấu thành giá trị của Di tích đặc biệt – Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long”, ông Tân nói.
Một lý do khác là Luật Di sản Văn hóa quy định “khu vực bảo vệ I phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian. Trường hợp đặc biệt có yêu cầu xây dựng công trình trực tiếp phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, việc xây dựng phải được sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền xếp hạng di tích đó”. Trong trường hợp này, đơn vị xếp hạng “Di sản thiên nhiên thế giới” cho vịnh Hạ Long là UNESCO.
Việc xây dựng công trình quy định tại khoản này không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường – sinh thái của di tích.
Ban quản lý cũng nêu thêm hai ý kiến từ chuyên gia thuộc Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và GS.TS Lưu Trần Tiêu – Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia. Theo đó, các chuyên gia cho rằng việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch cần theo nguyên tắc phù hợp với các giá trị của di sản và không ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái của vịnh. Ngoài ra, trong công tác quản lý đối với Di sản thế giới, mục tiêu tối thượng là quản lý, giữ gìn lâu dài, bền vững giá trị nổi bật toàn cầu của di sản.
Theo một chuyên gia thuộc Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao), UNESCO không cấm vịnh Hạ Long phát triển các bãi tắm trên vịnh. Mục tiêu quan trọng của UNESCO luôn là bảo vệ di sản nhưng “quy định không khô cứng”. Trong trường hợp này, ban quản lý vịnh cần có đánh giá cụ thể việc xây dựng bãi tắm tác động thế nào đến di sản, có làm mất đi giá trị nổi bật toàn cầu của vịnh Hạ Long hay không.
“Chúng ta phải xem bãi tắm vừa hay nhỏ, xây mới hay chỉ cải tạo từ bãi tắm cũ? Nếu công trình lớn, hoành tráng, tác động xấu đến di sản, chúng ta cần xem xét lại”, chuyên gia này nói.
Chuyên gia cũng cho biết UNESCO luôn khuyến khích phát huy giá trị di sản. Bên cạnh việc bảo vệ, các quốc gia sở hữu di sản cũng cần thông qua du lịch để hợp tác, đầu tư, sử dụng lợi nhuận nhằm tái đầu tư cho chính di sản. UNESCO có thể đưa ra các khuyến cáo hoặc bắt buộc tuân thủ sau khi các quốc gia sở hữu di sản có đánh giá về tác động.
Tú Nguyễn