Bốn ngày khám phá Lạng Sơn với 10 triệu đồng

Chị Trang cắm trại trên đỉnh Phia Po, Lạng Sơn.

Chị Trang và một người bạn bay từ TP HCM ra Hà Nội sau đó di chuyển đường bộ tới thành phố Lạng Sơn, qua cửa khẩu Bằng Tường. – Du lịch

Dưới đây là trải nghiệm của chị Crystal Huyền Trang, TP HCM, tại Lạng Sơn từ 5 đến 8/5 cùng một người bạn. Chị chọn Lạng Sơn vì nơi này nổi tiếng với khung cảnh thanh bình và bề dày văn hóa, lịch sử. Đặc biệt đây là điểm đến lý tưởng để trốn cái nắng oi bức của mùa hè vì không khí mát mẻ.

Ngoài khám phá các thắng cảnh tại Lạng Sơn, chị Trang cũng sang Bằng Tường, Trung Quốc. Tổng chi phí chuyến đi hết 10 triệu đồng, gồm hơn 4 triệu đồng tiền khách sạn ba đêm và 1,2 triệu đồng tiền mua tour sang Bằng Tường. Số còn lại là chi phí di chuyển, ăn uống (chưa tính vé máy bay khứ hồi TP HCM – Hà Nội).

Di chuyển

Sau khi hạ cánh tại sân bay Nội Bài lúc 9h sáng, chị Trang cùng bạn sử dụng ôtô riêng (đã đặt sẵn) để lên thẳng thành phố Lạng Sơn. Thời gian di chuyển hết hơn 2 tiếng. Tại thành phố Lạng Sơn, chị Trang chủ yếu di chuyển bằng taxi. Ngoài ra, có thể thuê xe máy với giá 100.000 đồng một ngày.

Chị Trang cắm trại trên đỉnh Phia Po, Lạng Sơn.

Chị Trang cắm trại trên đỉnh Phia Po, Lạng Sơn.

Lịch trình tham quan gợi ý

Ngày đầu tiên: Đến thành phố Lạng Sơn – thăm khu di tích danh thắng Nhị – Tam Thanh (chùa Tam Thanh, núi Tô Thị), thành nhà Mạc, cột cờ núi Phai Vệ. Những điểm này nằm gần trung tâm thành phố nên thuận tiện tham quan.

Ngày thứ hai: Qua Bằng Tường, Trung Quốc

Ngày thứ ba: Chinh phục đỉnh Phia Po

Các điểm đến chính

Vì bay từ Nam ra Bắc và ở lại không nhiều nên hai du khách TP HCM tận dụng thời gian để có thể ghé thăm nhiều điểm tham quan nhất có thể. Họ lên sẵn lịch trình từ trước nên khi đến nơi, di chuyển theo đúng kế hoạch.

Chùa Tam Thanh được nhiều người biết đến qua câu ca dao: “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa/Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh”. Chùa được xây dựng từ thời Lê, nằm trong động Tam Thanh. Đi sâu vào trong động, ở khu trung tâm là hồ Âm Ty, nước không bao giờ cạn. Hồ tuy nhỏ nhưng nước chảy suốt ngày đêm. Nữ du khách ấn tượng bởi không gian yên tĩnh, uy nghiêm.

Núi Tô Thị nằm ở phường Tam Thanh, trên đỉnh có tảng đá tự nhiên giống hình người phụ nữ bồng con nhìn về phương xa. Ngọn núi liên quan đến truyền thuyết đá Vọng Phu. Nàng Tô Thị ngày ngày bồng con lên núi ngóng chồng đi xa trở về, đợi lâu đã hóa đá. Từ đó, mọi người gọi hòn đá đó là nàng Tô Thị vọng phu. Tô Thị như một biểu tượng cho lòng chung thuỷ của người phụ nữ Việt Nam.

Thành nhà Mạc nằm trong khu vực phường Tam Thanh, được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia. Dấu tích của thành hiện nay còn lại gồm hai đoạn tường dài 300 m, mặt thành rộng khoảng 1 m. Từ chân núi dẫn lên cổng thành có hơn 100 bậc tam cấp. Trong thành là khu đất trống rộng hàng trăm m2, bao xung quanh là tường thành và 3 đỉnh núi cao hàng chục mét.

Chị Trang chụp ảnh tại Lạng Sơn, phía sau là cột cờ núi Phai Vệ.

Chị Trang chụp ảnh tại Lạng Sơn, phía sau là cột cờ núi Phai Vệ.

Cột cờ núi Phai Vệ nằm trên đỉnh núi cùng tên, phường Vĩnh Trại, được khánh thành tháng 11/2014. Cột cờ cao 80 m (tính từ chân núi), thân đài cột cao 25 m, gồm 4 tuyến đường lên – xuống với 535 bậc xây đá. Toàn bộ di tích được gắn gần 1.000 bóng đèn led, có thể chiếu sáng quanh núi, trong hang đá, các gầm bậc vào đêm.

Chị Trang nhận xét các bậc thang lên cột cờ uốn khúc nhìn “khá giống Vạn Lý Trường Thành”, một danh thắng nổi tiếng Trung Quốc. Vì vậy, nhiều du khách đã đặt tên cho nơi này là “Vạn Lý Trường Thành thu nhỏ của Việt Nam”. Để có những bức hình đẹp, ngắm trọn cả cột cờ, chị gợi ý du khách nên đứng bên tay phải đối diện cột cờ.

Đỉnh Phia Pò được chị Trang đánh giá “phù hợp với những người bắt đầu thử sức với bộ môn leo núi”, với độ cao 1.000 m. Sau những cung đường trong rừng, du khách sẽ được dạo bước trên các ngọn núi cỏ xanh, kéo dài đến sống lưng khủng long.

Phia Pò cách trung tâm thành phố khoảng một tiếng di chuyển. “Nên leo từ sớm. 5h là thời điểm hoàn hảo”, chị Trang nói. Du khách mang theo đồ ăn nhẹ cùng đồ uống. Khi lên đến đỉnh có thể cắm trại, nhâm nhi đồ ăn để lấy sức. Chị cũng lưu ý sau khi gỡ trại, cần dọn dẹp sạch sẽ rác thải để giữ gìn cảnh quan môi trường.

Bằng Tường (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc): Lạng Sơn giáp biên giới với thị xã Bằng Tường. Đây là nơi mà hầu hết khách đến Lạng Sơn đều ghé thăm. Du khách dùng giấy thông hành để xuất nhập cảnh, chi phí 200.000 đồng, có hiệu lực trong một ngày gồm sáng đi tối về.

Theo chị Trang, các điều khoản và điều kiện trên giấy thông hành được thay đổi để phù hợp thực tế. “Vì vậy trước khi định đi Bằng Tường, bạn nên kiểm tra các quy định”, chị Trang nói. Chỉ cần nộp một ảnh chân dung 3×4 và ảnh căn cước công dân hai mặt để làm giấy.

Khung cảnh ở Bằng Tường.

Theo anh Phạm Xuân Tân, 43 tuổi và 21 năm kinh nghiệm hướng dẫn viên tại Lạng Sơn, hiện khách Việt chưa thể đi sang Bằng Tường tự túc. Khách phải đi theo tour. Chị Trang đặt tour Lạng Sơn – Bằng Tường giá 1,2 triệu đồng một người gồm đưa đón, ăn uống, phí làm giấy thông hành. Du khách được xe ôtô của công ty tour đón từ trung tâm thành phố Lạng Sơn, đến cửa khẩu khách nhập cảnh, đi bộ sang Bằng Tường và có xe của bên Trung Quốc đưa đón. Anh Tân cũng là hướng dẫn viên đoàn của chị Trang.

Khi đến khu vực cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị giữa hai nước, du khách sẽ thấy cột mốc Km 0 là nơi phân chia ranh giới Việt Nam – Trung Quốc. Đây cũng là nơi bắt đầu của quốc lộ 1A nối liền đến tận mũi Cà Mau. “Hãy check-in với cổng Hữu Nghị Quan, công trình kiến trúc Pháp, là nơi trước đây người Pháp sử dụng làm cơ quan kiểm soát việc đi lại của công dân giữa hai nước”, chị Trang gợi ý.

Giấy thông hành của chị Trang để sang Bằng Tường.

Giấy thông hành của chị Trang để sang Bằng Tường.

Ăn uống và lưu trú

Chị Trang chọn nghỉ ba đêm tại một khách sạn hạng sang ở trung tâm thành phố, giá phòng từ 1,5 triệu đồng.

Chị ấn tượng với đồ ăn xứ Lạng, và thưởng thức các đặc sản như vịt quay, phở vịt. Tại Trung Quốc, chị ghé khu phố cổ ăn uống, mua sắm. Các món ăn ở Bằng Tường nhiều dầu, mỡ. Tuy nhiên một điều chị rất thích là rau ở đây ngoài các loại rau xanh, người dân còn cho nấm thêm đông trùng hạ thảo vào các món ăn.

Đây là lần thứ hai nữ du khách TP HCM đến Lạng Sơn, lần đầu cách đây 6-7 năm. Khi đó, chị đi chợ Đông Kinh và ấn tượng với cảnh tấp nập người bán kẻ mua. Ngày nay, thành phố Lạng Sơn đã quy hoạch bài bản hơn, chợ không còn lộn xộn như trước. “Nơi này hiện nay thật sự rất yên bình”, chị Trang nói.

Phương Anh
Ảnh: NVCC
Nguồn: Ban quản lý di tích tỉnh, Tổng cục Du lịch

Bài viết được đề xuất