Châu Âu đang ghi nhận hiện tượng thời tiết ấm áp bất thường, kèm mưa lớn khiến nhiều khu nghỉ dưỡng không có tuyết phục vụ du khách. – Du lịch
Christine Harrison, người Anh đến Le Praz De Lys-Sommand, một khu trượt tuyết ở dãy Alps thuộc Pháp suốt 20 năm qua. Khung cảnh từ cửa sổ nơi cô ở luôn ít nhiều giống nhau: những ngọn núi, đồi, ngôi nhà gỗ rộng lớn đều được bao phủ bởi lớp tuyết dày và xốp. Nhưng năm nay mọi thứ đã khác: ván trượt được cất đi, du khách đến học và trượt tuyết lần lượt trở về nhà. Lý do là không có tuyết.
Phần lớn các nước châu Âu đang trải qua đợt “ấm áp trái mùa” khi mùa đông nhưng lại có mức nhiệt như mùa xuân, đều trên mức 10 độ C. Ít nhất 8 quốc gia là Ba Lan, Đan Mạch, CH Czech, Hà Lan, Belarus, Litva, Latvia, ghi nhận nhiệt độ trong tháng 1 ấm nhất lịch sử, theo dữ liệu do nhà khí hậu học Maximiliano Herrera thu thập và công bố hôm 2/1.
Ở những nơi khác, hàng nghìn trạm đo tại các địa phương ghi nhận mức nhiệt cao từ ngày 31/12/2022 tới 2/1/2023. Miền bắc Tây Ban Nha và miền nam nước Pháp có nhiệt độ trung bình 24,9. Đây cũng là mức nhiệt cao nhất ở Bilbao, thành phố lớn nhất phía bắc Tây Ban Nha, trong tháng 1.
Các khu trượt tuyết trên dãy Alps, đặc biệt là những khu nằm ở vùng núi thấp, phải đóng cửa vì thời tiết ấm áp. Đồng thời, châu Âu đón những đợt mưa xối xả, cuốn trôi lượng tuyết của tháng 12. Các khu nghỉ dưỡng nằm ở độ cao hơn như Val Thorens (nằm ở 2.300 m) vẫn hoạt động bình thường.
Harrison và bạn trai, đến từ Anh, đã biết trước việc Le Praz De Lys sẽ không có tuyết. Dù vậy họ vẫn quyết định đi. Bây giờ, thay vì dành cả ngày trên sườn núi, Harrison ngồi nhìn chim bay nhảy trên ban công ngôi nhà gỗ của mình.
Laurent Reynaud, CEO tại Domaines Skiables de France, cơ quan quốc gia đại diện cho các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết, nói một nửa trong số 7.500 dốc trượt tuyết ở Pháp hiện đóng cửa do “thiếu tuyết và mưa nhiều”. Một số khu nghỉ dưỡng đang điều chỉnh để xoay xở hoạt động. Họ chuyển sang cho thuê xe đạp leo núi, khuyến khích du khách khám phá vùng nông thôn rộng lớn, thay vì ngồi buồn chán vì không có tuyết. Số khác đang dựa vào tuyết nhân tạo để hoạt động. Nhưng “những thứ giả ấy vẫn có thể tan chảy”. Và việc tạo tuyết giả được đánh giá là tốn kém, ảnh hưởng môi trường vì cần sử dụng lượng lớn năng lượng và nước.
Chuyên gia khí tượng học Fraser Wilkin cho biết du khách vẫn có cơ hội trượt tuyết ở châu Âu mùa đông này. Dù vậy, mọi người phải chấp nhận một điều, biến đổi khí hậu đang diễn ra. Không chỉ Pháp, các khu nghỉ ở Thụy Sĩ, Italy, Áo đều gặp tình huống tương tự. “Thực tế là mọi nơi trên dãy Alps tuyết đều ít hơn mức trung bình hàng năm”, Wilkin nói.
Isa Castellvi, quản lý trường dạy trượt tuyết trong một khu nghỉ ở Pyrenees, biên giới Pháp – Tây Ban Nha, nói nơi này đang trải qua mùa xuân, chứ không phải là tháng 1. Khách sạn của cô vẫn có tuyết, nhưng không trong tình trạng “tốt nhất”. Dù vẫn hoạt động, nơi này cũng đối mặt với ít nhiều ảnh hưởng. Có rất nhiều người đã hủy đặt phòng.
Bên kia dãy Alps ở Thụy Sĩ, Mark Bennett, người Anh về hưu, sống trong một ngôi làng nhỏ gần Lucerne, nằm ở cuối khu trượt tuyết Klewenalp-Stockhutte. Giống Le Praz De Lys, đây là một khu nghỉ nhỏ, với điểm cao nhất chỉ hơn 2.000 m. Bennet sống ở đây 10 năm, cho biết các khu nghỉ dưỡng đã đóng cửa để dành tuyết cho dịp Giáng sinh, năm mới. Nhưng tất cả đều không như mong đợi. “Thật buồn vì không còn thấy tiếng ồn ào và cuộc sống thường thấy trong các kỳ nghỉ nữa”, Bennet nói.
Isa vẫn đang cố gắng lạc quan với hy vọng tình trạng tuyết sẽ rơi nhiều hơn vào những tuần tới. Cô cũng khuyên du khách nên kiểm tra thời tiết trước khi đến, để tránh thất vọng.
“Du khách vẫn có thể trượt tuyết trong tương lai. Nhưng các khu nghỉ dưỡng ngày càng đối mặt nhiều áp lực hơn. Du khách càng ngày càng phải lên cao hơn mới có tuyết, và điều này sẽ đẩy giá kỳ nghỉ lên”, Fraser Wilkin nói.
Anh Minh (Theo CNN, Guardian)