Bữa ăn 12 triệu đồng của đầu bếp Michelin ở Hà Nội

Khẩu phần ăn vừa phải cho thực khách. Trong ảnh là món khai vị Nồng ấm.

Bữa ăn có 12 món với nhiều nguyên liệu quý hiếm, là sự kết hợp giữa ba nền ẩm thực Pháp – Nhật – Việt. – Du lịch

Đầu bếp người Pháp, Thierry Drapeau, sở hữu 2 sao Michelin đã đến Việt Nam cuối tháng 9 và cùng bốn đầu bếp khác trình diễn một bữa tiệc đặc biệt tại Hà Nội. Ông là một trong số ít đầu bếp làm việc tại khách sạn Ritz cao cấp ở Paris. Một bữa ăn của ông có chi phí trung bình 2.000 euro một người (khoảng 50 triệu đồng), và phải đặt trước ít nhất 2 tuần.

Cùng tham gia với ông Thierry Drapeau là Chef Sakal Phoeung, Chủ tịch Hiệp hội đầu bếp Pháp tại Việt Nam, người từng nhiều lần phục vụ Tổng thống Pháp Francois Hollande; Chef Phạm Bá Hà, bếp trưởng Hệ thống Thế giới Hải sản, Chủ tịch hội đầu bếp VICA Hà Nội và Chef Kyo Nguyễn, bếp trưởng Hệ thống Hatoyama, người từng nhiều lần phục vụ Cựu thủ tướng Nhật Yukio Hatoyama.

Khẩu phần ăn vừa phải cho thực khách. Trong ảnh là món khai vị Nồng ấm.

Khẩu phần ăn vừa phải cho thực khách. Trong ảnh là món khai vị Nồng ấm.

Bữa ăn gồm 12 món, trong đó có bốn món khai vị, bảy món chính và một món tráng miệng. Các đầu bếp đã sử dụng 136 nguyên liệu khác nhau như cua hoàng đế, tôm hùm bông Nha Trang, nấm truffles, bào ngư, thịt bò Kobe A5… Ngoài các món ăn, thực khách được trải nghiệm 5 loại rượu vang.

Quá trình thưởng thức đồ ăn được sắp xếp như bản giao hưởng với 12 sắc thái, 12 cung bậc cảm xúc khác nhau theo cách đặt tên món: Thức tỉnh, Nồng ấm đến Yêu thương, Thăng Hoa, rồi Thuần khiết, Xao xuyến.

Các món khai vị được chế biến từ những nguyên liệu quen thuộc, định lượng vừa phải để thực khách từ từ bắt nhịp với bữa ăn, gồm Thức tỉnh làm từ cà tím, kem bí ngô, hoa salade; món Nồng ấm làm từ kem bí ngô, phô mai, dầu hạt dẻ; món Ung dung là từ ngao, tartare cà chua, súp lạnh Tây Ban Nha, bọt phomai; món Thân thiện làm từ măng tây xanh, bọt nấm truffles, thịt nguội, phomai.

Bảy món chính được chế biến từ các nguyên liệu như: bò Kobe, tôm hùm, gan ngỗng, bào ngư, cá ngừ vây xanh, cá bơn vàng, Tataki vẩy vàng… Trong đó có món bò Kobe sốt vùng Perigueux với khoai tây và nấm truffles (món Thăng hoa) do chính ông Thierry chế biến.

Một trong những món chính của bữa ăn - món Thăng hoa - với nguyên liệu chính từ bò Kobe.

Một trong những món chính của bữa ăn – món Thăng hoa – với nguyên liệu chính từ bò Kobe.

Thịt bò Kobe trong món ăn được chọn từ những con bò trải qua các điều kiện như: là bò đực chưa phối giống, được sinh ra và nuôi dưỡng tại tỉnh Hyogo, vùng Kinki Nhật Bản; cân nặng của bò không được vượt quá 500 kg… Thịt bò kết hợp với sốt vừng, hòa quyện cùng nấm truffles.

Bữa tiệc theo phong cách fine dining, thực khách thưởng thức lần lượt từng món. Trong quá trình ăn, 5 đầu bếp đến từng phòng, mỗi phòng khoảng 10 phút để chia sẻ về nguồn cảm hứng tạo ra các món ăn trong menu và trò chuyện với khách.

Chị Đặng Thanh Vân (Hà Nội) đã chi 12 triệu đồng cho bữa ăn này. Là người đam mê ẩm thực, chị Vân không bỏ lỡ các trải nghiệm với sao Michelin, từ nhà hàng, món ăn đến đầu bếp.

“Tôi đã theo dõi Thierry từ năm 2006 khi ông nhận sao Michelin đầu tiên tại chính nhà hàng của ông. Đây cũng là lý do tôi chi tiền cho bữa ăn này”, chị Thanh Vân cho biết.

Bắt đầu bữa tiệc, chị Vân được dẫn đến một quầy gỗ nhỏ. Tại đây, 5 đầu bếp trực tiếp trình diễn các món ăn để thực khách quan sát quá trình chế biến và những thao tác của đầu bếp. Sau đó, chị và những vị khách khách được dẫn tới phòng riêng, mỗi phòng từ 6 đến 10 người.

Kiến trúc phòng ăn theo phong cách Hoàng cung Nhật Bản, có hồ cá Koi, một số phòng VIP có cửa và phần trần đúc từ đồng, được nghệ nhân từ làng nghề đúc đồng Đông Sơn nổi tiếng, nay thuộc Làng Trà Đông, Thanh Hóa chế tác. Không gian riêng tư, có thể vừa trò chuyện, vừa ngắm cảnh quanh hồ cá, vừa tận hưởng món ăn…

Chị Thanh Vân tại bữa tiệc.

Chị Thanh Vân tại bữa tiệc.

Nói về món ăn do chính đầu bếp Thierry Drapeau thực hiện, chị Vân cho hay: “Thịt bò mềm, tan trong miệng. Các món có khẩu phần vừa phải để có thể ăn nhiều món mà không bị cảm giác ngấy”.

Sau khi đã trải qua 11 món ăn với 11 sắc thái khác nhau, chị Vân được phục vụ món cuối cùng, là món tráng miệng có tên Mãn nguyện. Được chế biến bởi hai đầu bếp Sakal và Thierry. Món này gồm 23 nguyên liệu, có vị béo, ngọt kết hợp vị chua nhẹ của chanh tươi.

“Tôi nghĩ có thể dừng ở 7 đến 8 món là vừa đủ. Nhưng tôi không chi 12 triệu đồng chỉ để ăn một bữa tiệc đơn thuần mà tôi muốn được tận mắt chứng kiến đầu bếp hai sao Michelin chế biến món ăn như thế nào, phục vụ thực khách ra sao. Nó giống như một khoản chi để gặp gỡ thần tượng”, chị Thanh Vân cho biết.

Sao Michelin là một danh hiệu danh giá trong làng ẩm thực thế giới, để đánh giá chất lượng của một nhà hàng hay đầu bếp. Trong đó, một sao Michelin là nhà hàng rất tốt so với mặt bằng chung; hai sao Michelin dành cho nhà hàng có chất lượng nấu nướng xuất sắc; ba sao Michelin nếu nhà hàng có phong cách ẩm thực đặc biệt, đạt đỉnh cao của ẩm thực. Hằng năm, các nhà hàng nhận được sao Michelin sẽ được vinh danh trong cuốn cẩm nang ẩm thực hàng đầu thế giới The Michelin Guide, ra đời từ năm 1900.

Thanh Thuý
Ảnh: NVCC

Bài viết được đề xuất